Sẵn sàng chiến đấu với 'giặc lửa'

Tại tỉnh Tây Ninh - nơi có độ che phủ rừng rất cao, lại có Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát, nguy cơ cháy rừng đang ở cấp độ 5 do địa phương đang bước vào giai đoạn đỉnh điểm của mùa khô, nắng nóng gay gắt. Vì vậy, các lực lượng bảo vệ rừng, các đơn vị vũ trang trên địa bàn luôn trong tình huống sẵn sàng chiến đấu trước 'giặc lửa'.

Lực lượng Biên phòng Tây Ninh tuần tra, bảo vệ biên giới, sẵn sàng phòng cháy, chữa cháy rừng.

Lực lượng Biên phòng Tây Ninh tuần tra, bảo vệ biên giới, sẵn sàng phòng cháy, chữa cháy rừng.

Phó Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh Nguyễn Văn Công cho biết: “Kể từ đầu mùa khô, toàn tỉnh đã xảy ra bốn vụ cháy rừng trồng. Do đó, trên tinh thần cảnh giác cao độ, các ban quản lý rừng đã tích cực xây dựng phương án, kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) để triển khai. Các loại máy móc, phương tiện PCCCR được sửa chữa, nâng cấp, xây dựng các đường băng cản lửa, lắp đặt các hệ thống biển báo, bảng tuyên truyền, thực hiện phương châm “bốn tại chỗ”, đó là: nâng cao trách nhiệm của các đơn vị quản lý rừng, tự chủ động, xây dựng phương án tác chiến khi có sự cố xảy ra, đồng thời tận dụng năng lực tại chỗ như con người, phương tiện, cơ sở vật chất. Với sự chuẩn bị chủ động, hy vọng mùa khô năm nay tình trạng cháy rừng trên địa bàn tỉnh có thể hạn chế thấp nhất các vụ cháy”.

Thời điểm này, các khu rừng trên địa bàn Tây Ninh được cảnh báo có nguy cơ cháy ở cấp độ cực kỳ nguy hiểm (cấp độ 5). Ghi nhận tại một trong những khu vực rừng trọng điểm của tỉnh Tây Ninh là Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát cho thấy, đây là khu vực rừng có độ tàn che tương đối thấp, thực bì nhiều, rất dễ xảy ra cháy nếu công tác phòng, chống không đạt yêu cầu. Từ đầu mùa khô đến nay, lực lượng Ban Quản lý Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát thường xuyên trong tình trạng sẵn sàng trực chiến. Ông Nguyễn Thanh Hải, Đội phó Đội Bảo vệ rừng Tân Lập (thuộc Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát) cho hay: “Mỗi sáng hằng ngày, tất cả anh em đều lên trên tháp trực chốt, các phương tiện xe bồn, máy móc chữa cháy luôn sẵn sàng. Một số anh em đi tuần tra các đường biên để kiểm tra, nếu phát hiện thấy khói sẽ điện báo về đội để triển khai lực lượng chữa cháy kịp thời”.

Theo ngành kiểm lâm Tây Ninh, việc xác định đúng các vùng trọng điểm dễ cháy tại Vườn Quốc gia là cơ sở quan trọng để chủ động trong công tác phòng cháy và tổ chức chữa cháy rừng. Theo đó, tổng diện tích rừng trồng có 1.893,76 ha, phân bố trên các tiểu khu 16, 17, 18, 19, 23, 24, 25, 29, 30 và 31 của vườn; diện tích thực hiện phòng, chống cháy rừng là 1.740,5 ha.

Hầu hết diện tích rừng trồng được các hộ nhận khoán trồng rừng thực hiện tốt khâu trồng, chăm sóc, chống cháy bằng nguồn kinh phí Nhà nước đầu tư hằng năm. Tuy nhiên, còn một số hộ dân thực hiện chống cháy không kịp thời, chống cháy không đạt yêu cầu. Vườn Quốc gia đã tiến hành lập biên bản yêu cầu các hộ nhận khoán phải thực hiện lại quy trình cày chống cháy theo đúng quy định.

