Sản phẩm làng nghề cần nắm bắt xu hướng tiêu dùng thế giới
Festival Bảo tồn và phát triển Làng nghề Việt Nam 2023 với quy mô quốc tế sắp được tổ chức kỳ vọng giúp các nghệ nhân, làng nghề Việt Nam không chỉ giỏi nghề mà còn nắm bắt được xu hướng tiêu dùng trong nước và thế giới.
Hiện, cả nước có hơn 5.000 làng nghề và làng có nghề đang hoạt động, trong đó số làng nghề truyền thống được công nhận theo tiêu chí làng nghề hiện nay của Chính phủ là 2.008, thu hút khoảng 1,58 triệu lao động với thu nhập bình quân khoảng 5 – 6 triệu đồng/người/tháng.
Có nhiều làng nghề đã tồn tại từ 500 - 1.000 năm, trở thành những làng nghề tiêu biểu, được cả nước và thế giới biết đến, như lụa Vạn Phúc, tranh Đông Hồ, gốm sứ Bát Tràng…
Năm 2023, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức Festival Bảo tồn và phát triển Làng nghề Việt Nam 2023 với quy mô quốc tế. Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo tồn, giữ gìn, tái hiện và phát huy bản sắc các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, hình thành các nét văn hóa đương đại của làng nghề Việt Nam, trong đó lấy các làng nghề của thành phố Hà Nội làm trung tâm để lan tỏa sang các địa phương khác.
Thông qua đó tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức sản xuất kinh doanh sản phẩm làng nghề; tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi, người lao động trong các làng nghề; quảng bá, giới thiệu các làng nghề, phố nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội và cả nước; qua đó từng bước thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển du lịch trong các làng nghề.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), nhìn nhận sản phẩm làng nghề vẫn chủ yếu mang văn hóa truyền thống, chưa phù hợp xu hướng tiêu dùng. Vì vậy, ban tổ chức sẽ mời các tổ chức quốc tế tham gia để chia sẻ kinh nghiệm về xu hướng thị trường cho các nghệ nhân, làng nghề. Thực tế, qua các cuộc thi, chúng ta cũng thấy sản phẩm làng nghề mang tính truyền thống quá nhiều, đơn cử như đi dự thi kiểu gì cũng có sản phẩm tượng gỗ 3 ông tam đa là Phúc Lộc Thọ.
"Mỗi gia đình chỉ mua một lần, chứ không thể mua tượng trang trí khắp nhà, trong khi thế giới - người ta đã sản xuất các sản phẩm làng nghề sinh hoạt hàng ngày, trang trí và làm quà tặng. Vì vậy, thông qua các hoạt động của Festival, chúng tôi mong muốn các nghệ nhân Việt Nam không chỉ giỏi tay nghề mà sẽ có thêm nhiều ý tưởng, sáng tạo ra sản phẩm tiếp cận tốt thị trường và xu hướng tiêu dùng thế giới", ông Tiến chia sẻ.
Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT), sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam vẫn mang tính đại trà, giờ cần nâng tầm chất lượng thiết kế, trong đó có sự đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.
Các làng nghề cần quan tâm tới định hướng vùng nguyên liệu bền vững. Đồng thời, tìm kiếm thêm cơ hội, đẩy mạnh xuất khẩu. "Hiện, thiết kế đổi mới sáng tạo với sản phẩm thủ công đang gặp nhiều vấn đề, nếu không thay đổi thì khó khăn cho xuất khẩu, cứ làm đại trà thì giá trị chưa cao. Do vậy, sản phẩm cần thiết kế phù hợp với xu thế tiêu dùng từng nước, từng thị trường tạo ra sản phẩm giá trị hơn", ông Hòa nhấn mạnh.
Được biết, khác với các năm trước, Festival năm nay sẽ diễn ra với nhiều hoạt động nổi bật và ý nghĩa như: Lễ vinh danh các nghệ nhân, thợ giỏi; Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ; biểu diễn Chương trình nghệ thuật văn hóa truyền thống; Hội thảo quốc tế “Bảo tồn và phát triển làng nghề”.
Đặc biệt, hàng loạt hoạt động hưởng ứng Festival do UBND thành phố Hà Nội chủ trì thực hiện như: Lễ rước Tổ nghề và tuần văn hóa du lịch – thương mại làng nghề Vạn Phúc năm 2023 với chủ đề “Vạn Phúc - Sắc màu Hội nhập”; Tuần lễ giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh Nam Bộ; Lễ hội mùa thu Hà Nội; Hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2023 và tổ chức các hoạt động thăm quan, trải nghiệm tại các làng nghề ở Hà Nội: Bát Tràng, Vạn Phúc…
Sau thời gian dài phối hợp triển khai tổ chức của nhiều đơn vị, Festival Bảo tồn và phát triển Làng nghề Việt Nam 2023 với sự kiện chính sẽ diễn ra từ ngày 9 - 12/11/2023 tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội.