Sẵn sàng các điều kiện đưa trái vải chinh phục các thị trường lớn
Tín hiệu thị trường xuất khẩu vải thiều rất tích cực. Người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nhận được nhiều đơn hàng...đem tới kỳ vọng về 1 vụ mùa bội thu.
Sẵn sàng các điều kiện để xuất khẩu vải thiều
Theo báo Công Thương, chia sẻ tại buổi trao đổi, cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí về những vấn đề liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 21/5, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), cho biết, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị các điều kiện phục vụ xuất khẩu quả vải đi các thị trường đã chuẩn bị xong.
Theo đó, đối với thị trường Trung Quốc, trung bình hàng năm chúng ta xuất khẩu khoảng 80.000 - 120.000 tấn vải. Năm nay, công tác hướng dẫn người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp các yêu cầu kỹ thuật để xuất khẩu vải thiều đi thị trường này đến hiện tại diễn ra rất thuận lợi.
Đối với thị trường Nhật Bản, năm nay, phía Nhật Bản sẽ cử chuyên gia sang giám sát trực tiếp tất cả các lô vải trước khi xuất khẩu sang thị trường này. Do đó, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát và kiểm tra lại toàn bộ nhà máy xử lý tại các tỉnh Bắc Giang và Hải Dương. Đến hiện tại, công tác kiểm tra đã hoàn tất.
Đối với thị trường Australia, việc đảm bảo những yêu cầu kỹ thuật đối với quả vải xuất khẩu vào thị trường này hiện nay rất thuận lợi (vải vào thị trường này sử dụng phương pháp chiếu xạ) vì hiện tại nhà máy chiếu xạ của Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đã có thể đảm đương được.
Đối với thị trường Mỹ, ông Hoàng Trung cho biết, qua nhiều lần trao đổi, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã tạo điều kiện để chúng ta có thêm 1 cơ sở chiếu xạ được công nhận đáp ứng yêu cầu của phía bạn là Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội.
Theo báo cáo của Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, cuối tháng 5 điều kế theo yêu cầu của Mỹ sẽ về đến Hà Nội, đơn vị sẽ tiến hành lắp đặt và đưa vào vận hành phục vụ công tác chiếu xạ. Nếu thuận lợi quả vải của Bắc Giang sẽ đưa xuống Hà Nội xử lý không phải đưa vào Tp.HCM như trước đây.
Về vấn đề cấp, quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, theo ông Hoàng Trung, Cục Bảo vệ thực vật đã có văn bản tham mưu cho Bộ NN&PTNT giao nhiệm vụ cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để các địa phương tự tổ chức thực hiện và chủ động trong vấn đề quy hoạch, xác định cây trồng, sản phẩm chủ lực nào cần cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu, cũng như phục vụ tiêu thụ trong nước.
Liên quan đến vấn đề này, theo VTV, mới đây, Cục Bảo vệ thực vật vừa cấp thêm 12 mã số vùng trồng vải thiều Bắc Giang xuất khẩu sang thị trường Australia và Thái Lan.
Theo đó, 9 mã số vùng trồng vải thiều xuất khẩu sang thị trường Australia với tổng diện tích hơn 117,5 ha cho nhóm hộ tại các xã: Phì Điền, Kiên Lao, Quý Sơn (huyện Lục Ngạn); Đồng Hưu, Đồng Vương, Canh Nậu (huyện Yên Thế) và Phúc Hòa (huyện Tân Yên). Đây là những nhóm hộ đầu tiên được cấp mã số xuất khẩu vải thiều sang thị trường Australia.
3 mã xuất khẩu sang thị trường Thái Lan có tổng diện tích 42 ha được cấp cho tổ sản xuất vải thiều tại các thôn: Thị, Giữa và Tân Long (xã Tân Trung, huyện Tân Yên).
Như vậy, sau khi 12 mã số vùng trồng được cấp mới nói trên, hiện toàn tỉnh có 19 mã số vùng trồng vải thiều xuất khẩu sang thị trường Thái Lan và 9 mã xuất khẩu sang thị trường Australia. Cùng với những mã số này, trên địa bàn tỉnh hiện có 110 mã số xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc với diện tích hơn 16.000 ha; 37 mã xuất khẩu sang Nhật Bản (hơn 297,4 ha) và 15 mã xuất khẩu sang Mỹ (hơn 184,2 ha).
Ngoài 12 mã số vừa được cấp mới, Cục Bảo vệ thực vật cũng chuyển thông tin 11 mã số vùng trồng vải thiều cho cơ quan chuyên môn của Mỹ và Trung Quốc để phía bạn xem xét, đánh giá việc cấp mới.
Trong khi đó, tại Hải Dương, theo Vietnam+, để sẵn sàng các phương án tiêu thụ vải thiều và nâng cao các giá trị của sản phẩm vải thiều năm nay, ngày 26/4 vừa qua, Sở Công Thương Hải Dương và Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Hà đã tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2023, trong đó có lễ ký kết hợp tác tiêu thụ vải năm 2023 giữa các hợp tác xã, hộ sản xuất và doanh nghiệp.
Hiện, Thanh Hà có 3.265ha vải; trong đó 1.700ha vải sớm. Chất lượng vải thiều không ngừng được nâng cao. Toàn huyện có khoảng 500ha vải đã được công nhận đạt tiêu chuẩn GAP; trong đó có 400ha VietGAP và 50ha GlobalGAP còn hiệu lực. Năm 2023, dự kiến tiếp tục sản xuất và chứng nhận đạt chuẩn GAP khoảng 200ha.
