'Sản phẩm' lớn từ một đợt 'dồn sức' giải phóng mặt bằng Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - vũng Tàu

Đến thời điểm này, công tác giải phóng mặt bằng Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua thành phố Biên Hòa đã cơ bản hoàn thành. Đây thực sự là 'sản phẩm' lớn đạt được khi cả hệ thống chính trị địa phương vào cuộc một cách quyết liệt trong thời gian rất ngắn.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Biên Hòa Hồ Văn Nam thường xuyên trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo đôn đốc công tác giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Ảnh: Khắc Thiết

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Biên Hòa Hồ Văn Nam thường xuyên trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo đôn đốc công tác giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Ảnh: Khắc Thiết

* Hơn 2 năm ì ạch về giải phóng mặt bằng

Được khởi công vào giữa tháng 6-2023, Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài gần 54km với tổng mức đầu tư gần 17 ngàn tỷ đồng. Thế nhưng sau gần 2 năm, dự án này đã không thể triển khai được như kế hoạch do vướng mắc về giải phóng mặt bằng, nhất là đoạn qua thành phố Biên Hòa tỉnh Đồng Nai với chiều dài hơn 6,2km.

Để thực hiện dự án qua địa bàn thành phố Biên Hòa, nhà nước phải giải tỏa thu hồi 1.126 thửa đất của 1.514 hộ dân và tổ chức với tổng diện tích cần thu hồi là 59,5 hécta. Khó khăn bắt nguồn từ việc trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng, các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai và thành phố Biên Hòa phát hiện hơn 1 ngàn trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp đoạn qua 2 phường Phước Tân và Tam Phước thuộc thành phố Biên Hòa, trong đó nhiều nhất là tại phường Phước Tân với hơn gần 800 trường hợp.

Sau gần 2 năm thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đến giữa tháng 2-2025, diện tích giải phóng mặt bằng đã đạt 70% nhưng chủ yếu là diện tích đất công, đất sông suối, giao thông và đất của một số doanh nghiệp với diện tích lớn. Đáng nói số diện tích còn lại chỉ còn 30% nhưng số hộ chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng là 1.161 hộ chiếm trên 76% tổng số hộ cần thu hồi đất.

Đây đa số là các hộ dân mua đất bằng giấy tay và xây nhà ở trên đất nông nghiệp (hay còn gọi là tạo tài sản trên đất người khác). Điều này dẫn đến một thực trạng rất khó khăn trong việc quy chủ cũng như thực hiện các bước hỗ trợ đền bù khi nhà nước thu hồi đất. Bởi thực tế rất nhiều chủ đất sau khi “phân lô” bán nền thì đã không còn ở trên mảnh đất đứng tên thậm chí không còn cư ngụ tại tỉnh Đồng Nai.

Mặt bằng Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua thành phố Biên Hòa đã cơ bản thông tuyến vào đầu tháng 4-2025. Ảnh: Khắc Thiết

Mặt bằng Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua thành phố Biên Hòa đã cơ bản thông tuyến vào đầu tháng 4-2025. Ảnh: Khắc Thiết

Bên cạnh đó, theo đánh giá của lãnh đạo UBND tỉnh, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh là đơn vị chịu trách nhiệm chính về công tác giải phóng mặt bằng đối với dự án này đoạn qua thành phố Biên Hòa, đặc biệt về công tác chuyên môn trong nhiệm vụ thực hiện các thủ tục hỗ trợ bồi thường khi nhà nước thu hồi đất. Tuy nhiên, nhìn chung lãnh đạo, cán bộ đơn vị lại thiếu kinh nghiệm và chưa thực sự quyết liệt trong quá trình thực hiện.

Trước tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo các địa phương, trong đó có tỉnh Đồng Nai và thành phố Biên Hòa tập trung công tác giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu nhưng ít nhất 3 lần tỉnh Đồng Nai đã “lỡ hẹn” so với kế hoạch cam kết bàn giao mặt bằng dự án này

Theo thống kê của địa phương chỉ còn khoảng gần 40 công trình chưa tháo dỡ di dời và sẽ được Ban cưỡng chế và chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm để hoàn thành bàn giao mặt bằng 100% để thực hiện Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu trước ngày 15-4.

* “Sản phẩm” từ một đợt vận động chưa có tiền lệ

Ngày 12-2, Bí thư Tỉnh ủy Vũ Hồng Văn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Biên Hòa về các công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố Biên Hòa. Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu thành phố Biên Hòa phải tập trung hoàn thành bàn giao mặt bằng thực hiện Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu trong tháng 3-2025.

