Việt Nam không còn là người bị động trong ván cờ bất định

Từ Nixon đến Trump, đến những siêu cường từng áp lên Việt Nam những sức ép khôn lường. Nhưng Việt Nam đã và đang chuyển hóa vai trò, từ chỗ là người bị đặt vào thế bất định, trở thành người biết biến bất định thành ổn định, biến ổn định thành tạo ảnh hưởng.

Hai ngày giải phóng, hai biểu tượng trật tự thế giới

Ngày 2 tháng 4 năm 2025, trong một tuyên bố làm rung chuyển thị trường toàn cầu, Tổng thống Mỹ Donald Trump tự xưng ngày đó là ngày nước Mỹ được giải phóng. Theo ông, nước Mỹ đã thoát ra khỏi các ràng buộc thương mại bất lợi, từ bỏ vai trò người bảo trợ quốc tế để quay về làm một nước mặc cả thẳng thừng, đòi lợi ích trước tiên.

Cũng trong những ngày tháng 4 hào hùng, Việt Nam kỷ niệm ngày 30 tháng 4 – một dấu mốc không chỉ của hòa bình, mà là minh chứng cho ý chí tự chủ, nơi một dân tộc nhỏ chọn cách kết thúc chiến tranh xây dựng đất nước phồn vinh.

Như sự tình cờ lịch sử, cũng hai quốc gia hơn nửa thế kỷ trước, hai ngày trong tháng 4, hai cách biểu tượng về giải phóng. Một bên giải phóng như hành vi rút lui để mặc cả, một bên giải phóng là kết thúc đau thương làm bạn bè toàn cầu phát triển kinh tế.

Nhưng trớ trêu thay, cả hai cùng dẫn Việt Nam quay lại vị trí từng quen thuộc: trung tâm của chiến lược mang tên “lý thuyết người điên” (Madman Theory) – nơi một siêu cường chọn cách gây bất ổn để buộc đối phương phải nhượng bộ.

Năm 1969, Richard Nixon áp dụng “lý thuyết người điên” – như chính ông thừa nhận, bằng việc điều tàu ngầm hạt nhân áp sát Việt Nam, gửi tín hiệu ông có thể làm điều điên rồ bất cứ lúc nào.

Nửa thế kỷ sau, trên trang bìa, trong bài “The Madness of King Donald”, tuần san The Economist, cho rằng Donald Trump dùng lại chiến thuật này – nhưng vũ khí không còn là tên lửa, mà là thuế quan, ưu đãi thương mại, và lời đe dọa rút lại mọi đặc quyền “nếu anh không đứng về phía tôi” trong cuộc chiến thương mại toàn cầu do Mỹ khởi xướng. Nhưng bản chất là cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường Mỹ-Trung.

Việt Nam, từ một quốc gia từng là đối tượng của sự bất định quân sự, nay đứng giữa một thế giới đang phân mảnh, nơi luật chơi bị xé toạc và người mạnh tự viết lại luật.

Khi sự khó đoán trở thành công cụ

Năm 1969, Richard Nixon áp dụng “lý thuyết người điên” để đối thủ không dám manh động, vì không ai chắc liệu ông có thật sự bấm nút. Nửa thế kỷ sau, Donald Trump dùng lại lối đi đó. Không phải bằng tàu ngầm, mà bằng chính sách thương mại chớp nhoáng. Áp thuế 25% lên thép, hủy bỏ NAFTA, gây sức ép với WTO, ông tạo ra một thế trận mà mọi nước đều phải tính kỹ từng bước xuất khẩu, từng dòng chuỗi cung ứng.

Đó là cách các cường quốc - không riêng Mỹ - dùng sự khó đoán để ép người khác phải tuân theo. Không cần giải thích, chỉ cần gieo nghi ngờ, là đủ làm đối thủ mất thế chủ động. Nixon dùng tàu, Trump dùng sắc lệnh, nhưng bản chất giống nhau: tạo cảm giác không ai dám đánh cược.

Việt Nam là quốc gia không nằm trong vòng ngắm, nhưng lại luôn trong tầm ảnh hưởng. Mỗi lần Mỹ trừng phạt Trung Quốc, thị trường xuất khẩu Việt Nam rung chuyển. Mỗi khi láng giềng siết hàng, nhà máy trong nước chao đảo. Ta không bị ai đánh, nhưng luôn gồng mình trước dư chấn.

