Sản phẩm chế biến sâu là 'vũ khí' cho doanh nghiệp Việt mở rộng thị trường Nhật
Nông sản Việt đang ngày càng được ưa chuộng tại Nhật Bản với dư địa thị trường rộng mở. Tuy nhiên, ông Tạ Đức Minh, tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật, khuyến nghị các doanh nghiệp cần đẩy mạnh chế biến sâu để bắt kịp xu hướng tiêu dùng của người Nhật.
Trong bối cảnh xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới bị ảnh hưởng chung, thị trường Nhật Bản vẫn đang là điểm sáng khi duy trì được mức tăng trưởng đáng khích lệ. Năm 2021, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt 42,7 tỷ USD, tăng 7,8% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 20,1 tỷ USD, tăng 4,4%; nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản đạt 22,6 tỷ USD, tăng 11,3%.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản năm 2021 đạt 1,8 tỷ USD, giảm nhẹ ở mức 0,5% so với năm 2020. Mặc dù mặt hàng chủ lực trong nhóm hàng này là hàng thủy sản có mức giảm 7,4%, các mặt hàng còn lại ghi nhận mức tăng trưởng rất tốt, như cà phê tăng 25,5%, hàng rau quả tăng 20%, hạt điều tăng 39%, hạt tiêu tăng 56%...
Một số mặt hàng trái cây Việt Nam cũng chiếm thị phần lớn và ngày càng phổ biến trên thị trường, như thanh long, xoài, dừa, vải...
Nhằm cung cấp những thông tin cụ thể về đặc điểm và nhu cầu của thị trường Nhật Bản đến các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản đã có những chia sẻ với Tạp chí MEKONG ASEAN.
Từ thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, nhu cầu hàng hóa Việt ở Nhật Bản tăng cao. Do 2 năm dịch bệnh người Việt Nam không thể về nước nên nhu cầu của cộng đồng cũng tăng cao về các sản phẩm mang hương vị quê hương. Hiện cộng đồng người Việt ở Nhật Bản ngày càng phát triển với nửa triệu người, đứng thứ hai về số lượng người nước ngoài sinh sống ở Nhật Bản.
Ngoài ra, cộng đồng người nước ngoài gốc châu Á tại thị trường này cũng khá đông lên tới gần 10 triệu người gồm người gốc Hoa, Maylaysia, Indonesia và Hàn Quốc… cũng đang tạo ra cơ hội thị trường rộng mở cho sản phẩm nông sản Việt.
Các sản phẩm đồ khô chiếm ưu thế hơn cả, bởi thời gian bảo quản tương đối dài. Trước đây nếu sản phẩm Việt Nam tại Nhật chỉ có phở khô, bún khô thì hiện nay có thêm nhiều mặt hàng phong phú như bánh đa nem, các loại bún nấu ăn liền như bún bò Huế, bún Nam Bộ…
Đi kèm với các sản phẩm này, các loại gia vị cũng trở nên dồi dào như nước mắm, dấm, mẻ, hạt tiêu. Riêng sản phẩm nước mắm trước đây chỉ có 1 - 2 loại nhưng hiện nay đã phát triển lên hàng chục thương hiệu khác nhau.
Những sản phẩm nổi bật của Việt Nam được ưa chuộng tại Nhật Bản có thể kể đến thanh long ruột đỏ, ruột trắng, xoài, chuối, dừa, sầu riêng… Thời gian gần đây, các công ty Nhật Bản cũng nhập khẩu nhiều hơn các loại nông sản của Việt Nam theo đường chính ngạch, bán tại các hệ thống siêu thị khắp các vùng miền của nước này. Có thể nói siêu thị Việt Nam có sản phẩm gì thì siêu thị Nhật Bản có sản phẩm đó.
Vải thiều là một trong những sản phẩm được nhập khẩu với số lượng lớn trong năm 2021. Thanh long cũng chiếm hơn 80% thị phần nhập khẩu vào Nhật Bản. Xoài Cát Chu Việt Nam chiếm ưu thế hơn xoài Thái Lan và được đánh giá ngọt và vỏ mỏng. Chuối Việt Nam cũng được đánh giá là có hàm lượng dinh dưỡng và mùi vị hấp dẫn. Tuy loại nông sản này chưa được nhập khẩu nhiều vào Nhật Bản nhưng dự kiến thời gian tới sẽ tăng lên.
Tuy các loại nông sản có thế mạnh của Việt Nam như thanh long, xoài, dừa, vải… là lợi thế xuất khẩu, nhưng đây lại là những sản phẩm chỉ có theo mùa. Do đó các doanh nghiệp cần chú trọng chế biến sâu.
Ví dụ từ quả vải có thể chế biến ra nước vải hay vải đông lạnh… sẽ tạo nguồn cung dồi dào, chất lượng, hình thức tiêu thụ đa dạng, bắt mắt hơn. Nhiều công ty Nhật sang Việt Nam tổ chức các cuộc thi nông sản và chọn ra các loại sản phẩm đạt chất lượng để nhập khẩu, đây cũng là cơ hội rộng mở cho các doanh nghiệp Việt.
