Sẵn sàng đồng hành với các bạn trẻ trước ngưỡng cửa cuộc đời
Dù sinh sống, học tập, làm việc ở xa quê nhưng chị NGUYỄN THỊ NGA, người đồng sáng lập Chương trình Ngày hội tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp tỉnh Quảng Trị và cộng sự vẫn luôn hướng về nơi chôn nhau, cắt rốn bằng một cách rất riêng, đó là giúp các học sinh THPT tìm ra con đường tương lai phù hợp nhất. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với chị về hành trình bền bỉ suốt 7 năm qua.
Hỗ trợ học sinh chọn nghề, chọn trường
- Chào chị! Trước tiên, xin cảm ơn chị đã dành thời gian trò chuyện với phóng viên Báo Quảng Trị. Chị có thể chia sẻ với mọi người đôi nét về bản thân?
- Mình là Nga. Tính đến nay, mình có hơn 10 năm học tập và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Khi mới chân ướt, chân ráo bước vào giảng đường, mình đã được các anh chị là thành viên Câu lạc bộ (CLB) Sinh viên, cựu sinh viên Quảng Trị tại TP. Hồ Chí Minh truyền cảm hứng, dẫn dắt tham gia nhiều hoạt động cộng đồng như: “Chào đón tân sinh viên”, “Tiếp sức mùa thi”…
Qua hoạt động, mình trưởng thành hơn và luôn mong muốn được tiếp bước, dẫn dắt thế hệ sinh viên kế cận tiếp nối những hoạt động ý nghĩa của CLB. Vì thế, dù bận rộn thế nào, mình cũng cố gắng dành thời gian tham gia các hoạt động của CLB Sinh viên, cựu sinh viên Quảng Trị tại TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là những hoạt động hướng về quê nhà.
- Tại sao chị lại chọn cách hướng về quê nhà thông qua việc hỗ trợ các bạn học sinh trước ngưỡng cửa chọn nghề, chọn trường?
- Năm 2015, khi còn là sinh viên năm 3, mình có cơ hội được tham gia vào đội ngũ đại sứ sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Luật. Nhiệm vụ của chúng mình là cung cấp thông tin về trường cho các em học sinh. Thời điểm ấy, trong lòng mình xuất hiện một nỗi trăn trở. Mình thấy các tỉnh lân cận đều có những chương trình tư vấn tuyển sinh rất chuyên nghiệp cho học sinh. Trong khi đó, ở Quảng Trị, kênh thông tin duy nhất của một bộ phận không nhỏ học sinh trước ngưỡng cửa cuộc đời chỉ là cuốn sổ tay “Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng”.
Cũng thời điểm đó, mình có duyên gặp người chồng hiện tại và nghe câu chuyện nghề của anh. Mong muốn chế tạo ra những chú robot nhưng vì không có đủ thông tin nên chồng mình đã chọn nhầm ngành học. Ở cùng phòng ký túc xá với mình, một cô bạn cũng vì chọn nhầm ngành mà phải quyết định bỏ học giữa chừng để làm lại từ đầu.
Những điều mắt thấy, tai nghe này đã thôi thúc vợ chồng mình và 2 người anh khác quyết tâm thực hiện Chương trình Ngày hội tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp tỉnh Quảng Trị theo một cách mới. Chúng mình hy vọng sẽ phần nào đó giúp các em học sinh chọn được nghề, ngành, trường phù hợp với năng lực, sở thích, điều kiện của bản thân và gia đình.
- Chị và đồng sự đã nỗ lực như thế nào để đưa ý tưởng thành hiện thực và biến nó thành một hoạt động thường niên?
- Vì không phải là những người chuyên trong hoạt động hướng nghiệp nên thời gian đầu, mình và đồng sự khá vất vả. May mắn là chúng mình đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều anh chị đồng hương đang hoạt động trong lĩnh vực hướng nghiệp cũng như các nhóm hoạt động tư vấn tuyển sinh của các tỉnh.
