Sẵn sàng đón làn sóng M&A hậu Covid-19
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng thị trường Mua bán–- Sáp nhập (M&A) Việt Nam vẫn cho thấy sự phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, sẽ có một làn sóng M&A lớn đổ bộ vào Việt Nam hậu Covid-19, trong khi đó, với những thách thức về hạ tầng, công nghệ, lao động và năng lực hiện có, liệu Việt Nam có thể tiếp nhận được hết các nguồn đầu tư lớn này?.
Điểm sáng M&A của khu vực
Số liệu đưa ra từ Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập (M&A) doanh nghiệp Việt Nam thường niên lần thứ 12, cho thấy trong hơn một thập kỷ qua, thị trường M&A Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với hàng ngàn giao dịch, đạt tổng giá trị gần 50 tỉ USD. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động đầu tư và thương mại quốc tế. Trong đó, giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam năm 2020 có sự suy giảm, ước đạt 3,5 tỉ USD, bằng 48,6% so với năm 2019.
Mặc dù có sự giảm sút trong năm 2020, nhưng với việc đạt được “mục tiêu kép” vừa kiểm soát được đại dịch Covid-19, vừa duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội; đặc biệt, mức tăng trưởng được Chính phủ dự báo dương trên 2%, trong khi nhiều nước trên thế giới có mức tăng trưởng âm cho thấy; hoạt động M&A tại Việt Nam được dự báo có thể hồi phục trở lại từ giữa năm 2021.
Cụ thể, theo Viện Nghiên cứu đầu tư và mua bán sáp nhập (CMAC), thị trường M&A Việt Nam sẽ hồi phục theo mô hình chữ V trong giai đoạn 2021-2022. Trong đó, thị trường có thể phục hồi về mức 4,5 - 5 tỉ USD vào năm 2021 trước khi bật mạnh hơn, trở lại với giá trị 7 tỉ USD vào năm 2022. Các lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản, công nghiệp vẫn sẽ là tâm điểm thu hút M&A trong năm 2021.
Đứng đầu bảng trong nhóm ngành truyền thống vẫn là lĩnh vực tài chính-ngân hàng. Tiếp bước các thương vụ đình đám M&A trong năm 2019 - 2020 như KEB Hana Bank và BIDV trị giá 878 triệu USD; Sumitomo Life bỏ 173 triệu USD mua cổ phần của Bảo Việt… hiện nhiều ngân hàng khác như Vietcombank, Nam A Bank, SCB, NCB đang lên kế hoạch chào bán cổ phần, phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài. Những động thái này hứa hẹn, năm 2021 sẽ là năm “khủng” của các thương vụ M&A trong ngành ngân hàng.
Ông Nicolas Audier, Chủ tịch EuroCham nhận định, thị trường M&A Việt Nam sẽ bật tăng trở lại trong giai đoạn bình thường mới khi hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cũng như Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực RCEP vừa ký kết, đây là động lực đẩy các giao dịch M&A từ châu Âu qua Việt Nam. Ngoài ra, tại thị trường Việt Nam, một yếu tố khác được kỳ vọng sẽ bùng nổ trong hoạt động M&A đó là lĩnh vực cơ sở hạ tầng (lĩnh vực này trước đó đã bị ngừng trệ vì dịch bệnh). EVFTA sẽ bảo hộ cho các nhà đầu tư giữa các bên, giúp các doanh nghiệp có sự gắn kết đầu tư qua lại…
Tiềm ẩn nhiều thách thức
Cùng với việc kiểm soát tốt dịch Covid-19, cũng như tiềm năng lớn trong đầu tư, phát triển kinh tế; hoạt động M&A tại Việt Nam được đánh giá là đang có môi trường thuận lợi để gia tăng. Nhưng theo các chuyên gia, hoạt động M&A sẽ gặp rất nhiều thách thức trong thời gian tới. Và một trong những thách thức đó là sự chuyển đổi số, lao động, công nợ…
Ông Denis Brunetti, Chủ tịch Tập đoàn Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào cho hay, một trong những vấn đề được quan tâm hiện nay đó chính là công nghệ, bởi tất các các công ty, doanh nghiệp, thực phẩm…đều phải cần đến công nghệ. Chuyển đổi số không thể thiếu và sẽ giúp quá trình M&A hoàn thiện hơn. Do đó, các doanh nghiệp cần phải chuyển đổi số để cạnh tranh tốt hơn. Bên cạnh đó, cần tận dụng các Hiệp định EVFTA, CPTPP đưa Việt Nam là điểm đến đầu tư, điểm đến M&A hấp dẫn cho nhà đầu tư thế giới, thì phải nâng cao năng lực số.
