Sân khấu thủ đô nỗ lực chinh phục khán giả trẻ
Sau hơn 2 năm ảnh hưởng vì dịch bệnh COVID-19, ngay từ cuối năm 2022, các Nhà hát sân khấu Thủ đô đã bắt tay vào dựng các vở mới để phục vụ khán giả và tham dự các Liên hoan sân khấu. Chính vì vậy, một không khí dựng vở nhộn nhịp, sôi động hơn bao giờ hết. Trong đó, đối tượng khán giả trẻ luôn được tiếp cận với nhiều phương thức phong phú.
Một trong các đơn vị đi đầu trong việc năng động, luôn luôn đổi mới kịch mục để có thể phục vụ đông đảo khán giả ở nhiều lứa tuổi phải kể tới Nhà hát Tuổi trẻ. Sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, cũng là thời điểm Nhà hát bước vào kỷ niệm 45 năm ngày thành lập (1978-2023). Chào mừng cột mốc quan trọng này, ngay từ đầu năm, đơn vị đã tổ chức các hoạt động kỷ niệm và trình diễn chuỗi tác phẩm đặc sắc đã góp phần tạo dựng nên dấu ấn của Nhà hát, tôn vinh và tri ân các thế hệ khán giả.
Đặc biệt, từ ngày 7/4 đến ngày 10/4, một chuỗi vở diễn làm nên tên tuổi Nhà hát Tuổi trẻ đã được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Nhà hát Tuổi trẻ đã công diễn 3 tác phẩm: "Trại hoa vàng", "Sống mãi tuổi 17", "Đời cười tuyển chọn". Vở nhạc kịch "Trại hoa vàng" được chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Tác phẩm văn học vốn đã rất quen thuộc với đông đảo độc giả trẻ qua thông điệp của ước mơ, khát vọng và nghị lực để vượt qua khó khăn, thử thách trên con đường lập thân, lập nghiệp của các bạn trẻ. Nhạc kịch "Trại hoa vàng" được dàn dựng bởi đạo diễn, NSƯT Ánh Tuyết, từng giành Huy chương vàng Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc năm 2021.
Còn vở "Sống mãi tuổi 17" là kịch bản đầu tay của tác giả Lưu Quang Vũ, với hình tượng về cuộc đời anh hùng Lý Tự Trọng, một tấm gương tiêu biểu của tuổi trẻ với lòng yêu nước, sự dũng cảm, kiên trung, đã cống hiến và hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Câu chuyện đã truyền cảm hứng, tôn vinh lối sống đẹp, tinh thần dấn thân, cống hiến của thanh niên trong thời đại mới. Đây cũng được coi là một trong số vở diễn kinh điển, làm nên thương hiệu của Nhà hát Tuổi trẻ. Bản diễn đầu tiên từng giành Huy chương Vàng Liên hoan sân khấu năm 1980. Vở diễn do đạo diễn Sĩ Tiến dàn dựng, là tác phẩm chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XII.
Nổi bật trong chùm tác phẩm phải kể tới sê ri hài kịch "Đời cười". Từng được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện văn hóa tiêu biểu của năm 2000, chùm hài kịch đã in đậm trong lòng khán giả yêu sân khấu cả nước. Sự trở lại của "Đời cười tuyển chọn" quy tụ các nghệ sĩ đã từng đảm nhận những vai diễn đầu tiên từ hơn 20 năm trước như NSƯT Chí Trung, Ngọc Bích, Ngọc Huyền, Đức Khuê, Vân Dung, Bá Anh... Ngoài ra, Nhà hát còn bổ sung tác phẩm mới là hài kịch "Giấc mơ hạnh phúc" (tác giả Đinh Tiến Dũng và Nguyễn Thu Hiền).
Cũng trong không khí dựng vở sôi nổi ấy, Nhà hát Kịch Hà Nội - đơn vị hiện đang tọa lạc ở "vị trí kim cương" phố Tràng Tiền cũng đã cho ra mắt nhiều chương trình nghệ thuật hấp dẫn phục vụ khán giả ngay từ đầu tháng 4. Kịch mục của Nhà hát khá phong phú với các chương trình ca - múa - nhạc. Các tiểu phẩm hài "Phòng tìm duyên" và "Tình huống khó xử", tiểu phẩm "Internet về làng" phục vụ khán giả vào các tối cuối tuần. Chùm bi hài kịch "Những chuyện đời" (bao gồm 5 tiểu phẩm "Đời quá khổ", "Thời cơ đến rồi", "Con trai thì cút - Con gái thì giữ", "Hạnh phúc" và "Dạ thú") của đạo diễn Lê Hùng đều mang tính hài hước, phê phán châm biếm những vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống hiện đại. Ngoài ra, là sự trở lại của những vở kịch nổi tiếng của Nhà hát như "Trái tim người Hà Nội", "Thúy Kiều - một kiếp đoạn trường", "Làng song sinh", "Mảnh đất lắm người nhiều ma" …
Trong đó, "Trái tim người Hà Nội" là vở kịch dựa theo tiểu thuyết "Nỗi buồn chiến tranh" của nhà văn Bảo Ninh (tác giả Phùng Nguyễn, đạo diễn NSƯT Tiến Minh) cùng sự góp mặt của những nghệ sĩ tài năng Nhà hát Kịch Hà Nội như Tiến Lộc, Thu Hằng, Mạnh Hưng, Huyền Thạch…
Nhà hát Kịch Việt Nam - "Anh cả đỏ" của sân khấu cả nước lại ghi dấu ấn bằng việc chinh phục khán giả ngoài Hà Nội thông qua "Hành trình xuân Biên giới 2023" với 11 đêm diễn có số lượng khán giả khoảng 10.000 người. Theo NSƯT Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, chương trình đã thu hút khá đông khán giả. Hầu như đêm diễn nào cũng không còn chỗ trống. Có những đêm diễn, số lượng khán giả đến xem chương trình lên đến 2.000 người.