Những sản phẩm thô, nguyên liệu thường được ít sử dụng ở Nhật mà thay vào đó là nhu cầu sử dụng nhiều các sản phẩm đã qua chế biến, người tiêu dùng chỉ cần cho vào nấu là có thể ăn liền. Các sản phẩm chế biến hiện nay được sử dụng nhiều ở Nhật là các loại hàu, ngao đã được sơ chế sẵn, hay bún chả có kèm nước chấm pha sẵn được để trong túi giấy bạc đảm bảo đúng hương vị của Việt Nam, vẫn đảm bảo tiện lợi.
Gần đây cà phê Việt Nam cũng đang mặt hàng tiềm năng tiếp cận thị trường khó tính này với mức độ tăng trưởng đạt hơn 25% sản lượng tiêu thụ. Nguyên nhân phần nhiều cũng đến từ ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, người Nhật mua các loại cà phê pha sẵn về nhà nhiều hơn thay vì ra các cửa hàng như trước.
Trong đó, các loại cà phê rang pha sẵn của Việt Nam đa dạng về mẫu mã, chất lượng được ưa chuộng, phía Thương vụ cũng rất quan tâm kết nối và thời gian tới dự báo ca cao chế biến sẵn cũng sẽ là mặt hàng có tiềm năng.
Các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý một số đặc điểm đặc thù của thị trường để việc xuất khẩu, bán hàng có hiệu quả và mang tính bền vững. Cần tận dụng hiệu quả các ưu đãi về thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do (VJEPA, AJCEP, CPTPP, RCEP...).
Ngoài ra, các sản phẩm Việt Nam cũng cần lưu ý có bao bì bắt mắt tương đối đẹp đúng thị hiếu người Nhật, có ghi đầy đủ thành phần, quy trình chế biến, thông tin đầy đủ và ghi bằng tiếng Nhật. Điều này sẽ khiến giá trị sản phẩm được nâng lên.
Ngoài thị hiếu tiêu dùng, nhãn mác, bao bì thì người Nhật rất chú trọng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Có những chất phụ gia ở Việt Nam được công nhận nhưng ở Nhật thì lại không. Do đó, các doanh nghiệp khi xuất khẩu sản phẩm sang thị trường này cần chú trọng cải tiến sản phẩm để phù hợp tiêu chuẩn Nhật Bản.
Thời gian gần đây do chiến tranh thương mại của một số nước dẫn đến tăng cước vận chuyển hàng hóa cùng với căng thẳng Nga - Ukaraine khiến giá thành nhập khẩu nguyên liệu đầu vào tăng, dẫn đến tăng giá thành sản phẩm xuất khẩu sang Nhật.
Trong khi đó, Nhật Bản là một nước lạm phát rất thấp, chỉ cần lạm phát ở mức 2% đã ảnh hưởng lớn đến mức độ tiêu dùng của người dân. Tính chất hàng hóa của Nhật Bản thường không có sự biến động mạnh, do đó, nông sản Việt khi thâm nhập thị trường này cần ổn định giá cả để đảm bảo thói quen tiêu dùng của người Nhật.
Có một may mắn trùng thời điểm này là Nhật Bản đã có thông tin bắt đầu từ 1/4, nhiều sản phẩm nội địa Nhật cũng sẽ tăng giá nên nên người tiêu dùng Nhật cũng đã chuẩn bị tâm lý phần nào.
Về kế hoạch xúc tiến thương mại trong năm 2022, để kết nối các nhà nhập khẩu và các mua hàng, từ ngày 8/3 – 11/3, Thương vụ đã tổ chức triển lãm Food EX Japan 2022, qua đó giới thiệu các sản phẩm Việt Nam đã, đang nhập khẩu và những sản phẩm mới từ các doanh nghiệp gửi tới Thương vụ.
Ngoài ra, Thương vụ cũng có nhiều kế hoạch phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại, Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) tổ chức những chuyên đề, hội thảo online kết nối xuất khẩu.
Dự kiến Thương vụ sẽ tổ chức một loạt chuyên đề vào tháng 6/2022 thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm, tiêu dùng. Ngoài ra, có những buổi tư vấn cho các doanh nghiệp đang triển khai kế hoạch xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Nhật cũng sẽ được Thương vụ hướng dẫn triển khai.
Thương vụ đang phối hợp với các trang thương mại điện tử để hỗ trợ các doanh nghiệp đưa sản phẩm lên các trang bán hàng trực tuyến, đây sẽ là hướng đi cần thiết trong thời kỳ thích ứng dịch bệnh. Sẽ có những tuần hàng sản phẩm Việt và các gian hàng online trên các trang thương mại điện tử, giúp tạo ra nhiều kênh bán hàng Việt vào thị trường Nhật Bản.
Bên cạnh đó, Thương vụ cũng phối hợp chặt chẽ với hệ thống siêu thị Aoen để đưa các sản phẩm Việt Nam đạt tiêu chuẩn lên kệ.
Trong năm 2022, Thương vụ cũng sẽ thúc đẩy đưa thêm quả nhãn tươi sang Nhật trong kế hoạch thúc đẩy xuất khẩu đặc sản 2 nước.