San lấp mặt bằng sân bay

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được đơn vị tư vấn thiết kế tập trung tính toán các phương án xử lý kỹ thuật cho mặt bằng. Dự kiến sẽ phải 'bóc' bỏ hàng triệu mét khối đất trên bề mặt. Việc đổ bỏ một phần và tích trữ lượng đất này đang được cân nhắc kỹ để không ảnh hưởng đến môi trường.

Suối Trầu cũng là một hệ thống thoát nước khá quan trọng cho vùng ven Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: K.Giới

Suối Trầu cũng là một hệ thống thoát nước khá quan trọng cho vùng ven Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: K.Giới

San lấp mặt bằng xây dựng cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành đòi hỏi các công đoạn phải hết sức chặt chẽ. Trong báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) xây dựng sân bay thì báo cáo đánh giá tác động môi trường khi xây dựng cũng yêu cầu làm rõ từng việc nhỏ như đổ bỏ lớp đất mặt sân bay như thế nào và phương án xử lý ra sao.

* Di chuyển hàng chục triệu mét khối đất

Theo tính toán của đơn vị tư vấn, trong giai đoạn 1 của việc xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (có diện tích hơn 1.800 hécta), sẽ phải đào xới và “bóc” đi lớp đất bề mặt với tổng trữ lượng khoảng 32 triệu m3. Trong đó, có khoảng 5 triệu m3 gồm gốc cây, cỏ và lớp đất bùn không tái sử dụng được phải đổ bỏ.

Theo tính toán của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, với phương án thoát nước cho khu vực Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nguồn nước sẽ được thoát qua 2 dòng suối là suối Quán Thủ và suối Cả, sau đó chảy ra sông Đồng Nai. Phía trên của sân bay (Tây - Bắc) sẽ thoát nước ra suối Quán Thủ và phía dưới (Đông - Nam) của sân bay nước thoát ra suối Cả. Một phần suối Cả nằm trong dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ được “nắn” dòng chảy ra ngoài dự án.

Ông Nguyễn Khắc Phong, Chánh văn phòng Ban Quản lý dự án Long Thành thuộc Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, phần đất bùn và gốc cây này sẽ được đổ tại 4 vị trí đổ thải được UBND tỉnh Đồng Nai quy định. Còn lại khoảng 27 triệu m3 đất sẽ được tái sử dụng cho việc san lấp mặt bằng giai đoạn 2. Lượng đất này sẽ không di chuyển ra ngoài mà trữ lại trong khu vực 5 ngàn hécta xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Cụ thể, đất sẽ được di chuyển đến một số vị trí của giai đoạn 2 xây dựng sân bay.

Để trữ lại nguồn đất này, đơn vị tư vấn cũng đã đưa ra 2 phương án cụ thể và các giải pháp kỹ thuật đi kèm để chống ô nhiễm. Theo giải thích của đại diện đơn vị tư vấn, việc đổ đất tích trữ cũng tuân thủ theo địa thế chung của khu vực.

Hiện tại, độ cao địa hình ở khu vực này theo chiều ngang sân bay là từ Đông sang Tây và chiều dọc sân bay là từ Bắc xuống Nam. Cách trữ đất cũng tuân thủ theo độ dốc của tự nhiên. Trong đó, phương án 1 là đất sẽ được “đầm” nền, diện tích chứa là 571 hécta. Phương án 2 là đất đổ san tự nhiên và sẽ có diện tích chứa là 750 hécta, bao gồm cả các đường mương thoát nước.

* Tránh ngập úng bên ngoài

Sẽ có một lượng đất không nhỏ được trữ lại để phục vụ cho việc san lấp mặt bằng xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Khi đất được đào lên, di chuyển đi nhiều vị trí, mặc dù đa số đều nằm trong khu vực xây dựng sân bay, nhưng cũng cần phải tính toán kỹ để không bị tác động đến môi trường bên ngoài.

Một góc khu dân cư ấp Suối Trầu 3 và ấp 11 xã Bình Sơn trên đường Hương lộ 10 chờ giải phóng mặt bằng cho dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Một góc khu dân cư ấp Suối Trầu 3 và ấp 11 xã Bình Sơn trên đường Hương lộ 10 chờ giải phóng mặt bằng cho dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho rằng, việc đắp trữ đất trong khu vực sân bay xét về nguyên tắc tỉnh không có ý kiến gì đối với các phương án của chủ đầu tư. Tuy nhiên, UBND tỉnh chỉ lưu ý ACV cùng đơn vị tư vấn tính toán cao độ phù hợp, có các giải pháp thoát nước để đảm bảo không gây ngập úng cho các khu vực, đất ở trong sân bay không trôi ra ngoài làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh của người dân và gây bồi lấp sông, suối hiện hữu. “Trong thi công xây dựng sân bay, cố gắng giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh vùng dự án” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nói.

Thông tin thêm về các giải pháp ngăn chặn tình trạng đất dự trữ gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, đơn vị tư vấn cho biết đã tính toán cao độ từng vùng, nước mưa buộc phải cho thoát theo hệ thống mương và xuống các hồ trữ đất để không chảy đất ra ngoài sông, suối hiện hữu.

Trong phương án thi công chi tiết, đơn vị tư vấn cũng tính toán đến mọi khả năng kể cả mực nước khi mưa lớn gây lũ lớn cũng có các phương án dự phòng để xử lý. Cũng theo ACV, trong dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sẽ phải “nắn” một số dòng chảy các suối thoát nước hiện hữu ra ngoài khu vực dự án. Như vậy, việc thoát nước bên ngoài khu vực sân bay sẽ không bị ảnh hưởng tiêu cực, chẳng hạn như tình trạng ngập nước khi mưa.

Khắc Giới

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201906/du-an-cang-hang-khong-quoc-te-long-thanh-san-lap-mat-bang-san-bay-2952978/