Thế gọng kìm và những ràng buộc không tên

Việt Nam hiện diện trong một không gian thương mại đầy mâu thuẫn. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đồng thời là người hay tra xét nguồn gốc hàng hóa. Trung Quốc là nguồn nguyên liệu chủ lực, đồng thời là người thường kèm theo các điều kiện không văn tự trong thương mại đầu tư.

Trên 30 phần trăm nguyên phụ liệu công nghiệp của Việt Nam đến từ Trung Quốc. Trong ngành dệt may, điện tử, cơ khí, linh kiện và máy móc phụ trợ gần như không thể thay thế ngay. Nhưng cùng lúc, Mỹ lại thường hay đặt câu hỏi Việt Nam là nơi hàng Trung Quốc được gắn mác lại để lách thuế. Mỹ đòi minh bạch đến tận lô hàng, Trung Quốc lại không muốn ai đụng vào chuỗi cung ứng của mình.

Nếu chỉ đứng im giữ vai trung lập, Việt Nam sẽ bị cuốn vào hai dòng chảy trái ngược. Nếu chọn phe, sẽ mất đi một nửa thị trường hoặc nguồn cung. Nhưng nếu biết giữ vai và dẫn được thế, Việt Nam có thể trở thành người cầm trịch khu vực, dù không phải là người lớn tiếng nhất.

Trung lập chủ động, không chọn phe mà chọn vai

Trung lập không còn là khái niệm mơ hồ, mà phải trở thành hành động cụ thể. Không đứng giữa để né, mà đứng giữa để điều tiết. Việt Nam có thể làm điều đó bằng ba trụ cột:

Thứ nhất, minh bạch để củng cố niềm tin.

Khi bị nghi ngờ là nơi trung chuyển hàng hóa, cách duy nhất là mở toang mọi cánh cửa. Không chờ ai yêu cầu, Việt Nam có thể chủ động đầu tư hệ thống truy xuất nguồn gốc bằng blockchain, ứng dụng công nghệ để chứng minh từng đơn hàng là sạch. Singapore đã dùng mô hình TradeTrust giảm 20% tranh chấp thương mại, Việt Nam có thể làm tương tự để bảo vệ hàng trăm tỷ USD xuất khẩu sang Mỹ mỗi năm.

Thứ hai, chính sách phải có gốc rễ và có nguyên tắc.

Khi chính sách thay đổi bất chợt, không chỉ doanh nghiệp trong nước mà cả đối tác nước ngoài đều mất lòng tin. Việt Nam từng thể hiện bản lĩnh này khi giữ vững cam kết CPTPP, bất chấp Mỹ rút lui. Một quốc gia không cần lớn để làm càn làm bậy, chỉ cần giữ lời hứa và nhất quán, nhỏ nhưng ai cũng ngước nhìn.

Thứ ba, cần nói cho rõ, nói cho trúng, cho thấu.

Không chỉ cần làm đúng mà còn phải nói cho người ta hiểu. Qua các kênh ngoại giao, các diễn đàn quốc tế, Việt Nam cần tuyên bố rõ ràng: không đại diện cho bên nào, không toa rập với ai, chỉ theo đuổi lợi ích chính đáng và sự ổn định bền lâu.

Từ người giữ đập sang kẻ trông mương mùa nước nổi

Người miền Tây thường nói, mùa nước nổi mà không có người trông mương giỏi, cả xóm chết lúa. Người trông mương không dừng nước, mà biết mở bờ đê, cống bộng đúng lúc, dẫn dòng đúng chỗ. Giữ cho con nước chảy hiền là giữ cho ruộng yên, ao đầy, lòng dân thư thái.

Chủ tịch nước Lương Cường, trong một hội thảo 50 năm thống nhất đất nước đã nói rất rõ: “Vai trò kiến tạo hòa bình của ngoại giao Việt Nam được thể hiện xuyên suốt các giai đoạn lịch sử, từ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đến xây dựng và phát triển đất nước trong thời bình”. Theo tôi hiểu, ẩn sâu trong câu trên là cách tiền nhân biết điều tiết dòng chảy quan hệ quốc tế như người trông mương giữ lũ. Không ngăn sóng, mà biết dẫn nước cho đúng. Không tranh quyền lớn tiếng, mà biết tạo dòng chảy bền vững.

