'Sản phẩm nghiên cứu khoa học của học sinh có thể sơ sài nhưng trung thực'
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, cho biết: Tôi tin rằng học sinh (HS) TP trung thực và chúng ta nghiên cứu thực. Mặc dù những sản phẩm có thể còn sơ sài, có thể là những ý tưởng ban đầu nhưng nó là đáng quý, là sức lao động của thầy và trò các trường trên địa bàn TP
Ngày 4-2, tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Sở GD-ĐT TP HCM đã tổ chức vòng chung kết cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh trung học cấp thành phố năm học 2022-2023.
Theo Sở GD-ĐT TP, đến ngày 28-1-2023, Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được 1226 dự án từ 131 đơn vị, trong đó có 82 trường có cấp THPT, 49 trường THCS và 02 Trung tâm GDTX (năm học 2021 - 2022 có 887 dự án), với 999 dự án tập thể và 227 dự án cá nhân.
Ban giám khảo vòng sơ khảo cuộc thi KHKT đã chọn ra các dự án đạt giải và 52 dự án tham dự vòng chung khảo cấp thành phố. Sau đó, các giám khảo chấm điểm độc lập để chọn ra 4 dự án để tham dự Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2022 - 2023.
Theo Ban tổ chức, cuộc thi năm nay cũng có những điểm mới trong công tác tổ chức như, sử dụng phần mềm "chống đạo văn"; chú ý các thể hiện, các chỉ báo: sự phù hợp giữa kiến thức, trình độ học sinh với nội dung, phương pháp thực hiện; sự phù hợp, khoa học giữa các yếu tố thời gian, cơ sở vật chất, phương tiện nghiên cứu; cách thức thể hiện việc nghiên cứu; so sánh đối chiếu dự án dự thi với các nghiên cứu trước đó và giữa các dự án cùng đề tài; sự đảm bảo của ban giám hiệu nhà trường về dự án dự thi của học sinh; xác minh tính trung thực qua việc trao đổi trực tiếp với giáo viê hướng dẫn và học sinh.
Ở vòng chung khảo cấp thành phố, nội dung phỏng vấn của ban giám khảo với học sinh được chú trọng. Các câu hỏi của ban giám khảo sẽ giúp học sinh thể hiện được rõ nét năng lực của bản thân. Cuộc thi năm nay được các đơn vị đầu tư về chất lượng, quy trình nghiên cứu của học sinh ngày một chuẩn hóa nên chất lượng các dự án ngày một được nâng cao. Học sinh biết vận dụng kiến thức các môn học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn. Từ đó sáng tạo các sản phẩm hữu ích cho cuộc sống. Điều đáng ghi nhận ở các dự án nghiên cứu là đa số đều xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn.
Các dự án không chỉ gắn với lĩnh vực khoa học tự nhiên, ứng dụng công nghệ mới mà còn thể hiện tính nhân văn cao khi hướng tới các sản phẩm chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật; các dự án tìm hiểu và giải quyết các vấn đề xã hội gần gũi lứa tuổi, gắn với thực tế tại TP HCM, như: Định kiến giới trong lựa chọn nghề nghiệp của học sinh THPT TP HCM, thiết bị tích hợp trí tuệ nhân tạo hỗ trợ giao tiếp hai chiều cho người điếc câm...
Theo Ông Nguyễn Văn Hiếu, tham gia cuộc thi, các em bước đầu làm quen với việc nghiên cứu khoa học, biết vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các tình huống thực tiễn cuộc sống. Cuộc thi cũng giúp cho các em có cơ hội gắn kết với các môi trường xã hội, là cơ hội để các em có những sản phẩm sáng tạo giúp ích xã hội. "Chúng tôi ấn tượng với các dự án không chỉ gắn với lĩnh vực khoa học tự nhiên, ứng dụng công nghệ mới mà còn thể hiện tính nhân văn cao khi hướng tới các sản phẩm chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật; các dự án tìm hiểu và giải quyết các vấn đề xã hội gần gũi lứa tuổi, gắn với thực tế tại TP HCM"- ông Hiếu nói.
Người đứng đầu ngành GD-ĐT TP cũng chia sẻ, gần đây, một số ý kiến trong dư luận cho rằng sân chơi này vượt quá tầm của học sinh phổ thông. Phía sau những sản phẩm nghiên cứu khoa học của các em học sinh có bóng dáng của người lớn, có sự nghiên cứu thay của thầy cô và các em chỉ là người học thuộc để trình diễn lại. "Tôi tin rằng học sinh TP trung thực và chúng ta nghiên cứu thực. Mặc dù những sản phẩm có thể còn sơ sài, có thể là những ý tưởng ban đầu nhưng nó là đáng quý, là sức lao động của thầy và trò các trường trên địa bàn TP"- ông Hiếu cho biết