Sẵn sàng đưa Luật Địa chất và khoáng sản vào cuộc sống
Có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7 tới đây, Luật Địa chất và khoáng sản đánh dấu một bước tiến lớn trong công tác quản lý, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên khoáng sản. Để những chính sách mới thực sự đi vào cuộc sống, công tác xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đi kèm đang được thực hiện kỹ càng và tâm huyết.
Nhân dịp đầu năm mới Ất Tỵ 2025, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Trường Giang, Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam ( Bộ Tài nguyên và Môi trường) chung quanh vấn đề này.
- Phóng viên: Xin Cục trưởng chia sẻ những mục tiêu trọng tâm của ngành Địa chất và khoáng sản trong việc xây dựng kế hoạch triển khai thi hành Luật Địa chất và khoáng sản?
Cục trưởng Nguyễn Trường Giang: Năm 2024, Luật Địa chất và khoáng sản đã được Quốc hội thông qua, đánh dấu một bước tiến lớn trong công tác quản lý, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên khoáng sản. Ngay sau khi Luật được Quốc hội thông qua, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thi hành Luật. Mục tiêu trọng tâm là xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật, bao gồm các Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành Luật, bảo đảm tính đồng bộ, khả thi và phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xây dựng chương trình hành động cụ thể, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương để bảo đảm Luật sớm đi vào cuộc sống. Trong đó sẽ tập trung vào công tác phổ biến, tuyên truyền nội dung các điểm mới của Luật tới các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả giám sát hoạt động khai thác khoáng sản và ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý hoạt động khoáng sản.
Phóng viên: Việc xây dựng các văn bản dưới Luật, cụ thể là các Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành Luật, đã và đang được thực hiện như thế nào, thưa Cục trưởng?
Cục trưởng Nguyễn Trường Giang: Hiện tại, hai đơn vị quản lý nhà nước về địa chất và khoáng sản đang tập trung xây dựng các Nghị định và Thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Địa chất và khoáng sản. Cụ thể, đã hoàn thiện việc xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Địa chất và Khoáng sản và đang xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản. Các Nghị định này đang được gửi xin lấy ý kiến góp ý của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ Biên tập và các cơ quan, tổ chức liên quan.
Bên cạnh đó, hai đơn vị cũng đang soạn thảo các Thông tư hướng dẫn, bảo đảm khi Luật có hiệu lực vào ngày 1/7/2025, toàn bộ hệ thống văn bản hướng dẫn sẽ sẵn sàng để triển khai đồng bộ. Dự kiến sẽ có các văn bản hướng dẫn cụ thể về công tác cấp phép, quản lý tài nguyên khoáng sản, trách nhiệm bảo vệ môi trường, cũng như các chế tài xử lý vi phạm.
Quá trình soạn thảo sẽ được thực hiện minh bạch, lấy ý kiến rộng rãi từ các chuyên gia, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả khi áp dụng vào thực tế.
Đặc biệt, nhằm khơi thông nguồn lực, cởi trói những vướng mắc trong việc cung cấp vật liệu san lấp phục vụ các công trình giao thông, trọng điểm quốc gia, ngay sau khi Luật được Quốc hội bấm nút thông qua, Cục Khoáng sản Việt Nam đang khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định, Thông tư hướng dẫn một số điều của Luật Địa chất và khoáng sản về khoáng sản nhóm IV trình tự thủ tục rút gọn báo cáo Bộ trình Chính phủ ban hành có hiệu lực từ ngày 15/01/2025.
Phóng viên: Trong quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, hai đơn vị Địa chất và Khoáng sản đã gặp phải những khó khăn, thách thức cụ thể nào? Và đâu là giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc này, thưa Cục trưởng?
Cục trưởng Nguyễn Trường Giang: Thách thức lớn nhất là làm sao để các quy định vừa bảo đảm tính chặt chẽ, minh bạch, nhưng cũng phải phù hợp với thực tế địa phương và dễ thực thi.
Do đó chúng tôi phải xây dựng các điều, khoản của các văn bản quy phạm pháp luật phải thống nhất cách hiểu giữa các cơ quan về nguyên tắc hoạt động khoáng sản phù hợp với quy hoạch. Ngoài ra, việc cân bằng giữa khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân cũng là một bài toán khó. Chúng tôi đã và đang tổ chức các hội thảo, tọa đàm để lắng nghe ý kiến từ nhiều bên liên quan nhằm hoàn thiện các dự thảo văn bản một cách tốt nhất.
Phóng viên: Bên cạnh việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, công tác tuyên truyền và phổ biến những điểm mới của Luật Địa chất và khoáng sản đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân đóng vai trò rất quan trọng.
Cục trưởng Nguyễn Trường Giang: Công tác tuyên truyền và phổ biến những điểm mới của Luật Địa chất và Khoáng sản là nhiệm vụ hết sức quan trọng, đóng vai trò then chốt để bảo đảm Luật được triển khai hiệu quả trong thực tiễn giúp cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân nắm vững và thực thi đúng các quy định của Luật. Để làm tốt công tác này, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết gồm:
Trước tiên, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổ chức hội tập huấn chuyên sâu dành cho các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương, cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản. Nội dung tập trung vào những điểm mới, những quy định quan trọng và các quy trình thủ tục cụ thể theo Luật mới. Đặc biệt, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và tổ chức liên quan sẽ được hướng dẫn cụ thể về quy định mới, từ thủ tục cấp phép, nghĩa vụ tài chính, đến các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác.
Chúng tôi cũng đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý ở các cấp thông qua các lớp tập huấn chuyên sâu, giúp họ nắm vững nội dung Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành để triển khai hiệu quả tại địa phương.
Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương để tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp, lắng nghe ý kiến phản hồi từ doanh nghiệp và người dân, đồng thời giải đáp các thắc mắc liên quan đến việc thực thi Luật.
Cùng với đó, chúng tôi tập trung xây dựng tài liệu hướng dẫn, sổ tay pháp luật về Luật Địa chất và khoáng sản, bảo đảm dễ hiểu, dễ tiếp cận đối với các đối tượng khác nhau, từ cán bộ quản lý đến doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, tài liệu sẽ được tích hợp trên các nền tảng trực tuyến để người dân có thể dễ dàng tiếp cận.
Chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng như báo chí, truyền hình, cổng thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến; sử dụng các kênh mạng xã hội để tiếp cận đối tượng rộng rãi hơn, đặc biệt là cộng đồng địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.
Mặt khác, hai đơn vị địa chất và khoáng sản cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong việc phổ biến thông tin, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và cổng thông tin điện tử để công khai, minh bạch các quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn.
Chúng tôi tin rằng, với kế hoạch triển khai đồng bộ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, Luật Địa chất và khoáng sản sẽ sớm đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản một cách bền vững.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Cục trưởng!