'Săn' mây, 'bắt' bình minh Long Cốc

...Chúng tôi dựng trại tại đồi chè từ chiều hôm trước với mong muốn được chiêm ngưỡng một cách tròn đầy nhất cảnh bình minh thức dậy. Một đêm ngủ lại Long Cốc, sáng sớm, vừa vén chiếc lều bạt lên đã thấy sương vấn vít, ấp ôm núi, sà vào lòng và mây dâng đầy trong mắt.

Đồi chè Long Cốc tại huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, cách Hà Nội khoảng 100km, cách thành phố Việt Trì 70km. Đây được đánh giá là một trong những đồi chè đẹp nhất Việt Nam, có tiềm năng phát triển du lịch, được mệnh danh là “vịnh Hạ Long trên cạn”. Điểm đến lý tưởng của du khách trong những tháng cuối năm.

Long Cốc nhìn từ trên cao.

Bình minh là thời điểm đẹp nhất để bắt được những khoảnh khắc “như thực, như mộng” của đồi chè Long Cốc. Tony Luận, chủ một homestay tại đây- nơi sẵn sàng tiếp đón các đoàn nhiếp ảnh, cung cấp kiến thức cũng như ẩm thực vùng sơn cước này cho rằng, tôi là người may mắn khi: Lần đầu “ăn” ngay! Bởi không phải ai tới đây cũng có duyên “săn” được mây. Luận nói vậy bởi anh cũng là một trong những thanh niên thích “xê dịch” với kinh nghiệm 20 năm mê đắm săn mây Long Cốc.

Hơn 5 giờ sáng, sương lúc này túa ra từ ngóc ngách của những đồi chè. Mỗi đồi chè ở đây rộng khoảng 1ha, cứ san sát như bát úp, nối tiếp nhau đến tận chân trời. Thu vào tầm mắt ở trên đỉnh cao nhất là cả biển mây trắng, nhấp nhô những đảo chè xanh thẫm. Cây chè đã gắn bó với cuộc sống người dân tại Long Cốc bao đời nay, là loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế ổn định. Cũng từ đây, thương hiệu chè Long Cốc theo tiêu chuẩn VietGAP được khẳng định.

Du khách nước ngoài khám phá Long Cốc chụp ảnh cùng người dân bản địa.

Cùng đi với tôi chuyến này có hơn chục tay máy mang theo lỉnh kỉnh đồ nghề từ Hà Nội lên. Có người lần đầu đến Long Cốc, cũng có người từng đến vài lần nhưng chưa “săn” được mây như ý. Anh Luận vừa từ từ rót nước chè vào cốc giữ nhiệt, vừa từ tốn giới thiệu: Nói là “săn mây” cho sang, chứ thực chất đó là sương bao phủ những đồi chè! Khi mặt trời lên, ánh sáng chiếu vào khiến không khí khuếch tán, tạo nên cảnh tượng lung linh, huyền ảo, kích thích sự sáng tạo của các nhiếp ảnh gia. Cũng vì thế, mỗi lần đến đây là mỗi lần trải nghiệm, không lần nào giống lần nào.

Đang trò chuyện thì cậu em đi cùng tôi khẽ reo lên: Kìa! Đến lúc rồi! Tôi ngẩng đầu, nhìn lên, phía xa kia mặt trời từ từ vén mây ló rạng. Tất cả diễn ra chưa đầy hai chục phút, đó là khoảnh khắc đẹp nhất mà các tay máy phải tranh thủ nắm bắt.

Nhiều du khách cắm trại từ ngày hôm trước để đón bình minh trọn vẹn tại “vịnh Hạ Long trên cạn” của Phú Thọ.

Những đồi chè Long Cốc giờ đang là một trong những điểm thu hút du lịch của Phú Thọ, người dân bản địa cũng nhờ thế mà phát triển dịch vụ. Chỉ vài năm trở lại đây, lượng khách đến Long Cốc cũng như các xã vùng đệm và vùng lõi của Vườn Quốc gia Xuân Sơn tăng nhanh, kéo theo các homestay đi kèm dịch vụ ăn, nghỉ phát triển. Du lịch cộng đồng đã làm đổi thay Long Cốc khi người dân bản địa được trực tiếp tham gia tổ chức các hoạt động du lịch, xây dựng hình ảnh văn hóa, qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập.

Khoảnh khắc “bắt” mặt trời giữa biển mây ở Long Cốc.

…Rời Long Cốc, nhìn những vạt chè đọng sương sớm, tôi nhớ đến câu nói “chờ đợi là hạnh phúc”, đúng là muốn “săn” mây, “bắt” bình minh ở Long Cốc càng không thể nóng vội. Bởi, hình ảnh thu được vào trong mắt, sẽ chỉ xứng đáng dành cho những ai biết kiên nhẫn đợi chờ.

Việt Hà

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//phong-su-ghi-chep/san-may-bat-binh-minh-long-coc/190376.htm