Sân khấu thử nghiệm: Khát khao đổi mới
Dẫu còn một vài tranh cãi về học thuật nhưng phần lớn các đạo diễn, nhà nghiên cứu và các diễn viên tham gia 'Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ Tư' đều thống nhất rằng các tiết mục tham dự có tính chất đa dạng về đề tài, phong phú về loại hình, mới mẻ trong phong cách nghệ thuật.
Thử nghiệm từ kịch bản tới diễn xuất
Kết thúc “Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ Tư”, vở diễn “Sự sống” của Nhà hát kịch Việt Nam đã giành huy chương vàng. Cùng với “Sự sống”, hàng chục huy chương vàng, bạc đã trao cho các vở diễn và cá nhân xuất sắc đã đánh dấu một mùa “thử nghiệm” thành công của sân khấu kịch.
Vở kịch “Sự sống” của cố NSND Anh Tú và đạo diễn Hiroyuki Muneshige (Nhật Bản) đồng đạo diễn dựa trên nguyên tác truyện “Tanikoh” (Vách núi) của Nhật Bản, ra đời cách đây khoảng 600 năm.
Một cảnh trong vở “Cánh đồng đẫm máu” của đoàn Hy Lạp.
Nội dung kể về một thiếu niên hiếu thảo, tham gia vào chuyến tu hành lên núi để cầu nguyện cho sức khỏe của người mẹ đang mang trọng bệnh. Giữa đường cậu bị đổ bệnh. Theo quy tắc của đạo tu hành, những người không thể di chuyển giữa đường sẽ bị xử lý theo hình thức là ném xuống vách núi rồi chôn sống. Tuy nhiên, vị thần núi đã xuất hiện và cứu sống cậu.
Nội dung vở kịch khá đơn giản, thế nhưng dưới sự sáng tạo của hai vị đạo diễn và sự thể hiện diễn xuất đặc sắc của dàn diễn viên, “Sự sống” đã mang đến một câu chuyện đầy cảm xúc, ấn tượng.
Câu chuyện được kể bằng chính ngôn ngữ hình thể của diễn viên chứ không phải bằng lời nói. Bởi vậy, sự khác biệt ngôn ngữ gần như bị xóa nhòa.
Đây cũng là một vở kịch đánh dấu sự thể nghiệm nghệ thuật rất độc đáo trên sân khấu kịch. Các diễn viên không được phân vai cố định như thông thường, mà liên tục tráo đổi cho nhau. Đôi lúc, họ hóa thân thành núi, thành tảng đá gập ghềnh hiểm trở bằng chính cơ thể của mình. Ngoài ra, hiệu ứng âm thanh từ việc chơi nhạc cụ trực tiếp trên sân khấu cũng tạo ra một không gian kịch rất thú vị.
Cảnh trong vở “Sự sống”.
Trò chuyện với diễn viên Khuất Quỳnh Hoa, một diễn viên tham gia “Sự sống”, chị cho biết: “Đây là một vở diễn rất dễ thương. Tất cả mọi người trên sân khấu không có ai là vai chính. Ban đầu, khi lên trên sân khấu, tất cả mọi người đều không hiểu chuyện gì đang xảy ra vì nó giống như một buổi tập ở nhà hát, mọi người như thể đang đóng thử một vở diễn mới”.
“Mọi người rất tò mò không hiểu một đạo diễn người Nhật thì sẽ dàn dựng vở kịch như thế nào vì ông ấy đòi hỏi về âm thanh, tập hình thể rất nhiều. Các diễn viên phải tập hình thể ba đợt. Khi tập cứ nghĩ rằng tập xong thì... để đấy. Nhưng đến khi xong xuôi mới nhận ra tất cả những gì mọi người tập thì đều được đưa vào trong vở kịch một cách rất mềm mại. Ví dụ như sự phối hợp nhịp nhàng của mọi người trong di chuyển khi nhanh, khi chậm... Tất cả mọi người đều phải đi rất nhanh, không ai nhìn vào ai, nhưng hoàn toàn không có va chạm. Khi diễn tất cả mọi người phải rất tập trung, chỉ có khán giả ngồi dưới mới có thể cảm nhận rõ rệt về sự di chuyển nhịp nhàng ấy”, diễn viên Quỳnh Hoa chia sẻ.
“Điều thú vị của vở diễn này là tất cả các diễn viên mặc dù có lớp lang nhưng nếu nhìn từ ghế khán giả thì không một ai bị bạn diễn che khuất. Sàn diễn của vở kịch “Sự sống” hoàn toàn mở, thậm chí có đoạn diễn viên biểu diễn ngay từ ghế khán giả, một đoạn khác thì có nghệ sĩ thổi sáo tiếng sáo từ ghế khán giả, hoàn toàn không phải đến từ dàn nhạc phía dưới sàn diễn như truyền thống”, Quỳnh Hoa vui vẻ nói.
