Sẵn sàng cho chương trình giáo dục phổ thông mới

Theo lộ trình thực hiện, chương trình giáo dục phổ thông mới năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Chương trình mới bậc tiểu học, lớp 1 và lớp 2 có 7 môn học, lớp 3 có 9 môn học, lớp 4 và lớp 5 có 10 môn học. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Theo lộ trình thực hiện, chương trình giáo dục phổ thông mới năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Chương trình mới bậc tiểu học, lớp 1 và lớp 2 có 7 môn học, lớp 3 có 9 môn học, lớp 4 và lớp 5 có 10 môn học. Chương trình mới của các lớp trung học cơ sở và trung học phổ thông đều có 12 môn học, thay vì 17 môn học như trước đây. Như vậy, theo lộ trình, năm học 2020-2021, chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai đối với lớp 1.

Cô và trò Trường Tiểu học Lộc An (thành phố Nam Định) trong một giờ học theo phương pháp mới.

Để chuẩn bị tốt các điều kiện cho thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, Sở Giáo dục và Đào tạo đã đẩy mạnh tuyên truyền; xây dựng kế hoạch và triển khai các văn bản chỉ đạo; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ việc dạy và học; rà soát, sắp xếp lại các đơn vị trường học; bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên thông qua các đợt tập huấn chuyên môn và quán triệt trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh về chương trình mới, các môn học. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các trường tổ chức cho toàn thể cán bộ, giáo viên nghiên cứu, thảo luận nội dung chương trình, tích hợp lồng ghép các nội dung đổi mới trong sinh hoạt tổ chuyên môn, các hoạt động giáo dục của nhà trường; khuyến khích giáo viên trao đổi các nội dung chuyên môn trên hệ thống trường học kết nối, bài giảng điện tử e-Learning… Triển khai kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng kế hoạch, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố, các nhà trường, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh. Chỉ đạo các địa phương thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở theo quy định. Các nhà trường tiến hành đầu tư, sắp xếp phòng học, trang thiết bị dạy học, bàn ghế đảm bảo đủ cho dạy và học 2 buổi/ngày; cải tạo cảnh quan môi trường, sân chơi, bãi tập, vườn trường, vườn thực nghiệm để phát huy hiệu quả giáo dục. Năm học 2017-2018, Sở Giáo dục và Đào tạo phát động phong trào tự làm đồ dùng dạy học nâng cao góc hỗ trợ giáo dục. Từ năm học 2018-2019 đến nay, các nhà trường tiếp tục nhân rộng những sản phẩm đồ dùng dạy học có hiệu quả cao, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng dạy và học. Căn cứ yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, các trường học kiểm tra, rà soát thực trạng cơ sở vật chất, điều chỉnh, sắp xếp để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có; xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học để thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Đến nay, toàn tỉnh đã có 610 trường học đạt chuẩn quốc gia, trong đó, ở cấp tiểu học, cơ sở vật chất các trường học cơ bản đều đã được xây dựng kiên cố, 97,27% trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I, đảm bảo cho việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Ở bậc trung học cơ sở có trên 3.000 phòng học kiên cố, 100% trường có nguồn nước sạch hợp vệ sinh. Bậc trung học phổ thông có hơn 1.300 phòng học kiên cố. Ở tất cả các cấp học, bậc học, các khối phòng chức năng, khối phòng hành chính quản trị đều có trang thiết bị đi kèm đạt yêu cầu theo quy định. 100% các điểm trường có máy vi tính nối mạng internet phục vụ các hoạt động giáo dục đáp ứng yêu cầu, có phòng Tin học với số lượng máy tính đạt bình quân 2-3 học sinh/máy; 100% các trường có thư viện. Các thư viện trường, thư viện lớp đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.

Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, Sở Giáo dục và Đào tạo chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ, chọn lựa đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán các môn học, cử cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán tham dự các lớp tập huấn do Bộ tổ chức để làm nòng cốt trong việc tập huấn bồi dưỡng tại địa phương. Đầu năm học 2019-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo đã mời Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông quốc gia 2018 giới thiệu tổng quan về chương trình. Đối với cấp tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo đổi mới các hoạt động giáo dục cấp tiểu học, xây dựng ngân hàng đề khảo sát học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực; tập huấn dạy học tiếng Anh các khối lớp; dạy Toán - Khoa học bằng tiếng Anh. Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố triển khai tập huấn giáo viên các nhà trường tiểu học về định hướng dạy học theo chương trình mới, tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay. Các nhà trường tổ chức cho giáo viên đi học tập kinh nghiệm để chủ động tiếp cận chương trình mới. Hiện tại đội ngũ giáo viên các nhà trường trong tỉnh đều đảm bảo yêu cầu về trình độ; trong đó, riêng cấp tiểu học, đội ngũ giáo viên ổn định, cơ cấu giáo viên tương đối đầy đủ; tỷ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn luôn ở mức cao (96,7%); tỷ lệ giáo viên/lớp đạt 1,44 giáo viên/lớp. Phần lớn giáo viên các nhà trường đều chủ động, sáng tạo, tự học, tự bồi dưỡng; xây dựng kế hoạch cá nhân, thực hiện dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh theo đúng các văn bản quy định.

Hiện tại, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh vẫn đang tiếp tục chuẩn bị tốt các điều kiện cho áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn: Một số đơn vị khi sáp nhập có số lớp, số học sinh quá đông; bộ thiết bị dạy học tối thiểu đã cũ, hỏng chưa có kinh phí bổ sung, sửa chữa kịp thời; khu vực thành phố, các cụm công nghiệp ở các xã, phường, thị trấn tập trung đông dân cư gây sức ép về sĩ số học sinh/lớp. Để tạo thuận lợi cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm có văn bản chỉ đạo công tác hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 cho các địa phương. Các nhà xuất bản sớm có kế hoạch cụ thể về việc tập huấn sử dụng sách giáo khoa cho giáo viên lớp 1./.

Bài và ảnh: Minh Thuận

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5546/202001/san-sang-cho-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-2535042/