Sẵn sàng cho mùa thi: Vững tâm lý vượt 'vũ môn'
Sức khỏe tốt, tâm lý vững vàng, làm chủ thời gian cùng sự quan tâm, động viên của phụ huynh là tiền đề giúp các sĩ tử lớp 12 vững tin vượt 'vũ môn'.
Thầy Lê Ngọc Hà - Phó Hiệu trưởng, Tổ trưởng Tổ tư vấn tâm lý Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh): Bố trí thời gian ôn tập hợp lý
Yếu tố quyết định thành bại là kiến thức. Thời gian cho tới kỳ thi không còn nhiều, vì vậy, các em cần gói gọn kiến thức, tích cực ôn tập theo hướng dẫn của thầy cô, luyện đề, bổ sung kiến thức còn hổng… để hạn chế sai sót trong quá trình làm bài.
Cùng đó, các em cần rèn luyện kỹ năng làm bài. Đây là yếu tố được tôi rèn trong quá trình học tập ở trường, nhà. Chắc hẳn, các em được thầy cô chia sẻ bí quyết, thủ thuật để hoàn thành bài thi tốt nhất từ việc phân bố thời gian làm bài, bố cục bài, câu dễ sai, dễ mất điểm, câu then chốt….
Một trong những bí quyết giúp học sinh tạo kỹ năng tốt khi làm bài là thói quen thời gian. Gần thi, các em nên ôn, học bài, làm đề theo thời gian Bộ GD&ĐT đã công bố từng môn. Ví dụ, buổi sáng học môn Văn, buổi chiều học môn Toán…
Mặt khác, phải chú ý đảm bảo sức khỏe bởi sức khỏe tốt mới có trí tuệ minh mẫn để hoàn thành bài thi. Việc nhiều học sinh vùi mình ôn tập trong thời gian gần thi làm xuống sức rõ rệt, thậm chí có em còn sử dụng các loại thực phẩm chức năng để tăng trí nhớ, sức đề kháng….
Để giải quyết căn nguyên vấn đề, các em phải có thời gian biểu hợp lý, phân chia khung thời gian học ở lớp, nhà, từng môn và nghỉ ngơi, vui chơi để cơ thể ở trạng thái tốt nhất; không nên thức quá khuya, dậy quá sớm, ngủ thiếu giấc sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, trí nhớ...
Bên cạnh thời gian biểu, nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý, vì thời điểm này, việc học, rèn luyện ở mật độ cao sẽ khiến cơ thể cần nhiều năng lượng hơn.
Thầy Nguyễn Cao Thiện – giáo viên Toán, Trường THPT Cẩm Bình (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh): Tìm hiểu thông tin chính thống
Việc thay đổi chương trình, hình thức thi theo Chương trình GDPT năm 2018 từ năm 2025 đã tạo nên lo lắng cho học sinh, phụ huynh. Bên cạnh đó, các nguồn thông tin không chính thống trên trang Facebook, TikTok… cũng làm tâm lý của các em xao động.
Học sinh 2K6 hay nói với nhau câu bông đùa “game 1 mạng”, ám chỉ mình không có cơ hội thi lại, hay thi lại với chương trình mới sẽ hết sức khó khăn… Thực chất, đây không phải là vấn đề quá lớn vì trước đó Bộ GD&ĐT đã công bố “học theo chương trình nào sẽ thi theo chương trình đó với thí sinh trượt tốt nghiệp tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Có thể tính toán tổ chức thi vào thời gian sau năm 2024 đảm bảo nội dung, phương thức thi theo đúng chương trình 2006”. Việc thiếu tìm hiểu, ít thông tin là một phần nguyên nhân tạo nên lo lắng cho các em.
Theo quan điểm cá nhân, thời điểm hiện tại học sinh nên tập trung ôn tập tốt các môn, khối thi của mình. Không nên đặt nặng, quan tâm đến phương án tuyển sinh năm sau sẽ tạo thêm áp lực cho mình. Nếu lỡ may có kết quả chưa như ý muốn … vẫn có thể tham gia kỳ thi năm sau theo chương trình cũ.
So với mục tiêu vào đại học thì áp lực đỗ tốt nghiệp THPT có thể nhẹ nhàng, dễ thở hơn. Đề thi các môn trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng ra theo hướng đánh giá học sinh tốt nghiệp, nên luôn có phần dưới 5 (nhận biết thông hiểu) cho học sinh lực học trung bình, yếu.
Theo cách tính điểm tốt nghiệp của Kỳ thi tốt nghiệp THPT, cơ hội đỗ tốt nghiệp của các em khá lớn nếu cố gắng học đều các môn và không bị điểm liệt. Đôi khi áp lực đè nặng lên vai của phụ huynh hơn học sinh vì thực tế, một số em có lực học chưa tốt ít quan tâm đến việc học.
TS Nguyễn Văn Hòa – Phó Trưởng bộ môn Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Hà Tĩnh: Lắng nghe và đồng hành cùng sĩ tử
Càng gần ngày thi, thí sinh càng đối mặt với nhiều áp lực. Ngoài kỳ vọng từ bản thân thì các yếu tố bên ngoài (trong đó có gia đình) cũng tăng thêm lo lắng cho các em.
Lo lắng dễ nhận thấy ở học sinh 12 đó là áp lực giữa năng lực bản thân và kỳ vọng gia đình. Điều này khiến các em dễ bị căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi, thậm chí trầm cảm, nhất là khi không đạt kỳ vọng mong muốn.
Chính vì vậy ở giai đoạn nước rút, thay vì tạo áp lực phụ huynh hãy lắng nghe và động viên các em dù những điều nhỏ nhất. Đặc biệt, cùng với giáo viên, cha mẹ cần phân tích bối cảnh xu thế phát triển kinh tế xã hội thời gian tới để cùng con xác lập mục tiêu định hướng nghề nghiệp phù hợp năng lực, sở trường. Đặc biệt cần theo dõi sát sao mọi diễn biến tâm lý, thời gian sinh hoạt của trẻ để có sự điều chỉnh hợp lý, tránh tình trạng quá sức, sa sút tinh thần.
Gia đình phải bình tĩnh xử lý khéo léo tình huống xảy ra giai đoạn này, trong đó tăng cường động viên khích lệ vì tâm lý các em dễ bị tổn thương, yếu đuối nhạy cảm. Ngoài ra, cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, giấc ngủ, tập luyện thể dục, thể thao đều đặn… để trẻ có sức khỏe tinh thần tốt, từ đó tự tin vượt qua các kỳ thi.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, Hà Tĩnh có gần 17 nghìn học sinh lớp 12 (bao gồm học sinh các trường THPT công lập, tư thục và trung tâm GDNN-GDTX).
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/san-sang-cho-mua-thi-vung-tam-ly-vuot-vu-mon-post683799.html