Thử nghiệm nhưng được là chính mình
Tại Liên hoan lần này, có vở diễn dùng nhiều ánh sáng, âm thanh như vở “Bpolar” của Đoàn nghệ thuật Ayit, Israel. Vở diễn này kể lại về cuộc đời của một người bị bệnh tâm thần. Cả vở diễn không có lời thoại, có cả các loại hình khác như múa rối, ảo thuật. Có vở diễn dùng hình thể như “Tháng Tám” của Hungary...
Vở kịch “Cánh đồng đẫm máu” của Hy Lạp thì lại sử dụng nhiều thủ pháp về hình ảnh động và hình thể. Bà Kyriky Spannoue, đạo diễn vở kịch cho biết: “Ở đất nước chúng tôi, sự kết hợp giữa hình ảnh động và diễn xuất vẫn còn khá xa lạ. Do đó, trong vở diễn của mình, tôi đã kết hợp những yếu tố này lại. Bên cạnh đó, sự kể chuyện và lối dẫn chuyện cũng như các hiệu ứng đằng sau của sân khấu cũng rất sống động và mới mẻ”. Diễn viên Dimitrios Mamius (đoàn Hy Lạp) thì nói: “Là một người theo trường phái hiện đại, tôi rất thích những thể loại sân khấu mới lạ và mang tính thử nghiệm như thế này. Nó giúp tôi được là chính mình mà không phải đọc lời thoại một cách vô hồn, được hòa mình vào vở diễn. Tôi rất vui khi được sang Việt Nam lần này”.
Cảnh trong vở “Sự sống”.
Dẫu còn một vài tranh cãi về học thuật nhưng phần lớn các đạo diễn, nhà nghiên cứu và các diễn viên tham gia “Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ Tư” đều thống nhất rằng, tại Liên hoan lần này, các tiết mục tham dự có tính chất đa dạng về đề tài, phong phú về loại hình, mới mẻ trong phong cách nghệ thuật.
NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo Liên hoan nói: “Tại Liên hoan này, các vở diễn về loại hình nghệ thuật có khác nhau, mỗi tác phẩm có một đóng góp khác nhau, thời gian để chuẩn bị cho mỗi tiết mục cũng dài hơn... và các đơn vị tham gia đều có ý thức về sự sáng tạo để vươn tới tính thử nghiệm”.
Còn đạo diễn Lê Quý Dương nói: “Xem các vở diễn tôi thấy rất thú vị và độc đáo. Liên hoan như thế này rất hữu ích, có sự tác động rất lớn tới hoạt động sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật ở Hà Nội nói riêng cũng như trong cả nước nói chung”.
Liên hoan lần này có sự góp mặt của nhiều phong cách mới đến từ châu Âu, châu Á và cả những thể nghiệm mới mẻ của các đoàn nghệ thuật trong nước. Lạc quan mà nói, Liên hoan lần này rất có thể sẽ là một sự đánh dấu khởi đầu cho sự hồi sinh của sân khấu kịch, nhất là trong thời kỳ sân khấu phải cạnh tranh với nhiều loại hình giải trí khác.
NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam bày tỏ: “Liên hoan là cơ hội để các nghệ sĩ, diễn viên thể hiện tài năng sáng tạo nghệ thuật, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, mở rộng giao lưu văn hóa, trao đổi, học tập kinh nghiệm làm nghề với các đoàn nghệ thuật quốc tế. Qua những trải nghiệm chúng ta nhận được quan niệm, cách lý giải mới được xây dựng từ tư duy thử nghiệm, để vươn tới tính tiên phong, đưa sân khấu phát triển”.
Nhìn từ “Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ Tư” – 2019, ông Tuấn Giang, một nhà nghiên cứu nghệ thuật nhận xét: “Các thử nghiệm này đã đạt được việc tạo ra một khuynh hướng mới, đáp ứng được mong muốn của công chúng. Trong một thế giới toàn cầu hóa, khán giả cần được đổi mới về phương thức biểu đạt”.
Đúng như vậy, khán giả luôn luôn có nhu cầu đổi mới và sự “thử nghiệm” đã mang đến những tín hiệu tốt lành. Hãy cùng kỳ vọng và chờ đợi những thay đổi tích cực trong thời gian sắp tới.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/san-khau-thu-nghiem-khat-khao-doi-moi-post69629.html