Sản phẩm công nghiệp và thách thức cạnh tranh
Những năm gần đây, công nghiệp là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh Thái Nguyên, có đóng góp lớn nhất cho ngân sách Nhà nước, trở thành ngành xuất khẩu chủ đạo với tốc độ tăng trưởng ở mức cao.
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có khoảng 8.000 công ty sản xuất, trong đó có hơn 60% hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp. Đây chính là tiền đề quan trọng để ngành Công nghiệp của tỉnh có sự tăng trường tốt.
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG: Tiếp nối thành công của Nghị quyết về chuyển đổi số, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn tỉnh tiếp tục có nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp. Như vậy, chúng ta mới có các sản phẩm công nghiệp chủ lực đi “thi đấu” trong và ngoài nước...
Đặc biệt, từ năm 2013, sau khi Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) chọn Khu công nghiệp Yên Bình (TP. Phổ Yên) để xây dựng Tổ hợp công nghệ cao, sản xuất thiết bị di động lớn hàng đầu thế giới, Thái Nguyên đã có bước phát triển vượt bậc. Riêng ngành Công nghiệp có tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất đạt trên 15%/năm.
Ông Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Từ năm 2014 trở lại đây, giá trị sản xuất công nghiệp của Thái Nguyên có bước đột phá, chủ yếu do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mang lại. Các doanh nghiệp này chiếm khoảng 92% tổng giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm. Đối với công nghiệp địa phương, tăng trưởng hằng năm đạt trên 15%...
Nhờ thế mạnh sản xuất công nghiệp và xuất khẩu liên tục được phát huy, Thái Nguyên luôn đứng trong top đầu cả nước về 2 chỉ số quan trọng này. Năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 932 nghìn tỷ đồng (tăng 10,8% so với năm 2021); giá trị xuất khẩu đạt trên 32 tỷ USD, tăng 10,4% so với năm trước.
Khu vực công nghiệp tiếp tục đóng vai trò “đầu tầu” kéo tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Ông Nguyễn Minh Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên: Chúng tôi mong muốn Nhà nước tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp địa phương, tham gia vào chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu...
Công nghiệp là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, có đóng góp lớn nhất cho ngân sách Nhà nước và là ngành xuất khẩu chủ đạo với tốc độ tăng trưởng ở mức cao. Tuy nhiên, công nghiệp Thái Nguyên đang phát triển mất cân đối, do phụ thuộc vào các sản phẩm của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Còn sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh vẫn chưa tạo được sức cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp chưa tự chủ được nguyên liệu, phụ liệu nhập khẩu; 80% số doanh nghiệp địa phương có quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên tiềm lực tài chính, năng lực quản trị và nguồn nhân lực còn thiếu và yếu...
Đặc biệt là khả năng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu của các sản phẩm công nghiệp còn rất hạn chế, chủ yếu tham gia vào khâu gia công, lắp ráp.
Đơn cử như may mặc, Thái Nguyên hiện có hàng chục công ty may xuất khẩu, nhưng chủ yếu sản xuất theo phương thức may gia công. Còn các sản phẩm công nghiệp truyền thống như: luyện kim, khai thác và chế biến khoáng sản, xi măng... của tỉnh được đánh giá đã phát triển tới "ngưỡng" và khó có thể tăng trưởng lớn trong những giai đoạn tiếp theo, khó chiếm lĩnh trên thị trường do chất lượng sản phẩm và giá thành cao...
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quyết định số 222/QĐ-TTg về quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quyết định nêu rõ, mục tiêu của quy hoạch là phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa Thái Nguyên phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; xây dựng tỉnh bình yên, hạnh phúc, sung túc, thân thiện, trở thành một trong những địa phương phát triển ở miền Bắc.
Ông Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công Thương: Trước mắt, các doanh nghiệp cần phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm, tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng hợp tác, tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh...
Đến năm 2025, Thái Nguyên sẽ trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội. Đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu là một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; trung tâm giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe; trung tâm du lịch; trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ; xây dựng Thái Nguyên trở thành một cực tăng trưởng hạt nhân quan trọng đối với phát triển kinh tế của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội.
Để cụ thể hóa mục tiêu đó, theo đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên: Trong phát triển công nghiệp đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên tập trung phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Trong đó, tập trung phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, có khả năng tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu và một số chuyên ngành có giá trị gia tăng lớn mà tỉnh có lợi thế, như: Công nghệ thông tin, điện tử và vi mạch bán dẫn; vật liệu mới; chế biến gắn với vùng nguyên liệu tập trung và xây dựng nông thôn mới...
Tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt khoảng 1.211.000 tỷ đồng, tăng bình quân từ 9%/năm trở lên. Dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư cho phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn đạt khoảng 150.000 tỷ đồng...