Sản phẩm xanh chưa tạo ấn tượng

Mặc dù phải đầu tư lớn để 'xanh hóa' sản xuất nhưng doanh nghiệp còn bỏ ngỏ khâu truyền thông khiến người tiêu dùng chưa phân biệt được đâu là sản phẩm xanh

Lật trang cuối của "Cẩm nang mua sắm" của một siêu thị lớn, chị Hoa Mai (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) đọc kỹ những thông tin giới thiệu về các doanh nghiệp (DN) xanh, DN phát triển bền vững và chương trình khuyến mãi dành cho sản phẩm của các DN này. "Lâu nay nghe nói nhiều về sản phẩm xanh nhưng tôi không biết cụ thể là những sản phẩm gì, của DN nào. Đọc giới thiệu mới biết toàn thương hiệu quen như Thiên Long, Unilever, P&G, Bibica…" - chị Hoa Mai nói.

Thiếu thông tin về sản phẩm xanh

Cũng như chị Hoa Mai, một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng ủng hộ, lựa chọn tiêu dùng xanh, bắt đầu bằng việc sử dụng túi sinh học tự hủy, ống hút, khay dĩa bằng chất liệu thân thiện với môi trường và tìm kiếm những sản phẩm có chứng nhận nhãn xanh hoặc có thể tái sử dụng. Tuy nhiên, số sản phẩm xanh nhận biết được chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc Marketing hệ thống siêu thị MM Mega Market, cho biết hiện có khoảng 20 DN là nhà cung cấp cho MM Mega Market đạt được chứng nhận DN xanh. Đây là những DN lớn, chiếm thị phần chi phối trong lĩnh vực của họ. "Tuy nhiên, khách hàng chưa phân biệt được sản phẩm của DN xanh khác với DN chưa xanh. Nói cách khác, DN chưa thể khai thác yếu tố "xanh" để biến thành lợi thế cạnh tranh của mình" - ông Khôi phản ánh.

Siêu thị đang đẩy mạnh tuyên truyền cho doanh nghiệp xanh, sản phẩm xanh

Siêu thị đang đẩy mạnh tuyên truyền cho doanh nghiệp xanh, sản phẩm xanh

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Bùi Quốc Hùng, Giám đốc kinh doanh kênh siêu thị Công ty CP Pan - chuyên phân phối sản phẩm bánh kẹo Bibica, cho biết Bibica đã "xanh hóa" bằng cách đầu tư năng lượng mặt trời vào các dây chuyền sản xuất bánh kẹo, bao bì thì ưu tiên chọn những đối tác quan tâm đến bao bì giấy, bao bì có thể tự phân hủy, nguyên liệu xanh, sạch…

Dù vậy, người tiêu dùng chỉ biết đến Bibica là thương hiệu bánh kẹo phổ biến, sản phẩm đa dạng, giá cả phải chăng chứ chưa biết yếu tố "xanh" của sản phẩm. "Công ty đã đầu tư rất nhiều để "xanh hóa" sản xuất, tiết kiệm tối đa chi phí để giảm giá thành nhằm đưa sản phẩm ra thị trường với giá cạnh tranh nhất nên chưa có nhiều kinh phí cho truyền thông" - ông Hùng nói.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, người tiêu dùng đã bắt đầu quan tâm đến yếu tố "xanh", đặc biệt là khách hàng trẻ tiên phong và góp phần lan tỏa tinh thần này đến người thân, gia đình.

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH SX-TM Tân Quang Minh (thương hiệu Bidrico), cũng cho biết yếu tố "xanh" rất quan trọng để tăng độ phủ của sản phẩm ở thị trường xuất khẩu lẫn nội địa. "Chúng tôi chú trọng tiêu chí an toàn từ nguồn nguyên liệu sản xuất đến dây chuyền sản xuất và sản phẩm tới tay người tiêu dùng.

Theo đó, từ nguyên liệu nông sản, rau củ quả đạt tiêu chuẩn VietGAP, Organic, GlobalGAP... đến quá trình vận hành, sản xuất đều phải giảm chất thải; tái chế, tái sử dụng chất thải phát sinh; sử dụng năng lượng thân thiện môi trường. Ở khâu cuối cùng, sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng phải bảo đảm giảm thiểu phát sinh chất thải ra môi trường" - ông Hiến nói. Tuy nhiên, chưa có nhiều người tiêu dùng biết về quá trình đầu tư "xanh" này.

Cần được hỗ trợ

Mới đây, tại lễ phát động chương trình "Tháng tiêu dùng xanh" do Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) và Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết sức tiêu thụ sản phẩm của DN xanh, DN thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường trong "Tháng tiêu dùng xanh" (tháng 6 hằng năm) tại 800 điểm bán đã tăng 50% - 60% so với các tháng thông thường.

Theo ông Đức, hiện nay, nhà sản xuất cũng hướng đến những sản phẩm bảo đảm được tiêu chí hữu cơ, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Theo số liệu thống kê của Saigon Co.op trong 5 năm qua, có khoảng 30% bao bì của nhà cung cấp đã chuyển đổi theo hướng xanh hơn, thân thân thiện với môi trường hơn.

Ngay cả Saigon Co.op cũng đã chuyển sang dùng bao bì tự phân rã từ nhiều năm nay, tiến tới dùng bao bì có nguồn gốc hoàn toàn thiên nhiên. "Các đơn vị phân phối bán lẻ cũng chuyển hóa, chắt lọc các sản phẩm đặt lên quầy kệ để tạo nên những tiêu chí của riêng mình. Chẳng hạn, Saigon Co.op những năm qua tập trung vào các sản phẩm dùng 1 lần như ống hút, khay đựng thực phẩm, chén, dĩa nhựa… và định hướng những năm tới sẽ hướng đến những sản phẩm tiêu dùng thường xuyên" - ông Đức nói.

Đại diện MM Mega Market cũng cho biết siêu thị đang tăng cường hỗ trợ các DN xanh tham gia bán hàng vào hệ thống. "Để được chứng nhận DN xanh, sản phẩm xanh, DN phải đầu tư rất nhiều. Nếu bỏ qua yếu tố khuyến mãi, giá bán sản phẩm xanh có thể cao hơn sản phẩm thông thường. Do đó, cần phải có chính sách ủng hộ từ tinh thần đến vật chất để khuyến khích DN xanh chuyển đổi xanh" - ông Đinh Quang Khôi nêu thực tế.

Ông Khôi kiến nghị cần phải có thời gian và sự đồng hành từ Chính phủ để đẩy mạnh truyền thông cho DN xanh, sản phẩm xanh. Có như vậy mới khuyến khích DN tự giác chuyển đổi xanh, người tiêu dùng ưu tiên sử dụng sản phẩm xanh" - ông Khôi nói.

Cần có tiêu chuẩn rõ ràng

Theo ông Nguyễn Anh Đức, cần có sự gắn kết nhiều hơn trong chuỗi giá trị sản phẩm, không chỉ là tiêu dùng xanh mà còn sản xuất xanh để phát triển bền vững. "Cần có những tiêu chuẩn rất rõ ràng, cần có logo, dấu hiệu nhận biết sản phẩm xanh và được truyền thông cho sản phẩm xanh để tiêu dùng xanh có bước phát triển cao hơn" - ông Đức đề xuất.

Bài và ảnh: Thanh Nhân

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/san-pham-xanh-chua-tao-an-tuong-196240604213445637.htm