Năm đầu tiên tổ chức, chúng mình chỉ tổ chức chương trình tại một điểm trường, thu hút sự tham gia của khoảng 100 học sinh; 50 thành viên ban tổ chức; 5 khách mời hướng nghiệp… Kinh phí tổ chức chương trình lúc ấy chỉ vỏn vẹn 3 triệu đồng do Ban liên lạc Đồng hương Quảng Trị tại TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ.
- Vậy qua 7 năm tổ chức, Chương trình Ngày hội Tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp tỉnh Quảng Trị đã có bước phát triển như thế nào?
- Chương trình Ngày hội Tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp tỉnh Quảng Trị 2023 đánh dấu một mốc quan trọng của chúng mình. Năm nay, lần đầu tiên chương trình được đưa đến 3 điểm trường THPT, thu hút sự tham gia của hơn 2.000 học sinh; 250 thành viên ban tổ chức; 50 khách mời hướng nghiệp…
Chúng mình nhận được sự hỗ trợ kinh phí tổ chức, học bổng từ rất nhiều trường đại học, cao đẳng, doanh nghiệp và cá nhân hảo tâm trên khắp cả nước.
Một điều đáng tự hào nữa là qua 2 năm dịch bệnh, không thể tổ chức được chương trình trực tiếp, hơn 100 sinh viên Quảng Trị đã cùng nhau lập trình, xây dựng website hocgi.vn lưu trữ toàn bộ những thành quả của các chương trình trước đó.
Năm nay, khi chúng mình quay trở lại, website đã trở thành 1 công cụ đắc lực giúp các em học sinh dễ dàng hơn trong việc chọn nghề, ngành, trường. Chỉ sau 7 ngày ra mắt, website đã đón nhận được hơn 1.000 lượt truy cập; 95% học sinh đánh giá tốt và vẫn tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Đây hứa hẹn không chỉ là kênh chia sẻ thông tin cho học sinh tỉnh nhà mà còn là công cụ đắc lực cho học sinh trên khắp cả nước.
Gỡ rối, gỡ khó cho học sinh
- Là người trực tiếp định hướng, tư vấn nghề cho học sinh trong tỉnh, chị nhận thấy vấn đề chủ yếu mà các bạn trẻ hiện nay đang phải đối mặt là gì?
- Vấn đề khiến mình trăn trở nhất là rất nhiều học sinh trong tỉnh vẫn chưa biết được ngành, nghề phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân; hiểu sai ngành, nghề muốn theo đuổi hoặc chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc chọn nghề, ngành trước khi chọn trường. Một số học sinh đã và đang phải đối mặt với áp lực rất lớn từ gia đình. Chúng mình đã gặp rất nhiều trường hợp bật khóc trong phòng tham vấn tâm lý vì không tìm được tiếng nói chung với ba mẹ.
- Chị và đồng sự đã làm gì để góp phần gỡ rối, gỡ khó cho các em?
- Để hỗ trợ học sinh chọn được ngành nghề phù hợp với năng lực, sở thích, chúng mình đã nhờ tới sự trợ giúp của các phương pháp khoa học, đơn cử như bài trắc nghiệm phân loại tính cách MBTI. Mới nhất, chúng mình kết hợp bài trắc nghiệm này với sinh trắc vân tay để giúp học sinh có thêm công cụ nắm bắt thông tin, phần nào hiểu được bản thân thích gì và có thể làm tốt những nghề ngành nào.
Bên cạnh đó, chúng mình cũng đầu tư nhiều thời gian để tìm kiếm và mời các anh chị dày dạn kinh nghiệm trong các lĩnh vực để chia sẻ về công việc thực tế cũng như giải đáp các thắc mắc của học sinh, giúp các em có cái nhìn đúng nhất về ngành nghề muốn theo đuổi.
Thay vì tổ chức theo hình thức cũ là diễn giả nói học sinh lắng nghe, chúng mình chú trọng tư vấn 1:1 hoặc trò chuyện với một nhóm nhỏ học sinh có chung lĩnh vực quan tâm để các bạn được lắng nghe và được giải đáp thắc mắc kỹ hơn. Sau khi cung cấp công cụ và thông tin để học sinh chọn được ngành nghề phù hợp, chúng mình hướng dẫn học sinh đến với khu vực có các đại sứ sinh viên để được cung cấp thông tin tuyển sinh chọn trường đại học, cao đẳng.
