Sẵn sàng cho vụ sản xuất lúa đông xuân

Công nhân Trạm Thủy nông kênh Nam đang phát dọn, nạo vét lòng kênh ở khu vực huyện Tây Hòa. Ảnh: NGỌC HÂN

Để chuẩn bị cho vụ sản xuất lúa đông xuân sắp tới, các địa phương, đơn vị đang tu bổ, nạo vét kênh mương, khai thông dòng chảy; tiến hành cày ải đất, cày vùi lúa chét, diệt cỏ dại, vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị xuống giống.

Gia cố kênh mương

Theo Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam (Công ty Đồng Cam), năm 2023, đơn vị này cấp nước tưới cho 37.034ha diện tích sản xuất nông nghiệp; riêng vụ đông xuân sắp tới, sẽ cấp nước cho 18.561ha lúa trên toàn tỉnh. Để đảm bảo nước thông suốt đến các khu đồng, công ty đã triển khai cho các trạm nhanh chóng nạo vét, gia cố kênh mương; xây dựng phương án cấp nước tưới. Đồng thời tiến hành kiểm tra, đánh giá thực tế nguồn nước đầu mối tại các hệ thống thủy nông thuộc công ty quản lý, các nguồn nước từ sông suối, ao hồ, nước ngầm… để có kế hoạch giữ nước và điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.

Ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty Đồng Cam cho biết: Những ngày qua, công nhân các trạm thủy nông đồng loạt ra quân sửa chữa công trình, tu bổ, nạo vét kênh mương, các cống đầu kênh, xi phông, bể hút các trạm bơm. Đồng thời tu bổ, bảo dưỡng các máy bơm điện, rà soát kiểm tra đường dây điện tại các trạm và phân công cụ thể đến từng công nhân quản lý thủy nông, công nhân vận hành trạm bơm, đảm bảo có mặt thường xuyên trên từng hệ thống công trình, kênh mương.

Theo Trưởng trạm Thủy nông kênh Bắc Huỳnh Quốc Việt, đơn vị đang gia cố, bảo trì các hạng mục công trình. Cụ thể, bê tông mái taluy tại vị trí K1+950, K2+770, K3 ở xã Hòa Hội; gia cố kênh N3 tại K1 ở xã Hòa Định Đông, kênh nhánh N3-1 ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa); nâng cấp bể xả, kênh tưới trạm bơm điện Bầu Súng ở xã An Mỹ (huyện Tuy An) với tổng khối lượng trên 1.000m³. Đồng thời nạo vét lòng kênh, đắp đất bờ kênh khắc phục hậu quả mưa lũ các tuyến kênh KC1, KC2 ở thôn Phú Vang, xã Bình Kiến; gia cố bể xả, kênh tưới trạm bơm điện Sơn Thọ ở xã Hòa Kiến… Ngoài ra, đơn vị còn tập trung công nhân nạo vét, khai thông dòng chảy các cấp kênh trên hệ thống Bắc Đồng Cam nhằm đảm bảo phục vụ tốt việc tưới, tiêu vụ đông xuân.

Trên các cánh đồng xã An Ninh Tây, An Thạch, An Dân (huyện Tuy An), bà con nông dân đang tiến hành cày ải đất, cày vùi lúa chét, diệt cỏ dại và vệ sinh đồng ruộng để chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân. Ông Nguyễn Trọng Hùng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy An, cho biết: Sau vụ hè thu 2022, đồng ruộng lúa chét mọc dày là cầu nối gây sâu bệnh hại lúa. Vì vậy, các HTX trên địa bàn huyện đang tiến hành khâu cày ải đất, vệ sinh đồng ruộng, diệt ốc bươu vàng, diệt chuột tập trung tại các gò, bờ ruộng cao trước khi vào vụ lúa đông xuân. Toàn huyện có kế hoạch đưa vào sản xuất hơn 2.755ha, tương đương với diện tích sản xuất vụ lúa đông xuân năm ngoái.

