Săn 'lộc trời' ở bờ mương, kiếm tiền tươi mà không cần chăm bón
Từ lá, vỏ, hoa đến quả của thứ 'lộc trời' này đều được người Việt sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, hỗ trợ đắc lực trong cuộc sống thường ngày.
“Lộc trời” đa năng ẩn mình trong cây mọc hoang
Ở Việt Nam, người dân có thể tìm thấy “lộc trời” ở khắp nơi, từ đồng bằng, đồi nùi cho đến vùng biển. Cây cơm cháy - một loài thực vật mọc hoang ở khắp nước ta chính là một trong những “lộc trời” đặc biệt đó.

Cây cơm cháy còn được gọi là sóc dịch, cây thuốc mọi, tiếp cốt thảo. Cây thường cao từ 1,5 - 7m, có hoa màu trắng, mọc thành cụm lớn. Bạn có thể tìm thấy loài thực vật này trong rừng, trên sườn đồi hay ven bờ mương. Đặc biệt ở những vùng ven mương nước ẩm ướt, cây phát triển rất mạnh.
Người Việt từ xưa đã biết dùng lá, vỏ, hoa và quả của cây cơm cháy để dùng làm thuốc. Theo y học cổ truyền, dược liệu này có vị đắng, tính ấm, hơi độc, có công dụng lợi tiểu, giảm sưng, giảm đau.

Hoa cơm cháy được dùng làm thuốc lợi tiểu, giúp cơ thể ra mồ hôi. Đặc biệt ở một số nơi, cành và lá cây cơm cháy có thể dùng làm lá tắm cho phụ nữ mới sinh con.
Quả cơm cháy có thể ngâm rượu, mang lại công dụng tẩy độc cho cơ thể, chữa bệnh lỵ và thấp khớp. Ngoài ra, quả cơm cháy cũng có thể dùng làm thuốc lọc máu, nhuận tràng, thông tiểu.

Không chỉ được dùng làm thuốc ở Việt Nam, cây cơm cháy từ lâu cũng được coi là một loại dược liệu quen thuộc tại Trung Quốc, Lào, Campuchia... Ở xứ Trung, cây cơm cháy khô có công dụng thanh nhiệt, chữa bệnh gút, thấp khớp, sưng đau. Nhờ vậy, giá của loại dược liệu này ở Trung Quốc cũng khá tốt, rơi vào khoảng 60 NDT (207.000đ)/kg.
Tại Việt Nam, cây cơm cháy khô có giá bán khoảng 120.000đ/kg. Cây mọc hoang và cũng được trồng ở nhiều nơi trên nước ta.