Sân khấu truyền thống: Lột xác để níu chân khán giả trẻ
Nếu các loại hình nghệ thuật hiện đại dễ dàng ứng dụng thể nghiệm mới thì sân khấu truyền thống như chèo, cải lương, tuồng, múa rối... lại gặp khó khi thử cách tân. Thế nhưng đến nay, nỗ lực lột xác của sân khấu truyền thống bước đầu được khán giả đón nhận với những tác phẩm ấn tượng.
Các vở "Chuyện tình Khau Vai", "Giấc mộng đêm xuân", "Hừng đông", "Nhật thực", chuỗi chương trình "Trăm năm nguồn cội", "Tài danh đất Việt" ... không chỉ lôi cuốn fan ruột cải lương mà còn chinh phục công chúng trẻ.
"Giấc mộng đêm xuân" được đạo diễn, NSND Trần Ngọc Giàu phục dựng lại cái "thật và đẹp" của cải lương thuở sơ khai. Dưới bàn tay tài tình của ông, cảnh đoàn hát lênh đênh trên sông nước và biểu diễn ở những miền quê mình cập bến, kiểu xoay đèn thủ công, cách sắp xếp cảnh trí cho đoàn hát, lối tán dương của khán giả xưa khi diễn viên ca hay, diễn đẹp... được tái hiện đầy sinh động trong "Giấc mộng đêm xuân".
Vở diễn của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang giúp khán giả ngày nay hình dung được đời sống nghệ thuật cải lương xưa. Câu chuyện về mối tình của cô đào chính và chàng công tử nhà giàu cũng được truyền tải gọn ghẽ chứ không lâm ly, dài dòng. Nhiều khán giả xem xong mới thấm thía sự sáng tạo của cha ông, họ cố gắng hết sức để sân khấu luôn là thánh đường cuốn hút dù ngày ấy đầy thiếu thốn, thô sơ. Đó cũng là thâm ý của đạo diễn Trần Ngọc Giàu bởi ông muốn nhắn nhủ đội ngũ làm nghề ngày nay phải không ngừng tìm tòi để cải lương "thật và đẹp", nhất là khi công nghệ hiện đại đã hỗ trợ rất nhiều.
Đạo diễn Triệu Trung Kiên là một tên tuổi nổi tiếng với những cách tân trên sàn diễn cải lương. Trước đây, vở "Hừng đông" khai thác về cuộc đời nhà cách mạng Phan Đăng Lưu nhận được phản ứng tích cực của giới chuyên môn và công chúng khi lưu diễn hai miền Bắc - Nam. Khai thác đề tài cách mạng nhưng "Hừng đông" không hề là bản anh hùng ca khô cứng, sáo rỗng mà trẻ trung, sôi nổi nhờ cách dẫn chuyện của ban nhạc rock hôm nay.
Xu hướng phối trộn với âm nhạc hiện đại cũng từng được Nhà hát Thế giới trẻ áp dụng trong vở cải lương "Nhật thực". Ca từ lê thê được lược ngắn lại cho súc tích. Ở một vài đoạn, nghệ sĩ còn ngẫu hứng ca cải lương trên nền nhạc giao hưởng. Riêng vở "Chuyện tình Khau Vai" do đạo diễn Triệu Trung Kiên thực hiện tại TP Hồ Chí Minh cho Sân khấu mới Đại Việt có cách dàn dựng mang nhiều hiệu ứng của công nghệ tân tiến. Nó khiến vùng cao phía Bắc thật hơn, gần hơn với người miền Nam. Đường vào sân khấu cũng bố trí rất nhiều công cụ, trang phục, hình ảnh sinh hoạt của đồng bào dân tộc. Khâu quảng bá cũng áp dụng nhiều tiện ích công nghệ như chạy quảng cáo trên Facebook, lập fanpage cập nhật hậu trường, tổ chức trò chơi, bán vé online... Đây là những điều còn khá xa lạ với nghệ thuật truyền thống.
Mới đây, vở tuồng "Sanh vi tướng, tử vi thần" của Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP Hồ Chí Minh trở thành một hiện tượng trong làng sân khấu truyền thống. Lâu nay, khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ mặc định tuồng rất khó xem vì lời thoại dày đặc từ Hán - Việt. Không am hiểu Hán - Việt khiến họ khó nắm bắt nội dung vở diễn, không hiểu nhân vật nói gì. Do vậy khán giả của tuồng cứ vơi dần trong nhịp sống hiện đại. TP Hồ Chí Minh có nguyên một nhà hát hoành tráng dành cho nghệ thuật hát bội nhưng quanh năm suốt tháng đóng cửa im ỉm. Thỉnh thoảng chỉ có vài buổi biểu diễn phục vụ du khách quốc tế.
Cách tân tuồng rất khó vì nó đậm tính dân gian và khó dung hòa cái mới như ở cải lương. Vở "Sanh vi tướng, tử vi thần" có thể coi là bước thử nghiệm đầu tiên được công chúng trẻ ủng hộ nhiệt tình đến vậy.
Đây là vở tuồng cũ vì từng được Nhà hát dàn dựng cách đây hơn chục năm. Tác phẩm ca ngợi sự bất khuất, anh hùng của quân dân nước Nam chống lại giặc ngoại xâm. Đến cuối năm 2019, Nhà hát quyết tâm làm mới để vở đến được với công chúng, đặc biệt là du khách quốc tế sau bao năm cất kho. Thay vì biểu diễn 120 phút như bản cũ, ekip rút xuống còn 60 phút để nội dung cô đọng, gãy gọn.
