Sản phẩm và dịch vụ ngành công nghiệp văn hóa phải sáng tạo, có bản sắc riêng

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ VH- TT- DL Nguyễn Văn Hùng cho biết: 'Xu hướng phát triển của các sản phẩm và dịch vụ trong các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam là phải đáp ứng được các yếu tố sáng tạo, có bản sắc riêng, mang tính độc đáo và đáp ứng khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước và quốc tế'.

Sáng 22-12, tại trụ sở Chính phủ, diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam do Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ VH-TT-DL tổ chức. Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng chủ trì hội nghị.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) còn gặp phải những khó khăn, hạn chế từ các nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Hiện nay, chưa có một văn bản pháp luật quy định rõ vai trò quản lý nhà nước, trách nhiệm, quyền hạn của các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện nội dung quản lý nhà nước về CNVH. Đồng thời, thiếu các cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp về thu hút nguồn vốn, phát triển nguồn lực để hỗ trợ, thúc đẩy các ngành CNVH phát triển toàn diện trên cả nước và ở từng địa phương. Cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực CNVH còn thiếu đồng bộ. Sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương, giữa các vùng miền để tạo chuỗi liên kết, cung ứng sản phẩm và dịch vụ CNVH còn chưa phát triển mạnh mẽ và có hệ thống”.

Đồng chí Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM trình bày tham luận tại điểm cầu TPHCM

Tham luận trực tuyến tại điểm cầu TPHCM, đồng chí Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết, cần chính sách, khung pháp lý để có thể phát triển các ngành CNVH lâu dài. Đồng chí Phan Văn Mãi cho biết: “Để phát triển các ngành CNVH, TPHCM xác định đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, các thiết chế văn hóa, hỗ trợ phát triển thị trường các sản phẩm văn hóa, nghiên cứu các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển CNVH, quảng bá hợp tác quốc tế. Vấn đề quan trọng trong việc phát triển các ngành CNVH đường dài là khung pháp lý, cơ chế chính sách. Chúng tôi nhận thấy nên lấy doanh nghiệp, người lao động trong lĩnh vực sáng tạo, CNVH làm trung tâm để thiết kế các quy định pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn, chính sách… Và khuyến khích đổi mới sáng tạo trong các ngành CNVH. Thành phố sẽ triển khai Đề án Phát triển ngành CNVH TPHCM đến năm 2030, chúng tôi cũng sẽ tổ chức hội nghị để triển khai đề án này, kêu gọi, thu hút đầu tư để phát triển CNVH cho TPHCM”.

Nói về khó khăn còn tồn tại trong cơ chế, chính sách phát triển CNVH, kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào (Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam) chia sẻ: “Chúng ta có những di sản thuộc những vùng đặc trưng văn hóa, lịch sử, tự nhiên nổi tiếng như: Hội An, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Sa Pa, cao nguyên đá Đồng Văn hay Hà Nội ngàn năm văn hiến… nhưng dường như vẫn là những viên ngọc thô chưa được khai thác và phát huy hết các tiềm năng tương xứng. Nhiều di sản trong kiến trúc của ông cha bị mai một và đang dần mất đi trong xu thế phát triển thị trường thực dụng, toàn cầu hóa. Để kiến trúc phát triển trong đường dài các ngành CNVH. Nguyên nhân có nhiều, nhưng điều đầu tiên là hệ thống chính sách, pháp luật, nghị định chưa đáp ứng kịp thời và đồng bộ; thiếu sự đầu tư trọng điểm và dài hạn của nhà nước, của khối tư nhân. Rất hiếm chủ đầu tư cam kết thực hiện những dự án, khu đô thị, nông thôn khơi dậy văn hóa bản địa, tiếp biến nó trong xã hội hiện đại và tạo nên những biểu tượng mới của một vùng đất, vùng văn hóa, hình thành những khu đô thị, nông thôn của thời kỳ mới”.

 Quang cảnh hội nghị. Ảnh: NHẬT BẮC

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: NHẬT BẮC

Liên quan đến khó khăn về mặt pháp lý trong hoạt động, bà Trương Uyên Ly (nhà nghiên cứu về Không gian văn hóa sáng tạo) cho biết: “Các không gian văn hóa sáng tạo đang gặp phải các khó khăn về nhiều mặt. Không có tư cách pháp lý đặc thù nào dành cho những không gian văn hóa sáng tạo. Dưới hệ thống thuế và luật doanh nghiệp, họ có thể là “hộ kinh doanh”, “công ty trách nhiệm hữu hạn”, “công ty cổ phần”, trong khi với cộng đồng, họ quảng bá cho mình như một tổ chức phi lợi nhuận, một tổ chức giáo dục, một tập hợp các nghệ sĩ, một không gian làm việc chung, hay chỉ đơn giản là một “không gian sáng tạo”.

Thuế thu nhập doanh nghiệp và hạn mức chi nhà nước thấp gây cản trở trong hợp tác công tư: Các không gian thực hiện nghĩa vụ nộp thuế giống như bất kỳ các doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh nào khác, trong khi trên thực tế, nhiều không gian đang hoạt động phi lợi nhuận, hoặc hợp tác, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ cho các cơ quan tổ chức nhà nước với định mức rất thấp so với giá thị trường, đã vậy còn phải đóng các loại thuế và phí. Đa số không gian hoạt động phi lợi nhuận, hoặc đối với các không gian có tính nghiên cứu phát triển và thử nghiệm, việc đóng thuế như doanh nghiệp là một thách thức rất lớn”.

Mục tiêu chung các ngành CNVH đến năm 2030

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trở thành ngành kinh tế quan trọng, trong đó tập trung phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế nhằm đạt mục tiêu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

THIÊN THANH- THU HÀ

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/san-pham-va-dich-vu-nganh-cong-nghiep-van-hoa-phai-sang-tao-co-ban-sac-rieng-post719482.html