Sản phẩm Asanzo 'mất hút' trên kệ cửa hàng điện máy sau nghi án lập lờ hàng Trung Quốc - Việt Nam
Sau 'cú phốt lịch sử' về xuất xứ hàng hóa của Asanzo, các siêu thị điện máy và cửa hàng bán lẻ đã ngưng bán sản phẩm của công ty này. Tất cả còn chờ đợi kết quả điều tra của cơ quan chức năng.
Hàng Asanzo “mất hút”
Khảo sát thị trường Hà Nội cho thấy, ngay sau khi xuất hiện thông tin điện máy Asanzo là hàng Trung Quốc "đội lốt" xuất xứ Việt Nam, dù không có một thông báo chính thức nào đến người tiêu dùng, song siêu thị điện máy Nguyễn Kim đã ngừng bán ra thị trường toàn bộ sản phẩm điện máy từ Asanzo.
Anh Hoành, nhân viên bán hàng tại siêu thị Nguyễn Kim (Hà Đông, Hà Nội) nói: "Hiện tại các sản phẩm của Asanzo đều được chúng tôi đóng thùng, dỡ khỏi kệ hàng, không cho bán ra thị trường để chờ kết luận chính thức từ cơ quan chức năng".
Sau khi từ chối bán tivi thương hiệu Asanzo, nhân viên này giới thiệu khách hàng một sản phẩm cùng mức giá "nhưng là hàng Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam, dùng tốt hơn Asanzo rất nhiều".
Trên trang web của Nguyễn Kim cũng không hiển thị kết quả tìm kiếm từ khóa "Asanzo".
Tương tự, các website tại hệ thống điện máy Chợ Lớn, Adayroi các sản phẩm của Asanzo cũng không được bày bán.
Trong khi đó, khảo sát tại hệ thống siêu thị Điện Máy Xanh, cửa hàng này vẫn bày bán bình thường. Một nhân viên ở đây nói với VnEconomy: "Chúng tôi không ngừng bán sản phẩm Asanzo khi có thông tin chính thức từ cơ quan quản lý cũng như nhà cung cấp".
Tuy nhiên, nhân viên này cũng cho biết, toàn bộ tivi nhãn hiệu Asanzo là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Mặc dù vậy, trên website của Điện Máy Xanh, toàn bộ sản phẩm thương hiệu Asanzo đã được rút xuống.
Còn tại một số hệ thống cửa hàng điện máy ở Hà Nội như Media Mart, Pico, một số nhân viên thông tin từ trước tới giờ không nhập hàng của Asanzo bán. Thậm chí, chưa từng nghe tên nhãn hiệu Asanzo.
Trên thị trường, tại các cửa hàng bán đồ điện tử, gia dụng nhỏ lẻ, nhiều chủ cửa hàng cho biết, khách hàng tìm kiếm sản phẩm Asanzo vắng hẳn so với trước đó ngay sau khi báo chí đồng loạt đưa tin về lùm xùm của công ty này.
Anh Quỳnh, chủ cửa hàng điện tử trên phố Bà Triệu thông tin với VnEconomy: "Asanzo là hàng thuộc phân khúc rẻ, bình dân được nhiều người tìm mua. Cửa hàng chúng tôi có bán ấm siêu tốc, bếp điện từ Asanzo nhưng khoảng 3 ngày trở lại đây, khi giới thiệu sản phẩm Asanzo khách hàng từ chối mua".
Trong khi đó, tại thị trường TP.HCM, nhân viên của hệ thống điện máy Chợ Lớn cho biết quyết định ngưng bán được công ty đưa ra từ 16h ngày 21/6.
Trong khi đó, nhân viên bán hàng của siêu thị điện máy Nguyễn Kim tại quận Tân Bình cũng cho hay tất cả sản phẩm của hãng Asanzo đều bị "đóng" lại, "không cho trưng bày nữa", "không cho bán ra thị trường".
Ông Trần Nguyễn Tuấn Anh - giám đốc kinh doanh mua vào hệ thống điện máy Thiên Hòa - cho biết sau khi có thông tin về việc Asanzo trên báo Tuổi Trẻ, đơn vị đã ngưng kinh doanh tivi thương hiệu Asanzo trên toàn hệ thống và yêu cầu nhà cung cấp này có giải đáp rõ ràng về nguốc gốc sản phẩm theo đúng quy định pháp luật.
Tương tự, ông Đặng Thanh Phong, Giám đốc truyền thông Điện Máy Xanh, cho biết đã làm việc với nhà cung cấp này để yêu cầu cung cấp tài liệu và giải thích về thông tin trên báo chí.
Đơn vị cam kết làm sáng tỏ và đảm bảo quyền lợi chính đáng cho khách hàng mua sản phẩm Asanzo.
"Trường hợp phát hiện Asanzo gian dối xuất xứ, chúng tôi sẽ không kinh doanh mặt hàng thương hiệu này", ông Phong khẳng định.
Asanzo cố tình khai báo sai về xuất xứ
Trước đó, như báo chí điều tra đưa tin, các sản phẩm điện máy của Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo (địa chỉ quận Bình Tân, TP.HCM) được chứng nhận "Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn", công nghệ Nhật Bản nhưng thực chất là hàng Trung Quốc "đội lốt" xuất xứ Việt Nam.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, bên cạnh thông tin điều tra của báo chí, Hội có cơ sở đối chiếu khác là hồ sơ doanh nghiệp do Asanzo nộp thể hiện sự cố tình khai báo sai về xuất xứ hàng của Asanzo.
"Điều này là vi phạm điều lệ sử dụng danh hiệu mà doanh nghiệp đã cam kết khi nhận. Từ đó, Hội tước quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Hàng Việt Nam chất lượng cao" để chấm dứt tình trạng gian lận và vi phạm điều lệ sử dụng", bà Vũ Kim Hạnh khẳng định.