Sản phẩm từ tre mang về cho Việt Nam 300-400 triệu đô la Mỹ mỗi năm
Tre không chỉ tạo cảnh quan độc đáo để thu hút khách du lịch, mà còn tạo sinh kế cho người dân ở khu vực nông thôn và mang về cho Việt Nam khoảng 300-400 triệu đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu mỗi năm.
Tại chương trình gặp gỡ giữa UBND tỉnh Đồng Tháp với đoàn chuyên gia hội thảo tre thế giới lần IV diễn ra tối nay, 20-9, tại tỉnh Đồng Tháp, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp dẫn số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, diện tích tre cả nước hiện đạt khoảng 1,6 triệu héc ta, cung cấp từ 500 – 600 triệu cây tre mỗi năm, với khoảng 2,5 – 3 triệu tấn sản phẩm.
Nhờ đa dạng các sản phẩm được sản xuất từ tre như: ván ép, chiếu, bàn ghế, ấm chén uống trà, đũa tre và các loại đồ gia dụng khác…, đã giúp mang về cho Việt Nam khoảng 300- 400 triệu đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu mỗi năm. Trong đó, Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc và Nhật Bản là những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Với đặc tính phát triển nhanh, cung cấp nguồn tài nguyên bền vững, thân thiện môi trường, ông Nghĩa cho biết, sản phẩm từ tre có thể thay thế gỗ tự nhiên và các hợp chất hóa học. “Tre là loại vật liệu có khả năng chống chịu động đất, ngăn chặn xói mòn và phục hồi đất bị thoái hóa”, ông cho biết và nói rằng, với khả năng hấp thụ carbon tốt, tre còn góp phần tích cực vào giảm tác động biến đổi khí hậu.
Thực tế, tỉnh Đồng Tháp đang trong giai đoạn ban hành kế hoạch hành động với mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020. “Với vai trò hấp thu carbon, chúng tôi phát triển cây tre để thực hiện giải pháp giảm phát thải khí
nhà kính”, ông Nghĩa cho biết.
Theo ông Nghĩa, tre không chỉ góp phần tạo cảnh quan cho phát triển du lịch sinh thái, cảnh quan kiến trúc, mà còn lưu giữ, bảo tồn các giá trị truyền thống của dân tộc cũng như tạo sinh kế, việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân ở vùng nông thôn.
Phát triển cây tre cũng là hướng canh tác nông nghiệp bền vững, phù hợp với xu thế tiêu dùng mới, đó là nông nghiệp xanh, tuần hoàn nhằm đem lại giá trị cao hơn cho ngành nông nghiệp cũng như bảo tồn nguồn nước ngọt và môi trường sinh thái cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Michel Abadie, Giám đốc Tổ chức tre thế giới cho biết, nếu đầu tư đúng, dự án trồng tre kết hợp du lịch sinh thái của tỉnh Đồng Tháp sẽ sớm phát triển. “Đây cũng là hướng đi nhằm tạo sinh kế cho người dân ở nông thôn, đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường”, ông Mechel Abadie nhấn mạnh.
Trung Chánh