Điều ngạc nhiên nhất: "Sanh vi tướng, tử vi thần" là một vở tuồng không lời. Ekip dàn dựng chỉ sử dụng âm nhạc, điệu bộ, vũ đạo và phong cách ước lệ đặc trưng của nghệ thuật hát bội để thể hiện nội dung. Cách làm này không chỉ giúp khán giả trong nước mà ngay cả khán giả quốc tế cũng dễ dàng hiểu và thấu cảm.
Theo nhiều người, ngay cả người Việt nghe không hiểu nghệ sĩ hát gì thì họ sao thẩm thấu được cái hay, cái đẹp của tuồng. Tuy nhiên nếu bỏ hẳn lời hát thì nét đẹp của nghệ thuật tuồng cũng không được toàn vẹn, bởi không hát thì sao ra hát bội. Do đó, "Sanh vi tướng, tử vi thần" có thể là bước tiếp cận đầu tiên để công chúng dần quen với loại hình nghệ thuật độc đáo này. Dần dần, lời hát có thể thêm vào một ít đi kèm với tờ rơi giải thích, thuyết minh ngữ nghĩa trước khi vở mở màn như cách mà nhạc kịch hiện đại hay làm.
Múa rối nước cũng có màn pha trộn táo bạo, thú vị trong tác phẩm "Mơ rồng". Ekip không ngần ngại phá bỏ không gian quen thuộc của nghệ thuật múa rối nước truyền thống bằng hàng loạt pha cách tân. Đầu tiên, các nghệ sĩ không còn đứng sau mành tre để điều khiển rối mà xuất hiện đàng hoàng trên sân khấu như các diễn viên múa hình thể đương đại, tương tác cùng con rối.
Thứ hai, những nhân vật rối nước quen thuộc như chú Tễu, con rồng, những nàng tiên... được cải tiến để có thể vừa múa được dưới nước, vừa múa được trên cạn, tạo nên một bản hòa ca đầy thăng hoa, bay bổng.
Vở rối "Thân phận nàng Kiều" cũng khiến đông đảo khán giả trầm trồ xuýt xoa bởi tinh thần thời đại và cách thể hiện đậm tính đột phá, lạ lẫm. Âm nhạc truyền thống kết hợp với âm nhạc hiện đại, không gian, ánh sáng mang màu sắc trừu tượng, biểu hiện... khiến câu chuyện vốn quen thuộc của đại thi hào Nguyễn Du bỗng trở nên hấp dẫn, lôi cuốn, mang thêm những ẩn ý mới. Riêng bốn loại hình nghệ thuật dân gian gồm cải lương, chèo, hát xẩm, hát văn Huế vừa có màn giao lưu, lồng ghép ấn tượng trong vở nhạc kịch "Ngàn năm mây trắng" của Nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam.
Việc đổi mới sân khấu truyền thống được xem là yếu tố sống còn để cạnh tranh với các loại hình giải trí nghe nhìn hiện đại khác. Đó cũng là cách để nghệ thuật truyền thống không bị thất truyền, mai một khi thế hệ trẻ ngày càng quay lưng, tỏ ra không mặn mà.
Theo đạo diễn, NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh, xã hội luôn luôn thay đổi và phát triển không ngừng khiến nhiều chuẩn mực cũ lung lay và bị thay thế bằng những chuẩn mực mới. Cách thưởng thức của khán giả ngày nay cũng khác xưa. Nếu sân khấu không chịu đổi mới trong sáng tác của tác giả, trong sáng tạo của đạo diễn và diễn viên... thì sân khấu sẽ lạc hậu so với đời sống hiện tại.
Sự cách tân phải phù hợp với xu thế xã hội và con người hôm nay. Điều đó thể hiện từ kịch bản, cách dàn dựng đến trang trí sân khấu, từ âm thanh, ánh sáng đến diễn xuất… Vậy nên việc nghệ sĩ mạnh dạn đối mới tư duy, cách làm cũ để thổi luồng gió mới cho sân khấu truyền thống giữa bối cảnh khó khăn này là điều đáng hoan nghênh.
Nhưng đổi mới thế nào để vẫn giữ được bản sắc của loại hình nghệ thuật đó mới là điều quan trọng. NSND Trần Minh Ngọc cho rằng: "Có thể chúng ta phá cách một phần nhỏ để thử hiệu ứng. Tựu chung người nghệ sĩ phải biết kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa Đông và Tây. Sân khấu ít lời, thậm chí không lời, thay thế bằng cách diễn hình thể, sắp đặt, âm thanh, ánh sáng, điện ảnh.
Chúng ta có thể làm lạ, làm mới những cái đã cũ bằng cách ứng dụng công nghệ nhưng phải nhuần nhuyễn, đúng lúc đúng chỗ chứ không được lạm dụng quá đà làm mất đi bản sắc đáng quý của nghệ thuật truyền thống. Nghệ sĩ phải luôn có khát vọng làm mới, nếu thành công thì tiếp tục, nếu thất bại thì tìm hướng khác chứ không nản chí, buông xuôi. Bản chất của nghệ thuật là luôn luôn tìm tòi, sáng tạo để tìm được tiếng nói mới, xu hướng mới".