Sẵn sàng chuẩn bị triển khai mô hình kiểm tra chuyên ngành mới
Sau tròn 1 năm Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công tác chuẩn bị để chính sách đi vào cuộc sống cơ bản đã sẵn sàng.
Hiện nay, bản dự thảo mới nhất về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu đã được lấy ý kiến thành viên Chính phủ trước khi chính thức ban hành.
Việc thay đổi mô hình kiểm tra chuyên ngành là bước ngoặt lớn cho hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.
Tiết kiệm thời gian, chi phí tối đa
Cách đây tròn 1 năm, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 38/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Đề án đưa ra 7 nội dung cải cách, trong đó điểm đặc biệt chính là giao cơ quan Hải quan là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; thực hiện kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra; bổ sung đối tượng được miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm,…
Theo đó, lực lượng hải quan sẽ chủ trì thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu đối với các mặt hàng về lương thực thực phẩm, trừ hàng liên quan đến an ninh quốc phòng, kiểm dịch về thú y.
Theo mô hình mới, hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu được thực hiện tại bộ quản lý ngành, lĩnh vực hoặc cơ quan hải quan theo lựa chọn của tổ chức, doanh nghiệp.
Trường hợp thực hiện tại cơ quan Hải quan, cơ quan Hải quan giải quyết thủ tục hải quan cùng với thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm.
Ông Mai Xuân Thành – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết: Mô hình mới về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm sẽ áp dụng hiệu quả ba phương thức kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm; ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin, áp dụng thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro… Như vậy, với doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật, lịch sử tốt sẽ được hưởng phương thức kiểm tra giảm.
Chi phí tiết kiệm được cho doanh nghiệp trong 1 năm nhờ số ngày cắt giảm là hơn 881 tỷ đồng (xấp xỉ 37,8 triệu USD). Ước tính giá trị tiết kiệm cho nền kinh tế khi áp dụng mô hình mới lên đến 399 triệu USD mỗi năm.
Theo đánh giá độc lập của Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ, mô hình mới sẽ tiết kiệm, cắt giảm thời gian và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Tỷ lệ số tờ khai kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm trong một năm cắt giảm được theo Mô hình mới so với Mô hình hiện tại khoảng 54,4% (chưa tính đến việc giảm số lô hàng kiểm tra do Đề án đề xuất tăng đối tượng được miễn kiểm tra).
Tổng số ngày kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm doanh nghiệp tiết kiệm được khi áp dụng mô hình mới so với mô hình hiện tại trong 1 năm là 2.484.038 ngày.
Chi phí tiết kiệm được cho doanh nghiệp trong 1 năm nhờ số ngày cắt giảm là hơn 881 tỷ đồng (xấp xỉ 37,8 triệu USD). Ước tính giá trị tiết kiệm cho nền kinh tế khi áp dụng mô hình mới lên đến 399 triệu USD mỗi năm.
Doanh nghiệp đánh giá cao những cải cách mới
Để triển khai Đề án, ngay sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã bắt tay vào xây dựng dự thảo Nghị định quy định về kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm.
Dự thảo được xây dựng trên tinh thần bám sát nguyên tắc đã được nêu tại Quyết định 38/QĐ-TTg; tuân thủ đúng theo quy định của Luật Hải quan, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật An toàn thực phẩm, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật…, đồng thời bám sát các chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong nhiều năm qua về cải cách toàn diện công tác quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu.
Đổi mới kiểm tra chuyên ngành sẽ tiết kiệm trên 1.300 tỷ đồng cho doanh nghiệp mỗi năm
Từ vụ “tắc” lô hàng hơn 22.000 hộp sữa viện trợ: Đến lúc phải thay "áo mới" cho kiểm tra chuyên ngành
Tinh thần cải cách nhìn từ minh bạch chính sách kiểm tra chuyên ngành
Trong gần 1 năm qua, hàng chục cuộc họp bàn trong nội bộ ngành Hải quan, ngành Tài chính; hàng trăm cuộc xin ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức nước ngoài, các bộ ngành liên quan đã được Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) thực hiện bằng cả văn bản và trực tiếp để hoàn thiện nội dung của bản dự thảo này.
Nội dung được quan tâm nhất trong dự thảo Nghị định là cụ thể hóa việc “cơ quan hải quan sẽ thực hiện kiểm tra chuyên ngành”. Có nghĩa là, doanh nghiệp chỉ nộp hồ sơ, còn hải quan có trách nhiệm đưa vào hệ thống để các bộ, ngành lấy thông tin và trên cơ sở danh mục, tiêu chuẩn, quy chuẩn về kiểm tra chuyên ngành để cơ quan hải quan thực hiện.
Như trước đây, doanh nghiệp sẽ phải đi từng đơn vị liên quan để làm từng thủ tục. Việc này sẽ rút ngắn thời gian thông quan, tiết kiệm được rất nhiều kinh phí cho doanh nghiệp. Thời gian thông quan sẽ giảm đi rất nhiều, bên cạnh đó là giảm chi phí lấy mẫu, chi phí gửi tài liệu, đi lại,…
Tương tự với việc lấy mẫu, hiện nay, doanh nghiệp nhập lô nào phải đi kiểm tra chuyên ngành lô đó, dù lô hàng to hay nhỏ cũng phải lấy mẫu đi kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm.
Nhưng tới đây, khi áp dụng mô hình kiểm tra mới, các tập đoàn lớn có các sản phẩm đã được đăng ký bản quyền ở Việt Nam thì hải quan "không kiểm tra theo lô, lô nào cũng kiểm tra, mà theo rủi ro", trường hợp phát hiện vi phạm thì lô hàng sẽ bị đình chỉ toàn bộ và kiểm tra ở tất cả các cửa khẩu để ngăn chặn.
Trong suốt quá trình xây dựng dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) nhận được rất nhiều ý kiến tham gia.
Về cơ bản, các bộ, ngành đều khẳng định sự đồng thuận, thống nhất cao về chủ trương cải cách của Chính phủ về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm theo Nghị quyết 99/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 38/QĐ-TTg.
Các hiệp hội, doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao những nội dung cải cách tại dự thảo Nghị định, mong muốn Chính phủ sớm ban hành Nghị định để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Các tổ chức quốc tế, thành viên WTO cũng bày tỏ sự đồng thuận cao đối với dự thảo Nghị định, đồng thời có một số góp ý để làm rõ hơn quy định tại dự thảo Nghị định cũng như đảm bảo mục tiêu tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Một số ý kiến có sự khác nhau giữa các bộ, ngành, cơ quan soạn thảo đã nghiêm túc tổng hợp, tiếp thu để hoàn thiện dự thảo hoặc giải trình lại với các đơn vị, tổ chức tham gia, báo cáo Chính phủ để xin ý kiến đối với các ý kiến không tiếp thu hoặc chưa thống nhất.
Qua trao đổi với TBTCVN, sáng 24/1, ông Đào Duy Tám – Phó Cục trưởng Cục Giám sát và quản lý hải quan, Tổng cục Hải quan cho hay, bản dự thảo Nghị định mới nhất hiện đã được xin ý kiến các thành viên Chính phủ trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt./.