Trên thực tế, đối với trảng cỏ, vườn đã giao các chốt, đội PCCCR tổ chức làm băng cản lửa rộng 10 m và xử lý đốt trước vật liệu cháy để tạo thành các băng trắng tránh cháy lan. Để bảo đảm đốt có kiểm soát, tránh cháy lan trên diện rộng, các đội PCCCR phải kiểm tra chặt chẽ trong quá trình đốt chủ động. Đối với rừng tự nhiên, các lực lượng chuyên nghiệp cùng với bộ đội địa phương còn chủ động đốt ven đường, ven rừng từ 10 đến 20 m, đốt cục bộ dưới tán rừng vào thời điểm thích hợp ban đêm hoặc sáng sớm lúc gió nhẹ để không ảnh hưởng đến số cây tái sinh, nhất là rừng khộp.

Theo Ban Quản lý Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát, công tác xây dựng đường băng cản lửa hiện đang được thực hiện chủ yếu ở các khu vực trảng cỏ, rừng khộp, khu vực biên giới Cam-pu-chia, mục đích nhằm chia nhỏ diện tích tại các vùng trọng điểm dễ cháy bằng các băng trắng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chữa cháy rừng. Tổng cộng đã thực hiện 23 tuyến đường băng chính và năm tuyến phụ. Bên cạnh đó, để chuẩn bị nước chữa cháy, nguồn nước tự nhiên từ sông Vàm Cỏ Đông, các dòng suối, bàu, ao chứa nước... đang được tích tụ dẫn dòng về chung quanh các khu vực có rừng. Riêng nguồn nước nhân tạo từ các giếng khoan, các kênh đào, mương, hồ chứa... đã được phân bố tương đối đều khắp các tiểu khu, có thể khai thác, vận chuyển phục vụ chữa cháy. Để chuẩn bị kịp thời, phục vụ chữa cháy, trong suốt mùa khô, các bồn chứa nước từ 1.000 đến 5.000 lít, các can nhựa 20 đến 30 lít sẽ được bơm đầy và lắp sẵn trên các rơ-moóc rải đều ở các tiểu khu, sẵn sàng tiếp nước đến các khu vực cháy. Lực lượng tham gia chữa cháy rừng được huy động tất cả biên chế lực lượng tại chỗ và lực lượng phối hợp gồm các đơn vị trú đóng trên địa bàn, bao gồm kiểm lâm, bảo vệ rừng và toàn thể viên chức phân chia ra 17 chốt. Còn lực lượng phối hợp tham gia chữa cháy rừng của các xã và lực lượng các đồn biên phòng trú đóng trên địa bàn, cảnh sát PCCC chuyên nghiệp lên đến gần 1.000 người.

Theo Đại tá Lê Hồng Vương, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tây Ninh, lực lượng biên phòng tỉnh luôn đưa yêu cầu bảo vệ PCCCR song hành với nhiệm vụ tuần tra bảo vệ biên giới. Mùa khô này, Bộ đội Biên phòng Tây Ninh đặc biệt chỉ đạo sát sao các Đồn Biên phòng 831 Tân Phú, Đồn Biên phòng 833 Tân Bình, Đồn Biên phòng 835 Lò Gò, Đồn Biên phòng 827 Xa Mát nâng cao ý thức, chủ động phối hợp địa phương, lên phương án luyện tập sẵn sàng chiến đấu trước “giặc lửa”.

Ghi nhận tại Lò Gò - Xa Mát cho thấy, nhiều hệ thống máy phun nước áp lực cao gắn trên máy cày; hàng trăm xe tải nước; nhiều dàn máy cắt cỏ lắp trên máy cày; bồn chứa nước loại 5.000 lít, bình phun nước có động cơ đeo vai, ống nhòm quan sát, rựa, can nhựa, xẻng, dao phát đều tập trung đầy đủ. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức PCCCR được Vườn Quốc gia phối hợp Ban Chỉ huy PCCCR cấp xã tổ chức tuyên truyền theo những nội dung chính sau: Thực hiện tuyên truyền văn bản pháp luật; xây dựng các bảng nội quy bảo vệ rừng; biển cấm lửa và biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng; in ấn và phát hành các tài liệu phổ biến thông báo các số điện thoại liên hệ chữa cháy...

MINH ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43489202-san-sang-chien-dau-voi-%E2%80%9Cgiac-lua%E2%80%9D.html