Với trách nhiệm của địa phương trong việc phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh trong công tác giải phóng mặt bằng, Ban Thường vụ Thành ủy Biên Hòa, đứng đầu là Bí thư Thành ủy Hồ Văn Nam đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị từ thành phố đến 2 địa phương có cao tốc đi qua tập trung “dồn sức” chưa có tiền lệ tại các dự án trọng điểm ở tỉnh Đồng Nai những năm qua.

Theo đó Ban Thường vụ Thành ủy Biên Hòa đã ban hành quyết định thành lập 6 đoàn công tác do mỗi Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy làm Trưởng đoàn trực tiếp xuống từng hộ dân để tuyên truyền vận động người dân bàn giao mặt bằng thực hiện dự án trọng điểm quốc gia bắt đầu từ ngày 17-2.

Với quyết tâm “đi từng ngõ gõ từng nhà” gặp trực tiếp các hộ dân để tuyên truyền về chủ trương của Đảng và Nhà nước khi thu hồi đất thực hiện dự án trọng điểm quốc gia vì lợi ích chung của đất nước cũng như của địa phương. Đồng thời giải thích về các quy định trong thực hiện bồi thường hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất, qua đó vận động người dân bàn giao mặt bằng.

Đoàn công tác của Ban Thường vụ Thành ủy với sự tham gia của Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Nguyễn Phong An và Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Thanh lắng nghe trao đổi từ người dân trong quá trình tuyên truyền, vận động. Ảnh: Khắc Thiết

Đoàn công tác của Ban Thường vụ Thành ủy với sự tham gia của Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Nguyễn Phong An và Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Thanh lắng nghe trao đổi từ người dân trong quá trình tuyên truyền, vận động. Ảnh: Khắc Thiết

Kết quả là đến ngày 31-3, các đoàn công tác của thành phố phối hợp với Ban vận động 2 phường Phước Tân và Tam Phước đã tuyên truyền vận động được hơn 880 hộ dân đồng thuận bàn giao mặt bằng và đến ngày 4-4 đã có 1.036 hộ dân đồng thuận bàn giao mặt bằng, nâng tổng số hộ bàn giao mặt bằng lên 1.386 hộ đạt tỷ lệ gần 94% diện tích thu hồi.

Trong đó phường Tam Phước hoàn thành bàn giao mặt bằng 100% từ ngày 26-3 với 364/364 hộ mà không phải cưỡng chế trường hợp nào. Hiện chỉ còn 128 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng, trong đó 45 hộ dân thuộc diện cấp đất tái định cư đang tìm kiếm thuê trọ để về nơi ở tạm trong thời gian chờ hoàn tất các thủ tục cấp đất tái định cư. Số còn lại dù chưa ký cam kết bàn giao mặt bằng nhưng đa số các hộ dân cũng đã di dời tài sản, tháo dỡ công trình đến nơi ở mới.

Bí thư Thành ủy Biên Hòa Hồ Văn Nam cho biết, khi cả hệ thống chính trị thành phố vào cuộc một cách quyết liệt và xuống thực tế với từng hộ dân mới thực sự thấu hiểu tại sao người dân chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng 2 năm qua. Trong đó nguyên nhân chính là giá đền bù đất nông nghiệp người dân nhận được là thấp trong khi không đủ điều kiện cấp đất tái định cư nên khó khăn trong quá trình mua đất xây cất nhà nơi ở.

Tuy nhiên khi các đoàn vận động tuyên truyền tới từng hộ dân giải thích rõ ràng các quy định không thể làm khác nên nhiều hộ dân đã chấp nhận thiệt thòi và bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án trọng điểm quốc gia vì lợi ích chung.

“Để tuyên truyền vận động hơn được 1 ngàn hộ dân đồng thuận bàn giao mặt bằng trong hơn 1 tháng rưỡi là điều không hề dễ dàng, vượt cả sự mong đợi của lãnh đạo thành phố khi bắt đầu đợt tuyên truyền vận động. Bởi số hộ dân vận động bàn giao mặt bằng đạt được lần này nhiều gấp gần 3 lần số hộ dân và tổ chức đồng thuận bàn giao mặt bằng trong hơn 2 năm qua trong công tác giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu qua bàn thành phố Biên Hòa” - Bí thư Thành ủy Biên Hòa Hồ Văn Nam nhấn mạnh.

Khắc Thiết

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202504/san-pham-lon-tu-mot-dot-don-suc-giai-phong-mat-bangdu-an-duong-cao-toc-bien-hoa-vung-tau-0712e27/