Sẵn sàng cho những hợp tác mới
Sau 5 ngày diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi, chiều 29-10, tại Thủ đô Phnom Pênh, Vương quốc Campuchia, Hội chợ triển lãm sản phẩm kinh tế-quốc phòng Việt Nam-Campuchia (VIDEX 2023) đã bế mạc. Hội chợ triển lãm đã thu hút hơn 3 vạn lượt khách tới tham quan, mua sắm và kết nối giao thương (theo hình thức trực tiếp và trực tuyến).
Thị trường tiềm năng
Là một doanh nghiệp có thế mạnh về dịch vụ vận tải cảng biển, mỗi lần tham gia hội chợ triển lãm như này luôn là cơ hội để Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn quảng bá, kết nối với các bạn hàng. Đại tá Bùi Văn Quỳ, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn cảng APEC, Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Đông Nam Á cho biết, trong khuôn khổ hội chợ triển lãm, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) cùng với Cảng Phnompenh (PPAP) đánh dấu bước hợp tác chiến lược giữa hai nhà khai thác cảng hàng đầu của hai nước. Sự hợp tác giữa hai cảng sẽ giúp cải thiện hiệu suất và giảm chi phí logistics, góp phần vào sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Campuchia.
Đại tá Phạm Xuân Thảnh, Giám đốc Công ty cà phê 15 (Quân khu 5) chia sẻ: “Cà phê của chúng tôi được rất nhiều người dân Campuchia đến thưởng thức. Họ ấn tượng với hương vị cà phê, càng ấn tượng hơn khi được nghe giới thiệu quy trình sản xuất và chế biến cà phê chất lượng cao theo chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột” bởi những người sản xuất cà phê mặc áo lính. Tôi hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều kết nối tại thị trường này”.
Lần đầu tiên mang sản phẩm đến tham dự tại VIDEX 2023, ông Hoàng Văn Dự, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khá bất ngờ khi nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam được người dân Campuchia đón nhận nhiệt tình. “Thị trường Campuchia có nhiều nét tương đồng với Việt Nam nhưng nhiều sản phẩm Việt Nam lại có lợi thế cạnh tranh hơn như: Hạt tiêu, hạt điều, sản phẩm chế biến từ gạo (bún, bánh đa, phở), cà phê và những loại nước trái cây ép. Tôi cho rằng đây là một thị trường tiềm năng và chúng ta có nhiều cơ hội hợp tác”.
Bà Vũ Thị Thanh Hảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX chè Thịnh An (huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) cũng lần đầu tiên tham gia hội chợ triển lãm như thế này. Do tìm hiểu từ trước nên bà mạnh dạn mang đi gần 1 tạ chè để quảng bá với bạn bè Campuchia. Thực sự bất ngờ, chỉ sau 3 ngày mở hội chợ, chỗ chè bà mang đi đã được bán hết. Ngoài ra, bà còn tìm được đối tác để mở đại lý chè tại Campuchia và Thái Lan.
Chủ động trong hợp tác phát triển
Với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam và Campuchia, sự phối hợp chặt chẽ giữa hai cơ quan chức năng, hội chợ triển lãm đã thành công tốt đẹp. Khu triển lãm trưng bày những hình ảnh, hiện vật tiêu biểu về quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa Nhà nước, nhân dân và Quân đội hai nước, góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân và nhân dân Việt Nam-Campuchia về mối quan hệ truyền thống lâu bền, ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau giữa nhân dân và quân đội Việt Nam với Campuchia trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và trong công cuộc xây dựng đất nước của mỗi quốc gia.
Khu vực hội chợ có 213 gian hàng cho 148 doanh nghiệp, trong đó có 27 doanh nghiệp quân đội Việt Nam (43 gian hàng). Nhiều gian hàng có thiết kế hình thức khoa học, hiện đại thu hút người dân đến tham quan và giao dịch như Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB), Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, Tổng công ty 789, Công ty Cà phê 15, Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, khối doanh nghiệp thuộc Quân khu 7 và Quân khu 9, một số đơn vị, doanh nghiệp của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng... Trong thời gian VIDEX 2023 đã diễn ra hội thảo về hợp tác thương mại Việt Nam - Campuchia, Hội thảo chuyên đề cùng với đó là hơn 50 cuộc giao thương, kết nối cung - cầu công nghệ và thương mại tại thực địa và trực tuyến, thu hút hơn 200 doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia đăng ký tham gia, đã có 8 thỏa thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ và hợp đồng nguyên tắc được ký kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia.