Việt Nam hôm nay đang ở vào vị trí ấy. Không chặn được biến động toàn cầu, nhưng có thể định hình cách ứng xử trong khu vực. Không đẩy được nước lũ, nhưng có thể dẫn dòng, giữ mạch, bảo vệ vùng lúa của mình và cả lối đi của hàng xóm. Để làm được điều này chúng ta cần:

(1) Chủ động minh bạch. Việt Nam không đợi ai ra luật rồi mới tuân, mà cần làm trước, làm rõ, làm đúng. Truy xuất xuất xứ, kiểm soát chuỗi cung ứng, xây dựng niềm tin chính là hàng rào mềm hiệu quả nhất chống lại mọi cáo buộc.

(2) Phối hợp chiến lược. Không để mỗi bộ ngành xoay xở riêng, Việt Nam cần một bộ tham mưu liên ngành đủ năng lực dự báo và phản ứng. Từ tỷ giá đến khủng hoảng chuỗi cung ứng, từ thương chiến đến trừng phạt tài chính, mọi kịch bản cần được tính sẵn, như người trông mương biết trước con nước lớn sẽ về lúc nào vậy.

(3) Khởi xướng tiêu chuẩn. Việt Nam có thể đề xuất sáng kiến ASEAN+ về chuỗi cung ứng đáng tin, không để Trung Quốc hay Mỹ áp tiêu chuẩn một chiều. Khi ta là người tạo ra khuôn mẫu, người khác sẽ nhìn theo, dù ta không phải nước lớn nhất.

(4) Kể câu chuyện của mình bằng tiếng nói của mình. Thế giới không thiếu người nói về Việt Nam, nhưng Việt Nam cần tự kể lấy. Không để ai “bóng gió” thay để người khác hiểu lầm. Từ truyền thông quốc tế, các đại sứ quán đến diễn đàn thương mại, Việt Nam phải khẳng định mình là đối tác sòng phẳng, không dựa ai, không chống ai, chỉ giữ cho vùng nước của mình trong, sạch, phẳng lặng, bình yên.

Viết lại vị thế bằng cách góp phần định hình luật chơi

Donald Trump có thể gọi ngày 2 tháng 4 là ngày nước Mỹ được giải phóng khỏi toàn cầu hóa. Nhưng một nước Mỹ quay lưng với trật tự chung không còn là người giữ vai trò dẫn dắt, mà là người đòi hỏi quyền lợi đơn phương. Trong khi đó, ngày 30 tháng 4 của Việt Nam nhắc ta về một điều khác: sức mạnh không đến từ việc ép buộc ai theo mình, mà đến từ khả năng tự đứng vững, rồi làm cho người khác muốn đứng cùng.

Việt Nam hôm nay không cần so kè với cường quốc, cũng không ảo tưởng vai trò trung tâm. Nhưng Việt Nam có thể làm điều quan trọng hơn: tạo ra những khung tiêu chuẩn công bằng, những sáng kiến có thể lan tỏa, và một cách hành xử khiến người khác tin cậy. Đó là cách viết lại luật chơi mà không cần tranh giành quyền viết.

Từ Nixon đến Trump, đến những siêu cường từng áp lên Việt Nam những sức ép khôn lường. Nhưng Việt Nam đã và đang chuyển hóa vai trò, từ chỗ là người bị đặt vào thế bất định, trở thành người biết biến bất định thành ổn định, biến ổn định thành tạo ảnh hưởng. Không ai có thể làm chủ dòng nước lớn, nhưng có thể trở thành người biết dẫn dòng, giữ mạch, và làm cho con nước đi qua không cuốn trôi ruộng lúa mà vun bồi phù sa bờ bãi. Và cứ thế, sau mỗi mùa lũ của các siêu cường ta lại có tôm cá dư đầy, cuộc sống bình yên.

Luật chơi không cần phải được soạn ra bằng quyền lực. Nó có thể được hình thành từ sự đáng tin. Và đó là điều Việt Nam có thể cống hiến cho trật tự mới đang hình thành.

Việt Nam hôm nay không cần so kè với cường quốc, cũng không ảo tưởng vai trò trung tâm. Nhưng Việt Nam có thể làm điều quan trọng hơn: tạo ra những khung tiêu chuẩn công bằng, những sáng kiến có thể lan tỏa, và một cách hành xử khiến người khác tin cậy. Đó là cách viết lại luật chơi mà không cần tranh giành quyền viết.

GS.TS TRẦN NGỌC THƠ, Đại học Kinh tế TPHCM

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/viet-nam-khong-con-la-nguoi-bi-dong-trong-van-co-bat-dinh-post122342.html