Sản phụ 45 tuổi suýt tử vong do không biết mình mang thai
Người phụ nữ 45 tuổi có tiền sử hiếm muộn và vừa sinh con hơn 1 tuổi. Thời gian gần đây, bệnh nhân liên tục không có kinh nguyệt nhưng nghĩ vì mới sinh con nên không đi khám.
Ngày 27/5, bệnh nhân được chuyển đến cấp cứu tại một bệnh viện tư nhân vì xuất huyết nặng. Thời điểm đó, bệnh nhân mới biết mình có thai 21 tuần, chảy máu do tình trạng nhau cài răng lược.
Bác sĩ xử trí mổ cấp cứu trong đêm, chấm dứt thai kỳ và cắt bỏ tử cung, sản phụ mất khoảng hơn 1 lít máu. Hậu phẫu, sản phụ có tình trạng rung thất và rung tim. Bác sĩ nghĩ đến trường hợp nhồi máu cơ tim nên cho chụp mạch vành. Tuy nhiên, kết quả cho thấy không phải nhồi máu. Trong đêm, bệnh nhân bất ngờ ngưng tim, ngưng thở, bệnh viện báo động đỏ và chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy.
Bác sĩ Phạm Minh Huy - Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, được sự đồng ý của lãnh đạo, ê-kip ECMO được huy động khẩn cấp. Trong lúc chờ đợi ê-kíp của Chợ Rẫy, bệnh viện tuyến trước vừa thực hiện nhồi tim và hồi sức, cố gắng duy trì sự sống cho bệnh nhân.
Sau khi các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đặt ECMO thành công, bệnh nhân cải thiện huyết áp, tiêm adrenalin liều thấp, nhịp tim ổn định. Sản phụ được đưa về BV Chợ Rẫy điều trị tiếp.
Ngày hôm sau, tại khoa Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, sản phụ xuất huyết ổ bụng phải tiến hành mổ khâu cầm máu. Song song việc duy trì hệ thống ECMO, bệnh nhân được hạ thân nhiệt xuống 35 độ trong 2 ngày, giúp bảo vệ não không bị tổn thương.
Hiện sau hơn 10 ngày điều trị, sản phụ đã ổn định sức khỏe, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.
ThS BS Phạm Minh Huy cho biết, có thể nói đây là một trong những ca bệnh đặc biệt gây áp lực căng thẳng về thời gian nhất. Bởi quá trình tiếp nhận thông tin là trong đêm, việc huy động nhân sự thực hiện kỹ thuật cũng như chuẩn bị các trang thiết bị phù hợp với cơ sở vật chất của bệnh viện bạn cần được tiến hành nhanh chóng, khẩn trương và chính xác.
Đặc biệt nhất là những khó khăn trong quá trình di chuyển bệnh nhân về bệnh viện Chợ Rẫy. Vì ở bệnh nhân đã đặt ECMO, ngay tại giường bệnh, nếu không kịp thời xử lý cũng đều có thể không giữ được tính mạng cho người bệnh. Vì vậy, quá trình chuyển bệnh có thể nói là thời điểm rất căng thẳng với ekip, bởi bất cứ sự cố nhỏ nào trên xe đều rất khó xử lý…
"Bệnh nhân trên có thể được xem là một trường hợp rất may mắn, bởi trên thế giới chỉ có khoảng 30% tỷ lệ thành công khi thực hiện kỹ thuật ECMO kết hợp nhồi tim hồi sức", bác sĩ Huy thông tin thêm.