“Chỉ khi làm điều đó mới tận dụng được làn sóng đầu tư bên ngoài từ các hiệp định này, qua đó, giúp Việt Nam trở thành thị trường năng động và điểm đến hấp dẫn: ổn định chính trị, nhiều hiệp định ký kết; nền tảng số đang được cải thiện và triển khai, kể cả blockchain, lực lượng lao động siêng năng”, ông Denis Brunetti nhấn mạnh.
Cùng với những thách thức trong vấn đề chuyển đổi số được nêu trên, ông Phạm Duy Khương, Giám đốc Công ty ASL Law cũng đề cập đến một số thách thức hậu M&A trong đó nhấn mạnh đến các vấn đề liên quan đến tranh chấp về lao động. Theo ông Khương, thường ở các doanh nghiệp Việt Nam, khi xuất hiện chủ sở hữu mới, người lao động cũ sẽ xôn xao và xuất hiện các vấn đề lao động mới. Bên cạnh đó, vấn đề tài chính công nợ, vấn đề pháp lý…trong M&A mặc dù đã thẩm định kỹ lưỡng, nhưng cũng không lường trước hết được 100% vấn đề trong một thương vụ, luôn có khoảng trống nhất định để lại cho các bên.
“Chẳng hạn, công ty có nghĩa vụ, cam kết nào đó, hoặc vi phạm pháp luật mà không nói bên mua để ngầm xử lý, thì có thể trở thành áp lực cho bên mua sau khi tiếp nhận công ty. Hậu pháp lý có thể kể đến khác là sự hợp tác giữa bên mua-bán không nồng thắm như ban đầu, chẳng hạn có hay không việc rút ruột công ty trước khi bán, đưa lĩnh vực tiềm năng sang công ty khác…”, ông Phạm Duy Khương nêu.
Cùng với những thách thức đã đề cập, một trong những vấn đề được đặt ra tại Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập (M&A) doanh nghiệp Việt Nam thường niên lần thứ 12 đó chính là năng lực của Việt Nam. Theo các chuyên gia nhận định, với dự báo sẽ có một làn sóng M&A lớn đổ bộ vào Việt Nam hậu Covid-19, cũng như dự báo trong năm 2021, một số doanh nghiệp sẽ rời khỏi Trung Quốc và tìm đến Việt Nam liên quan đến vấn đề thương mại giữa Trung Quốc – Hoa Kỳ…thì với năng lực hiện có, đặc biệt là một số vướng mắc trong chính sách, liệu Việt Nam có thể đón tiếp được hết các nguồn đầu tư lớn này?.
Trước băn khoăn trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho hay, năm 2021, Việt Nam sẽ triển khai thay đổi một loạt chính sách tạo không gian phát triển thu hút các nhà đầu tư để lấp đầy tỷ lệ đầu tư tại các khu công nghiệp (mới lấp đầy khoảng 60%). Chỉ tính riêng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2020, Bộ đã chủ trì soạn thảo và trình Chính phủ, Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với nhiều cải cách…tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong đầu tư, kinh doanh, trong đó có hoạt động M&A.
Song song với đó, Chính phủ đã chuẩn bị sẵn sàng các yếu tố cơ bản nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư như cơ sở hạ tầng, đất đai, mặt bằng, đào tạo nguồn nhân lực, cải cách thể chế…Đặc biệt, Chính phủ cũng đang chỉ đạo Bộ Công Thương có các chính sách để đáp ứng được việc cung cấp năng lượng cho phát triển. Đồng thời, việc cải thiện năng lực của các công chức làm công tác tiếp nhận vốn đầu tư cũng sẽ được chú trọng.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/san-sang-don-lan-song-ma-hau-covid-19-115927.html