Sản phẩm OCOP - đừng là chiếc áo may vội

'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm. Sau gần 5 năm triển khai, đến nay, cả nước đã có hơn 8.600 sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, thay vì tiến về phía trước, một số sản phẩm OCOP đang có sự giật lùi, chương trình cũng bộc lộ rõ những hạn chế.

Minh chứng là từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 3-4 sao bị thu hồi. Nhiều nhất là tỉnh Đồng Tháp với 25 sản phẩm bị thu hồi; Cà Mau 9 sản phẩm; Lào Cai 7 sản phẩm; Sơn La 6 sản phẩm... Nguyên nhân thu hồi là vì không thực hiện đúng quy trình sản xuất đã công bố, sản phẩm không bảo đảm các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; chưa xây dựng và áp dụng quy trình sản xuất cho vùng nguyên liệu; không sản xuất theo đúng chất lượng, mẫu mã đã được chứng nhận OCOP; không có quy trình sản xuất; cơ sở đã ngừng hoạt động hoặc sản xuất không thường xuyên...

 Ninh Bình xây dựng các sản phẩm OCOP đậm bản sắc văn hóa. Ảnh: TTXVN

Ninh Bình xây dựng các sản phẩm OCOP đậm bản sắc văn hóa. Ảnh: TTXVN

Việc thu hồi sản phẩm thể hiện sự quyết liệt của địa phương đối với chương trình song cũng cho thấy lỗ hổng trong khâu tổ chức, triển khai ban đầu. Một số chủ thể khi tham gia nhưng chưa hiểu rõ về định hướng, yêu cầu cụ thể dẫn đến tham gia triển khai rầm rộ như một hình thức thi đua chứ thực chất chưa dựa vào đặc trưng, lợi thế của địa phương để phát triển sản phẩm. Sao OCOP là đại lượng thể hiện chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, cũng như tiềm năng phát triển sản phẩm theo hướng hàng hóa xuất khẩu.

Tuy nhiên, sự nóng vội của chủ thể, sự “xuề xòa” của đơn vị cấp chứng nhận cùng bộ tiêu chí xét duyệt chưa chặt chẽ dẫn đến “bội thực” sao OCOP và sản phẩm trùng lắp, vàng thau lẫn lộn, mẫu mã, bao bì và khâu xúc tiến thương mại không được chú trọng. Không ít địa phương chạy theo phong trào, cạnh tranh số lượng, xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP một cách gượng ép mà không tính đến khả năng, nguồn lực của chủ thể, tính cạnh tranh, thị trường đầu ra nên sức tiêu thụ rất thấp, thậm chí “chết yểu”.

Chương trình OCOP như “tấm hộ chiếu” để các sản phẩm có cơ hội vươn xa, không chỉ thị trường trong nước mà còn rộng đường xuất khẩu. Tuy nhiên, đây không phải một “kim bài” bảo chứng lâu dài cho bất kỳ sản phẩm nào nếu chất lượng không bảo đảm. Nên nhớ rằng thước đo của OCOP không phải là bao nhiêu sản phẩm, mà giá trị cuối cùng chính là chúng ta dẫn dắt được dòng sản phẩm đó đến được thị trường như thế nào, được người tiêu dùng cảm nhận bằng cảm xúc thực sự chứ không đơn thuần là mua một sản phẩm nông nghiệp. Và đích đến cuối cùng của chương trình không phải là tạo ra một sản phẩm OCOP mà tạo ra sự tự tin, thay đổi trong tư duy cho người nông dân từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Bởi vậy, sản phẩm OCOP phải được bảo đảm bằng chất lượng. Chính chất lượng mới mang lại giá trị và thương hiệu cho sản phẩm. Vì thế, đừng để OCOP từ một chiếc áo đẹp lại không thể mặc vì may vội.

THÚY AN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/san-pham-ocop-dung-la-chiec-ao-may-voi-745068