Sẵn sàng cho việc tắt sóng 2G

Chưa đến 2 tháng nữa, các nhà mạng viễn thông trong cả nước sẽ ngừng cung cấp dịch vụ công nghệ di động 2G. Để đảm bảo cho việc tắt sóng 2G, ngành TT&TT, các nhà mạng đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân chuyển đổi sang 4G.

Bà Nguyễn Vũ Xuân Dung

Bà Nguyễn Vũ Xuân Dung

Trao đổi với Báo Phú Yên, bà Nguyễn Vũ Xuân Dung, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh cho biết:

- Việc tắt sóng 2G vào ngày 16/9 sắp tới được thực hiện dựa trên các hướng dẫn của Bộ TT&TT theo lộ trình dừng công nghệ di động cũ và phổ cập điện thoại thông minh. Việc này cũng nhằm thúc đẩy việc thực hiện Đề án chuyển đổi số của Chính phủ đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050. Ngoài ra, Quy hoạch về hạ tầng TT&TT cũng yêu cầu phải phổ cập mạng 4G, 5G trong toàn xã hội và phổ cập điện thoại thông minh đến từng người dân.

* Xin bà cho biết hiện nay toàn tỉnh còn bao nhiêu thuê bao 2G và ngành TT&TT, các doanh nghiệp viễn thông tuyên truyền như thế nào để các chủ thuê bao này chuyển đổi sang 4G?

- Hiện nay toàn tỉnh còn khoảng 99.000 thuê bao 2G trong tổng số 925.000 thuê bao, chiếm tỉ lệ khoảng 10,7%. Trong đó, nhà mạng Viettel còn số thuê bao 2G nhiều nhất với khoảng 70.000 thuê bao.

Chuẩn bị cho việc dừng phục vụ sóng 2G, Bộ TT&TT đã có thông cáo báo chí đến tất cả các cơ quan thông tấn báo chí, các doanh nghiệp viễn thông, toàn thể người dân để tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông. Sở TT&TT đã triển khai đến các đơn vị, địa phương tuyên truyền việc dừng phục vụ sóng 2G trong tháng 9. Các doanh nghiệp viễn thông cũng thông báo đến các thuê bao về việc dừng cung cấp dịch vụ 2G để người dân biết, có giải pháp chuyển đổi, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt và không bị gián đoạn.

* Nhiều người dân, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo đang gặp khó khăn về kinh phí trong việc chuyển đổi từ điện thoại 2G lên điện thoại 4G. Giải pháp nào đã được thực hiện, thưa bà?

- Với sự chỉ đạo của Bộ TT&TT, để khuyến khích người dân chuyển đổi, các doanh nghiệp viễn thông đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ bao gồm: Chính sách về đổi điện thoại 2G sang điện thoại 4G, hỗ trợ thuê bao, giảm giá cước, dịch vụ…

Ngoài ra, các nhà mạng cũng đang triển khai chương trình hỗ trợ giảm giá điện thoại 4G, điện thoại thông minh cho các hộ nghèo, cận nghèo khi chuyển đổi. Đồng thời, hiện nay trên thị trường có các sản phẩm điện thoại 4G có các chức năng, cách sử dụng giống điện thoại 2G, giúp cho những người già, những người không quen sử dụng điện thoại thông minh có thể sử dụng được.

Ngoài ra, Nhà nước, các nhà mạng viễn thông cũng đang triển khai Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích để hỗ trợ phí thuê bao hằng tháng cho các hộ nghèo, cận nghèo, các trường học trong diện đủ điều kiện hỗ trợ. Các đối tượng được nhận hỗ trợ từ chương trình này sẽ được Sở TT&TT xác nhận danh sách trước khi gửi về Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích hỗ trợ.

Người đồng bào DTTS xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) sử dụng sóng 4G khai thác các ứng dụng số trên điện thoại thông minh. Ảnh: THỦY TIÊN

Người đồng bào DTTS xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) sử dụng sóng 4G khai thác các ứng dụng số trên điện thoại thông minh. Ảnh: THỦY TIÊN

* Các nhà mạng đã đầu tư hạ tầng viễn thông ra sao để đáp ứng việc khai thác hoàn toàn mạng 4G, 5G trong thời gian tới?

- Để đảm bảo cho việc dừng phục vụ sóng 2G, tiến tới tắt sóng 2G và đến năm 2028 sẽ tắt sóng 3G, các doanh nghiệp viễn thông đang đẩy mạnh đầu tư xây dựng thêm các trạm BTS. Vì khi khai thác sóng 4G, 5G, dữ liệu truyền đi sẽ rất lớn, tốn nhiều dung lượng nên bắt buộc mật độ các trạm BTS phải dày hơn để đảm bảo vùng phủ sóng và dung lượng chuyển tải dữ liệu.

Tuy nhiên, việc xây dựng các trạm BTS đang gặp khó khăn vì chưa nhận được sự đồng thuận của người dân. Rất mong người dân hiểu, đồng hành và ủng hộ chủ trương này, bởi trạm BTS là cần thiết phải có để phát triển dữ liệu, phục vụ chuyển đổi số của tỉnh.

Hiện nay, tại Phú Yên, các nhà mạng đang phủ sóng chéo với nhau, nếu tính luôn các trạm 3G, 4G thì những vùng có dân cư đều được đảm bảo vùng phủ sóng, không có các vùng lõm phủ sóng trong khu dân cư. Tuy nhiên, hiện vẫn còn cục bộ một số vùng độ phủ chưa đến nên cần phải xây dựng thêm các trạm BTS.

Nếu chỉ tính riêng vùng phủ sóng 4G thì chỉ mới phủ tốt ở khu vực đô thị, vùng nông thôn vẫn cần được đầu tư nhiều. Để thực hiện tắt sóng 3G vào năm 2028, hiện nay, ngành TT&TT và các nhà mạng đã có lộ trình xây dựng thêm các trạm BTS.

* Chưa đến 2 tháng nữa, sóng 2G sẽ ngừng phục vụ. Vậy bà có lời khuyên nào cho hơn 99.000 chủ thuê bao 2G?

- Trong xã hội phát triển ngày nay cũng như trong công cuộc chuyển đổi số của quốc gia, điện thoại thông minh là công cụ rất cần thiết nhằm phục vụ nhu cầu nghe, nhìn, xem, tìm hiểu thông tin, kết nối, giải quyết thủ tục… ở hầu hết lĩnh vực. Vì vậy, tôi mong muốn những người dân đang sử dụng điện thoại 2G chủ động chuyển đổi hoặc liên hệ với các nhà mạng mình đang sử dụng để được tư vấn, hỗ trợ chuyển đổi sang sử dụng các điện thoại thế hệ sau này, đảm bảo cho việc liên lạc không bị gián đoạn và đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số hiện nay.

* Xin cảm ơn bà!

Người dân đang sử dụng điện thoại 2G cần chủ động chuyển đổi hoặc liên hệ với các nhà mạng mình đang sử dụng để được tư vấn, hỗ trợ chuyển đổi sang sử dụng điện thoại 4G, đảm bảo cho việc liên lạc không bị gián đoạn và đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số hiện nay.

THỦY TIÊN (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/318951/san-sang-cho-viec-tat-song-2g.html