Sản lượng 2 triệu ô tô mỗi năm nhưng Thái Lan có ít nhà máy hơn Việt Nam
Việt Nam hiện có dung lượng thị trường nhỏ hơn, số lượng nhà cung cấp ít hơn nhưng lại có số lượng nhà sản xuất ô tô nhiều hơn cả Thái Lan.
Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược chính sách Công thương (Bộ Công Thương), chuỗi giá trị ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hiện chia làm 4 cấp, gồm OEM lắp ráp (Original Equipment Manufacturer - nhà sản xuất gốc) và chuỗi nhà cung cấp theo thứ tự là cấp 1, cấp 2, cấp 3.
Trong đó, hiện có 21 OEM lắp ráp ô tô, gồm 5 hãng xe Nhật Bản, 1 hãng xe Mỹ, 1 hãng xe Đức, 5 hãng xe Việt Nam và một số quốc gia khác. Các hãng đều lắp ráp xe hơi thành phẩm dưới dạng CKD trên dây chuyền sản xuất gồm 4 công đoạn chính: hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra.
Phân cấp các nhà cung cấp hiện có, trong số 404 nhà cung cấp được xác định bởi JETRO và JICA (các tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản), có 83 nhà cung cấp cấp 1; 138 nhà cung cấp cấp 2, 3; có 5 nhà sản xuất phụ tùng thay thế, và 178 nhà cung cấp phụ trợ cho các nhà cung cấp loại 1,2,3 nói trên.
Như vậy, về số lượng nhà cung cấp chính thức cho các hãng xe, Việt Nam hiện có 221 đơn vị đủ năng lực được phân cấp. Ngoài ra, có 5 nhà cung cấp chuyên sản xuất loại phụ tùng thay thế trên ô tô, loại phụ tùng hao mòn như lốp, ắc quy, các loại chất lỏng.
Theo nghiên cứu, các nhà cung cấp từ Việt Nam hiện chỉ sản xuất các chi tiết gia công cơ khí đơn giản, cồng kềnh như đồ nhựa, kính chắn gió, ghế ngồi… còn các chi tiết phức tạp, công nghệ cao hầu như đều do các nhà cung cấp FDI thực hiện, như: dây điện, sơn, các loại ống vòi, các chi tiết kim loại và dập khung thân.
So với Thái Lan, số lượng nhà cung cấp của Việt Nam trong ngành công nghiệp ô tô vẫn còn rất ít. Thái Lan có gần 700 nhà cung cấp cấp 1, nhưng Việt Nam chỉ có chưa đến 100. Thái Lan có khoảng 1.700 nhà cung cấp cấp 2, 3, trong khi Việt Nam chỉ có chưa đến 150.
Về tỷ lệ nội địa hóa, đến nay các nhà sản xuất ô tô Việt Nam mới đạt bình quân khoảng 7-10%, trong đó Thaco đạt 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37%đối với riêng dòng xe Innova, thấp hơn mục tiêu đề ra.
Các sản phẩm đã nội địa hóa có hàm lượng công nghệ rất thấp như: săm, lốp ô tô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa... Trong khi đó, tỷ lệ nội địa hóa của các nước trong khu vực như Indonesia đã đạt được 65-70%, Thái Lan đạt tới 80%.
Hơn nữa, trong khi dung lượng thị trường ô tô của Việt Nam chỉ bằng 1/10 của Thái Lan, nhưng Việt Nam lại có 21 nhà máy lắp ráp ô tô, trong khi Thái Lan sản lượng hơn 2 triệu xe mỗi năm nhưng chỉ do 17 nhà sản xuất, lắp ráp.
Nhiều nhà sản xuất ô tô hơn, chia sẻ thị trường nhỏ hơn và phân tán hơn khiến các nhà lắp ráp khó có thể phát triển được mạng lưới nhà cung cấp.
Theo Bộ KHĐT, thụ tùng linh kiện ô tô hiện đang sản xuất tại Việt Nam chủ yếu là các phụ tùng thâm dụng lao động, công nghệ giản đơn, như ghế ngồi, kính, săm lốp, bánh xe.