Sản phẩm OCOP, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Việc triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở Quỳnh Nhai được xem là 'cú hích' chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản, tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM.
Quỳnh Nhai có 57 danh mục sản phẩm và ý tưởng tham gia chương trình OCOP, như: Sản phẩm từ cá sông Đà; chanh leo, su su (Chiềng Khay), sa nhân (Mường Giàng), chuối (Mường Giôn), gạo nếp tan (Chiềng Khoang)... Trong đó, sản phẩm cá tép dầu sấy khô của HTX Thái Tuấn đạt 4 sao cấp tỉnh; sản phẩm mật ong Chiềng Khay của HTX Lò Mạnh Sáng và trà cỏ ngọt của HTX Thảo Mộc đạt 3 sao cấp tỉnh; 20 HTX được cấp chứng nhận thực hiện theo quy trình VietGAP; 2 đơn vị được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện và 6 HTX được cấp chứng nhận tham gia liên kết chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Huyện đã thành lập 2 Trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông, lâm, thủy sản tiêu biểu của địa phương và của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, du khách và các doanh nghiệp đến tham quan, tìm hiểu và mua sản phẩm; gắn phát triển các sản phẩm OCOP với phát triển du lịch.
Năm 2021, huyện Quỳnh Nhai có 3 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP, gồm: Chả cá Sông Đà, gạo nếp tan Chiềng Khoang, mắm tép Sông Đà Quỳnh Nhai; phát triển sản phẩm trà cỏ ngọt của HTX Thảo Mộc lên chuẩn 4 sao. Trên cơ sở nội dung đăng ký, huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện nội dung đăng ký và triển khai xây phương án sản xuất kinh doanh, tiến tới hoàn thiện hồ sơ minh chứng. Đến nay, cơ bản các hộ, HTX đăng ký tham gia chương trình đã hoàn thiện hồ sơ sản phẩm; đầu tư trang thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất, chế biến.
Bà Điêu Thị Duy, Giám đốc HTX Thảo Mộc, cho biết: Tham gia chương trình OCOP là cơ hội tốt để quảng bá sản phẩm của HTX, tạo thêm nguồn sinh kế cho thành viên HTX. Hiện nay, sản phẩm trà cỏ ngọt gồm có trà cỏ ngọt túi lọc nghiền nguyên lá và trà cỏ ngọt phơi khô đóng gói nguyên lá. Để tạo chỗ đứng trên thị trường, HTX đang tập trung đầu tư trang thiết bị để nâng cấp sản phẩm lên đạt chuẩn 4 sao. Đây cũng là cơ hội để HTX đổi mới công tác tổ chức quản lý, mở rộng vùng nguyên liệu để sản xuất bền vững.
Tìm hiểu thêm về sản phẩm mắm tép Sông Đà Quỳnh Nhai tham gia chương trình OCOP, chúng tôi tới thăm cơ sở sản xuất của bà Mai Thị Tuyến, xóm 1, xã Mường Giàng. Được biết, trước kia sản phẩm chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt và làm quà tặng người thân, bạn bè. Sau một thời gian, thấy nhu cầu thị trường, bà Tuyến quyết định đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, cơ quan chuyên môn của huyện đã hướng dẫn làm thủ tục, hồ sơ về sản phẩm và hướng dẫn xây dựng khu vực sản xuất, chế biến. Hiện nay, sản phẩm mắm tép sông Đà Quỳnh Nhai đang được đưa vào bán tại Trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông, lâm, thủy sản tiêu biểu của huyện.
Bà Mai Thị Tuyến cho hay: Tham gia chương trình OCOP, cơ sở được huyện hỗ trợ kinh phí xây dựng xưởng chế biến. Hiện nay, đang triển khai xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, tiến tới hoàn thiện hồ sơ minh chứng sản phẩm và sản phẩm được “gắn sao” OCOP góp phần quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương tới người tiêu dùng.
Ông Cầm Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai, cho biết: Phát triển các sản phẩm lợi thế, nâng cao giá trị sản phẩm, thời gian tới huyện Quỳnh Nhai tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ, tạo lập môi trường thuận lợi cho phát triển chương trình OCOP. Trong đó, hướng mạnh vào việc tháo gỡ khó khăn về chính sách đất đai, tín dụng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn. Đồng thời, ưu tiên các giải pháp thiết thực về khoa học, công nghệ, thị trường để các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tham gia OCOP có điều kiện thuận lợi nhất trong phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm tiềm năng.
Với sự quan tâm, chỉ đạo của huyện cùng việc triển khai thực hiện hiệu quả của HTX, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn, chương trình OCOP ở huyện Quỳnh Nhai đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, giúp khai thác tiềm năng, lợi thế về nông, lâm, thủy sản của địa phương, tạo liên kết theo chuỗi giá trị, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.