Tập trung xuống giống

Tại huyện Tây Hòa, theo kế hoạch, vụ đông xuân này nông dân trên địa bàn huyện xuống giống hơn 6.882ha. Vì vậy, phòng NN-PTNT, UBND các xã, thị trấn, các HTX nông nghiệp đang hướng dẫn bà con tập trung cày dầm sớm; ra quân đồng loạt diệt chuột, ốc bươu vàng và vệ sinh đồng ruộng trước khi gieo sạ. Các giống chủ lực vụ này là ĐV108, OM2695-2, ML48; áp dụng các phương pháp sạ theo hàng, sạ thưa hợp lý, giảm lượng giống sạ ít hơn 100kg/ha; vùng chủ động tưới tiêu nước có thể sạ với lượng giống 60-80kg/ha và 40-50kg/ha đối với giống lúa lai...

“Đối với diện tích ngoài hệ thống thủy nông thuộc các xã Hòa Thịnh, Hòa Mỹ Tây, Hòa Tân Tây…, các địa phương có thể gieo sạ từ đầu tháng 12 tới. Đối với vùng trũng thấp, cuối nguồn nước thuộc các xã Hòa Đồng, Hòa Mỹ Đông, ngành Nông nghiệp khuyến cáo lịch gieo sạ từ ngày 1-10/1/2023 để tránh lũ lụt, ngập úng gây hư hại, mất giống”, ông Nguyễn Dũng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa cho biết.

Tại cánh đồng các xã Xuân Quang 2, Xuân Quang 3 và thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân), nhiều đám ruộng bị nước lũ bồi lấp cát đá đang được bà con nông dân khẩn trương cải tạo, đắp lại bờ bao. Ông Lê Văn Hội, nông dân xã Xuân Quang 2, chia sẻ: “Bước vào vụ đông xuân, ruộng lúa bỏ hoang 3 tháng, mùa mưa cỏ dại với lúa chét mọc dày nên tôi phải cày ải dập gốc rạ diệt cỏ dại sớm. Nếu cày muộn thì sau này gieo sạ, đám ruộng còn cỏ gốc trồi lên lấn lúa non, cây dễ bị mắc nghẹt cổ rễ”.

Theo ông Huỳnh Tuấn Ân, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, vụ lúa đông xuân 2022-2023, Phòng Nông nghiệp huyện đang triển khai cho các HTX nông nghiệp nạo vét kênh mương nội đồng, thu dọn rác, bèo bị nước lụt tấp vào ruộng để gieo sạ đúng lịch thời vụ đã quy định. Ngoài ra, để nâng cao năng suất, phòng trừ sinh vật gây hại, huyện tiếp tục đẩy mạnh áp dụng các chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM, “ba giảm ba tăng”, “một phải năm giảm” và tập trung quản lý cỏ dại, chuột, ốc bươu vàng, sâu năn ngay từ đầu vụ...

Theo kế hoạch, vụ đông xuân này toàn tỉnh gieo sạ 26.500ha, tập trung gieo sạ từ ngày 20/12/2022-10/1/2023. Sở NN-PTNT đang phối hợp với các địa phương, đơn vị trong tỉnh nạo vét kênh mương, bờ vùng, bờ thửa; gia cố bờ đập, tiến hành kiểm tra sửa chữa, tu bổ công trình. Cùng với đó, đơn vị còn thường xuyên theo dõi nguồn nước để điều chỉnh việc cấp nước và sản xuất phù hợp với thực tế; tùy theo thời gian sinh trưởng của từng giống lúa và điều kiện cụ thể bố trí gieo sạ gọn, tập trung theo từng vùng, để thu hoạch lúa khoảng trung tuần tháng 4/2023.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT

NGỌC HÂN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/290651/san-sang-cho-vu-san-xuat-lua-dong-xuan.html