Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Hòa Phát tăng mạnh
Theo Hòa Phát, thị trường thép xây dựng trong nước tăng do bắt đầu vào mùa xây dựng và một phần đến từ các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) vừa công bố tình hình kinh doanh tháng 11 với số lượng sản xuất thép thô đạt 623.000 tấn, tương đương tháng trước. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC), thép xây dựng, thép chất lượng cao, phôi thép đạt 709.000 tấn, tăng 12% so với tháng 10 và cao nhất kể từ tháng 4/2022. Riêng thép xây dựng, thép chất lượng cao tăng 21% với 410.000 tấn.
Theo lý giải của doanh nghiệp, thị trường thép xây dựng trong nước tăng do bắt đầu vào mùa xây dựng và một phần đến từ các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Điều này dẫn đến việc tiêu thụ tại cả 3 miền của Hòa Phát đều ghi nhận sự tăng trưởng. Trong đó, mức tăng cao nhất là khu vực phía Nam tăng 47% so với tháng trước.
Thép HRC Hòa Phát trong tháng vừa qua tương đương tháng trước với gần 270.000 tấn. Bán hàng thép cuộn cán nóng tại khu vực phía Bắc đạt kết quả khả quan, cụ thể là tăng 55% so với tháng 10.
Ngoài ra, Hòa Phát còn cung cấp 37.000 tấn tôn mạ và 73.000 tấn ống thép các loại ra thị trường trong và ngoài nước. Các sản phẩm hạ nguồn HRC này đạt mức tăng trưởng lần lượt 44% và 34% so với tháng trước.
Lũy kế 11 tháng, Hòa Phát đã sản xuất hơn 6 triệu tấn thép thô, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt 5,96 triệu tấn, giảm 10%. Trong đó, thép xây dựng, thép chất lượng cao đạt 3,3 triệu tấn, giảm 15% so với 11 tháng 2022. Hoạt động xuất khẩu các loại thép này đóng góp 695.000 tấn, giảm 37%. Phôi thép cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu là 109.000 tấn.
Trong báo cáo triển vọng ngành thép cập nhật ngày 20/11 vừa qua, Chứng khoán MB (MBS) dự báo nguồn cung thép thế giới dự kiến giảm nhẹ 1% trong năm 2024 trong bối cảnh Trung Quốc cắt giảm sản lượng và Thổ Nhĩ Kỳ chưa thể phục hồi. Trong khi đó, nhu cầu thế giới theo dự báo mới nhất của Hiệp hội Thép thế giới (WSA) sẽ tăng 1,9% với động lực chính đến từ nhu cầu xây dựng khu vực EU và Ấn Độ. Điều này dự kiến sẽ tác động tích cực đến giá thép thế giới trong năm 2024.
Trong nước, theo báo cáo của CBRE, nguồn cung căn hộ năm 2024 tại Hà Nội dự kiến tăng hơn 33% so với năm 2023, đạt mức 20.000 căn hộ, còn tại HCM dự kiến tăng 31%, đạt khoảng 12.000 căn. Nguồn cung căn hộ phục hồi sẽ tác động tích cực đến nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng nội địa.
MBS dự phóng lợi nhuận các doanh nghiệp ngành thép năm 2024 sẽ tăng trưởng 40% so với cùng kỳ nhờ doanh thu phục hồi khi sản lượng và giá bán đều tăng; biên lợi nhuận gộp phục hồi lên mức 13% (so với khoảng 8% của năm 2023); chi phí tài chính giảm khoảng 30% trong bối cảnh áp lực tỷ giá và chi phí lãi vay hạ nhiệt.
Với Hòa Phát, MBS dự kiến sản lượng tiêu thụ năm 2023 dự kiến đạt 6,3 triệu tấn, giảm 12% so với năm 2022. Doanh thu đạt 114.928 tỷ đồng, giảm 18% và lợi nhuận ròng 6.337 tỷ đồng, giảm 29%.
Sang năm 2024, công ty chứng khoán kỳ vọng sản lượng tiêu thụ của HPG sẽ tăng 7% so với năm 2023, khi thị trường bất động sản phục hồi kể từ giữa năm 2024. Trong đó, sản lượng xuất khẩu sẽ đạt 2,1 triệu tấn (tăng 5% so với 2023) nhờ nhu cầu thế giới cải thiện. Lợi nhuận sau thuế của HPG trong năm 2024 được dự báo ở mức 10.929 tỷ đồng, tăng 70% so với 2023.