Thời tiết năm nay khá thuận lợi cho cây vải sinh trưởng nên tỉ lệ vải ra hoa, đậu quả cao, đạt trên 95%. Vải u trứng đang quả non đến bắt đầu làm cùi. Vải u hồng, u thâm, tàu lai và vải thiều chính vụ đang ra quả non.
Sản lượng vải Thanh Hà năm nay ước tính khoảng 40.000 tấn. Vải u trứng trắng cho thu hoạch sớm nhất, khoảng nửa cuối tháng 5. Vải thiều chính vụ sẽ cho thu hoạch từ giữa tháng 5.
Bà Hoàng Thị Thúy Hà, Phó chủ tịch huyện Thanh Hà cho biết từ nay đến khi thu hoạch, địa phương tiếp tục tuyên truyền, khuyến cáo các hộ dân tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc; phân công cán bộ chuyên môn giám sát vùng sản xuất; giám sát việc ghi nhật ký vườn cây… Huyện cũng kiểm tra điều kiện phục vụ du khách tham quan du lịch tại vùng vải thiều và tiểu khu du lịch sinh thái.
Để xuất khẩu thuận lợi, bà Lương Thị Kiểm, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương cho biết ngành nông nghiệp đã chủ động phối hợp đơn vị liên quan cấp mã số vùng trồng, mã số đóng gói phục vụ xuất khẩu.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 199 mã số vùng trồng vải được cấp với tổng diện tích 1.119ha. Sở cũng đang đề nghị Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cấp 5 mã số vùng trồng vải sang thị trường Trung Quốc.
Toàn tỉnh đã có 21 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, Newzeland, Nhật Bản và Thái Lan.
Hiện Sở đang đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp mới 3 mã số cơ sở đóng gói vải xuất khẩu sang Trung Quốc với công suất 500 tấn/ngày. Riêng Thanh Hà có 45 vùng sản xuất vải đã được cấp 168 mã số vùng trồng xuất khẩu.
Huyện này đang hoàn thiện các quy định để duy trì 11 mã số cơ sở đóng gói đã được cấp và đăng ký cấp mới 3 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tín hiệu tích cực từ thị trường xuất khẩu
Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, năm 2023, sản lượng vải thiều của địa phương ước đạt hơn 180.000 tấn. Dự kiến vải thiều sớm thu hoạch từ ngày 25/5 đến 15/6, vải chính vụ từ ngày 10/6 đến 30/7. Sản lượng vải thiều tiêu thụ nội địa khoảng 81.000 tấn (chiếm 45%), còn lại dành cho xuất khẩu.
VOV đưa tin, hiện đã có các doanh nghiệp và thương nhân Trung Quốc xúc tiến thỏa thuận tiêu thụ vải thiều với tỉnh Bắc Giang. Bên cạnh đó, hơn 200 thương nhân Trung Quốc đã đăng ký nhập cảnh vào Việt Nam để đến Bắc Giang tham gia giám sát vùng nguyên liệu và ký kết các hợp đồng thu mua, tiêu thụ vải thiều.
Sau 2 đợt phê duyệt hồ sơ, danh sách các thương nhân Trung Quốc nói trên đã được Công an tỉnh Bắc Giang gửi đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) làm thủ tục cấp phép nhập cảnh. Dự kiến, cuối tháng 5, các thương nhân Trung Quốc sẽ bắt đầu nhập cảnh sang Bắc Giang để tham gia tiêu thụ vải thiều chín sớm
Theo báo Đầu tư, mùa vải thiều năm 2021 và 2022, lượng thương nhân Trung Quốc đến Bắc Giang thu mua vải thiều rất ít, vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Do đó, việc thương nhân Trung Quốc sang thu mua vải thiều của Bắc Giang năm nay sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm.
Là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản đến các thị trường khó tính, bà Ngô Thị Thu Hồng - Tổng giám đốc Công ty Ameii Việt Nam - đánh giá, năm nay, thị trường có nhiều tín hiệu tích cực. Hiện, doanh nghiệp đã nhận được rất nhiều đơn hàng từ các thị trường, trong đó có thị trường truyền thống của doanh nghiệp như Nhật Bản, EU, Australia và một số thị trường mới thuộc khu vực Trung Đông, Singapore, Malaysia…
Đến giờ, Ameii đã nhận đơn hàng "full" công suất của các nhà máy. Để đảm bảo đủ sản lượng cũng như chất lượng, doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với các hợp tác xã, bà con nông dân ở vùng vải thiều Thanh Hà, Hải Dương với mức giá thu mua cao hơn giá thị trường khoảng 20%
Tín hiệu thị trường xuất khẩu rất tích cực. Người sản xuất là nông dân, hợp tác xã, cũng như các doanh nghiệp tham gia phân phối, xuất khẩu đang rất bận rộn, nhận được nhiều đơn đặt hàng... đem tới kỳ vọng về một vụ mùa bội thu.
Riêng với Trung Quốc – thị trường xuất khẩu chủ lực của vải thiều Việt Nam, ông Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) - nhận định, dù tín hiệu thị trường xuất khẩu rất thuận lợi nhưng thị trường Trung Quốc ngày càng đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe, hướng tới sản phẩm chất lượng cao. Vì thế, nông dân trồng vải cần tập trung sản xuất vải chất lượng để đáp ứng tốt cho thị trường này.
Minh Hoa (t/h)