Trước đó, cuối năm Nhà hát Kịch Việt Nam cũng đã cho ra mắt công chúng yêu nghệ thuật chuỗi chương trình đặc sắc bao gồm các vở diễn như "Đêm trắng", "Kiều", "Bệnh sĩ", "Bão tố Trường Sa", "Điều còn lại", "Người trong cõi nhớ", "Người tốt nhà số 5", "Người yêu tôi là hoa hậu"… Tác phẩm mới nhất mà Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng là "Người đi dép cao su" - một vở kịch nói về Bác Hồ dựa trên tập kịch thơ cùng tên của nhà văn Kateb Yacine (Algeria). Đó không chỉ là một tác phẩm ca ngợi Bác Hồ kính yêu mà còn là một bản trường ca khắc họa sống động về đất nước, con người Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.
Nhà hát Cải lương Việt Nam lâu nay cũng được đánh giá là đơn vị nghệ thuật truyền thống nhưng không ngừng cải tiến nội dung kịch mục để phục vụ khán giả. Mới đây nhất, Nhà hát tiến hành dàn dựng kịch bản cải lương "Mê Đê" (kịch cổ điển Hy Lạp), thuộc hàng kinh điển thế giới. Vở kịch đã có tuổi đời 2.600 năm được diễn ở nhiều loại hình sân khấu trên thế giới. Ở Việt Nam, tác phẩm được dịch giả Hoàng Hữu Đản dịch ra Tiếng Việt và cũng đã được nhiều sân khấu dàn dựng. Bản của Nhà hát Cải lương được NSND Triệu Trung Kiên chuyển thể từ kịch bản thơ do NSƯT Lê Chức viết. Tác phẩm được đánh giá là phiên bản đảm bảo trọn vẹn giá trị của tác phẩm gốc, vừa mới mẻ, vừa mang giá trị nhân văn.
Nhà hát cũng đã chinh phục khán giả trẻ bằng những suất diễn ủng hộ đoàn thể thao khuyết tật tham gia Đại hội thể thao dành cho người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 12 tại Camphuchia và một buổi biểu diễn dành cho Học viện Hành chính quốc gia. Ngoài ra, Nhà hát đang có kế hoạch kết hợp với một số doanh nghiệp đưa tác phẩm phục vụ miễn phí cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng…
Có thể nói, lâu nay, một trong những điểm hạn chế của một số nhà hát công lập là có tác phẩm hay nhưng chưa có cách tiếp cận tốt đến công chúng. Trong đó, chưa có sự đầu tư xứng tầm cho công tác truyền thông, quảng bá và giới thiệu tác phẩm. Vì thế, tác phẩm hay nhưng chưa chú trọng đến quảng bá vở diễn nên khán giả không biết thông tin đến xem. Những người làm nghề đều cho rằng, sân khấu đã đi qua giai đoạn hoàng kim và lâu nay đứng trước sự cạnh tranh với nhiều loại hình giải trí hiện đại khác. Việc sân khấu giảm sức hút cũng là điều dễ hiểu. Điều này càng đòi hỏi những người làm sân khấu phải nghĩ ra được những phương thức phù hợp để kéo khán giả tới rạp.
Một trong những điều dễ nhận thấy ở các tác phẩm của Nhà hát Tuổi trẻ là sự chủ động trong việc tiếp cận với khán giả trẻ. Cụ thể là việc đưa yếu tố trẻ vào các vở diễn dù vở diễn đó mang đề tài, thông điệp gì. Có những vở kịch còn nguyên giá trị đến ngày nay chính vì hình thức sinh động, nội dung gần gũi với giới trẻ. Nhà hát Kịch Việt Nam cũng ý thức được việc phải kéo khán giả trẻ tới rạp. Ngay từ khi mở cửa trở lại sau dịch bệnh, nhà hát đã duy trì những đêm diễn thường xuyên, đều đặn vào cuối tuần để phục vụ công chúng. Để thu hút khán giả, nhà hát chú trọng tới việc chăm sóc khán giả. Mỗi đêm diễn sẽ có một số lượng vé nhất định tặng cho những khán giả thường xuyên theo dõi fanpage và tham gia những chương trình mini show, mini game… Sắp tới, Nhà hát sẽ tiến hành chuẩn hóa vé điện tử, thanh toán online…
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất để có thể khiến khán giả đặt chân tới rạp, để sân khấu liên tục được sáng đèn thì đầu tư vào kịch bản, chất lượng vở diễn là điều quan trọng nhất. Đặc biệt, các Nhà hát đều hy vọng các tài năng trẻ sẽ là những nguồn lực quan trọng tạo ra những vở diễn đặc sắc. Hiện tại, Nhà hát Tuổi trẻ đang sở hữu những gương mặt yêu sân khấu nhưng cũng khá "hot" ở lĩnh vực phim truyền hình như Thanh Sơn, Thu Quỳnh, Lương Thu Trang… Tương tự, ngoài sở hữu những nghệ sĩ "cây đa cây đề", Nhà hát Kịch Hà Nội cũng đã có những gương mặt nghệ sĩ tài năng nhiều hứa hẹn như Thanh Hương, Mạnh Hưng, Diễm Hương…