Trong khuôn khổ hoạt động của hội chợ triển lãm, chương trình giao thương, khảo sát thị trường tại Malaysia (gồm 27 thành viên và 9 doanh nghiệp quân đội hoạt động từ ngày 26 đến 28-10) đã cho thấy sự tích cực, chủ động của các doanh nghiệp trong tìm hiểu, tìm kiếm những thị trường mới. Trong hoạt động tại Malaysia đã tổ chức một hội thảo kết nối giao thương và 2 biên bản ghi nhớ được ký kết giữa Trung tâm Triển lãm và Xúc tiến thương mại Quân đội với Phòng Thương mại Công nghiệp Malaysia và Trung tâm Triển lãm - Thương mại Quốc tế Malaysia.
Khu vực trưng bày không gian văn hóa Việt Nam do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ đạo, giao Cục Tuyên huấn chủ trì triển khai thực hiện là một điểm thu hút được rất nhiều du khách đến tham quan, thưởng thức, tìm hiểu những nét đặc sắc của văn hóa truyền thống Việt Nam. Đại tá Đặng Mỹ Hạnh, Phó trưởng phòng Văn hóa-văn nghệ, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam chia sẻ: “Khu không gian văn hóa đã tạo nên điểm nhấn của VIDEX 2023. Điểm nhấn đó không chỉ là những sản vật đặc trưng của các vùng miền mà còn ở người truyền bá văn hóa Việt Nam tới khách tham quan-những sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam - Bộ đội Cụ Hồ. Đây là nơi lưu giữ lại nhiều hình ảnh đẹp về tình hữu nghị, đoàn kết Việt Nam-Campuchia, tình cảm quê hương gắn bó của những kiều bào Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Campuchia".
Thành công của hội chợ đã góp phần vun đắp mối quan hệ truyền thống hữu nghị, sự tin cậy, ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau giữa Nhà nước, nhân dân và quân đội hai nước Việt Nam-Campuchia. Những thành công đã đạt được tại hội chợ sẽ là cơ sở thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư hai nước tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy đầu tư, hợp tác kinh doanh để cùng phát triển.
Chia sẻ tại buổi bế mạc, Thiếu tướng Trần Đình Thăng, Cục trưởng Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng) khẳng định: “Thông qua thị trường Campuchia, chúng ta có sức bật để hướng đến những thị trường khó tính trên thế giới. Đây cũng là những cuộc tập dượt cho doanh nghiệp quân đội để thời gian tới chúng ta sẽ tham gia những hội chợ lớn ở châu Âu - một thị trường mà từ trước tới nay, rất ít doanh nghiệp của chúng ta “đặt chân” vào được. Bởi, chúng ta có thế mạnh riêng. Tôi luôn tâm niệm rằng, các sản phẩm quốc phòng khó, đòi hỏi chất lượng, kỹ thuật cao mà chúng ta còn làm được thì những mặt hàng tiêu dùng đáp ứng được những thị trường khó tính, chúng ta cũng làm được. Chúng ta có lợi thế nữa đó là giá thành sản phẩm của ta hợp lý, phù hợp với tiêu chí xanh-sạch của người tiêu dùng. Tuy nhiên, để có thể tham gia vào những thị trường khó tính, chúng ta cần chủ động giới thiệu với họ những sản phẩm chất lượng mà theo tiêu chuẩn quốc tế. Đó là tư duy mới mà chúng tôi cùng các doanh nghiệp quân đội đang hướng tới và tôi tin, các doanh nghiệp quân đội sẽ sớm hiện diện tại những thị trường khó tính nhất. Đó là thành quả rất quan trọng chúng ta có được tại hội chợ này”.
Bài, ảnh: CÙ HƯƠNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/san-sang-cho-nhung-hop-tac-moi-749136