Để gỡ rối cho học sinh, chúng mình đã chọn lựa và đào tạo cực kỳ cẩn thận đối với các bạn làm nhiệm vụ tham vấn tâm lý. Với kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng của mình, các bạn có thể tạo được sự tin tưởng, lắng nghe những tâm sự thầm kín từ học sinh và đưa ra lời khuyên phù hợp. Mặc dù không thể giải quyết được hết những lo lắng của học sinh nhưng mình tin chắc phòng tham vấn tâm lý đã làm tốt vai trò như một trạm dừng chân, giúp các em phần nào gỡ bỏ được áp lực tâm lý để vững bước hơn cho con đường còn nhiều khó khăn phía trước.
- 7 năm gắn bó với chương trình, chắc hẳn chị có rất nhiều kỷ niệm. Chị có thể chia sẻ những kỷ niệm đó với độc giả Báo Quảng Trị?
- Với mình, kỷ niệm vui nhất là những sáng chủ nhật hằng tuần được đón các em sinh viên đến căn chung cư nhỏ của hai vợ chồng để chuẩn bị cho công tác tổ chức của chương trình và cùng dùng bữa trưa. Những lúc đó, mình không chỉ cảm nhận được nhiệt huyết của tuổi trẻ, quyết tâm hướng về quê hương mà còn cảm thấy đây là một gia đình thứ hai - nơi mà mọi người có thể thỏa thích nói giọng quê, ăn món quê và giúp đỡ lẫn nhau.
Kỷ niệm buồn nhất là cách đây không lâu, mình tư vấn cho một học sinh vì quá áp lực trước kỳ vọng của ba mẹ mà phải chọn một ngành không yêu thích. Nhìn thấy đôi mắt em ngấn lệ, đôi vai nhỏ bé run lên lúc dốc bầu tâm sự, mình thực sự không cầm được nước mắt. Mình cảm thấy bản thân quá nhỏ bé để có thể giúp đỡ hết các em vượt qua ngưỡng cửa quan trọng này. Tuy nhiên, đây cũng chính là một động lực lớn lao để mình cố gắng hơn nữa nhằm làm nên nhiều sự thay đổi.
- Phải chăng nỗi buồn, sự trăn trở đó cũng chính là một trong những lý do mà chị và người bạn đời của mình gắn bó lâu dài với chương trình này?
- Đúng như vậy. Mình rất may mắn khi nhận được sự ủng hộ, đồng hành của người bạn đời trong các hoạt động xã hội nói chung và chương trình tư vấn tuyển sinh nói riêng. Mặc dù công việc rất bận rộn nhưng anh vẫn dành nhiều tâm huyết xây dựng website hocgi.vn và nhiều công cụ khác để mình cùng các em sinh viên chạy chương trình hiệu quả hơn. Ngoài ra, anh còn được các bạn sinh viên gọi đùa là “nhà tài trợ kim cương suốt đời” vì luôn đứng đằng sau hỗ trợ tài chính để chúng mình mạnh dạn thực hiện nhiều ý tưởng, ngay cả khi không nhận được nhiều sự tài trợ từ các tổ chức, cá nhân khác.
- Thời gian tới, chị cùng đồng sự dự kiến sẽ làm gì để tiếp sức cho thêm nhiều học sinh Quảng Trị?
- Chắc chắn chúng mình sẽ tiếp tục dành nhiều thời gian để xây dựng và phát triển nội dung cho website hocgi.vn giúp các em có thêm công cụ chọn nghề, ngành, trường phù hợp. Bên cạnh đó, đội ngũ ban tổ chức sẽ tiếp tục các hoạt động tư vấn online và chuẩn bị cho Chương trình Ngày hội Tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp tỉnh Quảng Trị 2024 đến với nhiều huyện trên địa bàn tỉnh hơn. Chúng mình luôn sẵn sàng đồng hành với các bạn trẻ Quảng Trị trước ngưỡng cửa cuộc đời và xa hơn thế!
- Xin cảm ơn chị!