Sẵn sàng đưa tổ yến xuất ngoại

Công nhân sơ chế tổ yến tại một doanh nghiệp ở TP Tuy Hòa. Ảnh: THỦY TIÊN

Công nhân sơ chế tổ yến tại một doanh nghiệp ở TP Tuy Hòa. Ảnh: THỦY TIÊN

Cuối năm 2022, Nghị định thư về xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc đã được Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký kết, chính thức đưa sản phẩm tổ yến của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc theo đường chính ngạch. Để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu từ Trung Quốc, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và chủ nhà yến đã tập trung triển khai, hoàn thiện nhiều tiêu chuẩn từ khâu quản lý, dẫn dụ nuôi đến chế biến, sản xuất.

Nỗ lực đáp ứng các quy định

Trong tình hình hiện nay, các doanh nghiệp khi xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc nên chia nhỏ các lô hàng, khoảng 100kg/lô và có thể đi những lô nối tiếp nhau; không nên đi lô hàng quá lớn vì xác suất rủi ro sẽ rất cao khi chúng ta chưa thể kiểm soát chắc được các chỉ tiêu xét nghiệm theo nghị định thư yêu cầu.

Ông Phạm Duy Khiêm,

Phó Chủ tịch Hội Yến sào Việt Nam, Chủ tịch Hội Yến sào Phú Yên

Để có thể tham gia vào chuỗi xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc, gần 2 năm qua, ông Lê Hoài Lâm, chủ 2 nhà yến ở huyện Sông Hinh đã tiến hành đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và được giám sát dịch bệnh, được cấp mã số định danh nhà yến đảm bảo truy xuất nguồn gốc.

Ông Lâm cho hay: Nghị định thư quy định rất chặt chẽ các quy trình từ nuôi chim yến đến thu hoạch và vận chuyển tổ yến đến doanh nghiệp chế biến. Tất cả các khâu đều có sự giám sát của cơ quan thú y.

Hai nhà yến đã được cơ quan chức năng lấy 16 mẫu xét nghiệm/nhà với tổng chi phí xét nghiệm hơn 12 triệu đồng/nhà. Tất cả các mẫu đều đạt yêu cầu nên tôi đã ký kết cung cấp tổ yến thô cho Công ty CP Việt Nam Quốc Yến, tham gia vào chuỗi xuất khẩu.

Các chủ nhà yến tham gia vào chuỗi xuất khẩu tổ yến sẽ được hướng dẫn cụ thể về công tác phòng, kiểm soát dịch bệnh tại nhà yến của mình, điều này giúp hạn chế rủi ro, tránh được thiệt hại.

Theo nhiều chủ nhà yến, từ khi tham gia vào chuỗi xuất khẩu, các kiến thức về công tác thú y từ trung ương và Trung Quốc yêu cầu đều được cơ quan chức năng cập nhật liên tục, giúp họ thích ứng kịp thời để có thể bảo vệ nhà yến của mình từ sớm, hạn chế việc xảy ra sai sót trong vấn đề thú y, dẫn đến những sự việc không hay như đóng cửa nhà yến, xử lý đàn yến…

Chủ nhà yến còn được hướng dẫn quy trình chăm sóc, bảo trì nhà yến đúng kỹ thuật; được tập huấn về bảo quản, thu hái tổ yến giúp tổ yến đẹp, trắng và lớn hơn nên giá thành bán ra cao hơn. Ngoài ra, các chủ nhà yến khi ký kết với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu sẽ được bao tiêu sản phẩm nên không phải lo lắng về đầu ra…

Hiện Phú Yên có 3 vùng nuôi chim yến gồm TP Tuy Hòa, TX Đông Hòa, huyện Sông Hinh đã được đưa vào vùng nuôi để thu mua nguyên liệu với khoảng 50 nhà yến ký kết hợp tác cung cấp nguyên liệu phục vụ xuất khẩu tổ yến. Các nhà yến này đã được cơ quan chức năng thu mẫu và xét nghiệm đảm bảo yêu cầu.

Các doanh nghiệp xuất khẩu tổ yến cũng phải đảm bảo khá nhiều quy định của Trung Quốc.

Tính đến nay, cả nước có hơn 100 hồ sơ nộp cho cơ quan chức năng của Việt Nam, và đã có 45 hồ sơ được xét duyệt, chuyển sang Hải quan Trung Quốc. Trong số này, Trung Quốc duyệt hồ sơ của 7 công ty và cấp quota xuất khẩu cho các công ty này. Đến nay, các công ty đã có những lô tổ yến đầu tiên được xuất khẩu thành công sang Trung Quốc. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng cho ngành Yến của Việt Nam.

Ông Phạm Duy Khiêm, Phó Chủ tịch Hội Yến sào Việt Nam, Chủ tịch Hội Yến sào Phú Yên cho biết: Để được xét duyệt hồ sơ, cấp mã xuất khẩu thì doanh nghiệp phải đảm bảo tất cả các điều kiện về nhà xưởng, trang thiết bị, công nhân, quy trình sản xuất theo quy định của Trung Quốc.

Khi đó, các cơ quan chức năng và Trung Quốc mới xét duyệt, nếu đảm bảo các yêu cầu sẽ được cấp mã số, quota xuất khẩu. Vì vậy, các doanh nghiệp muốn tham gia xuất khẩu tổ yến cần thiết phải liên hệ với cơ quan chức năng để được hướng dẫn theo đúng quy trình bắt buộc.

Tích cực hỗ trợ

Quy định từ Trung Quốc, khi một lô tổ yến xuất khẩu, Trung Quốc sẽ thực hiện xét nghiệm tại chỗ 3 mẫu/lô. Trong đó, 3 chỉ tiêu quan trọng mà Trung Quốc sẽ xét nghiệm, kiểm soát chặt trước khi cho nhập khẩu gồm vi khuẩn salmonella, virus H5N1 và boxit nhôm. Nếu phát hiện 1 trong 3 mẫu này có các thành phần nằm trong bảng cấm của quy định thì lô hàng sẽ bị đình lại để giải quyết. Hiện Việt Nam chưa có lô hàng nào bị sai chỉ tiêu.

Thu hoạch tổ yến tại một nhà nuôi chim yến ở TP Tuy Hòa. Ảnh: THỦY TIÊN

Thu hoạch tổ yến tại một nhà nuôi chim yến ở TP Tuy Hòa. Ảnh: THỦY TIÊN

Nhưng theo nghị định thư, khi phát hiện các mẫu có thành phần nằm trong bảng cấm thì toàn bộ lô hàng sẽ bị tiêu hủy tại Trung Quốc. Đây là điều lo lắng nhất của các doanh nghiệp xuất khẩu tổ yến Việt Nam hiện nay.

Đặc biệt, vừa qua, 1 lô tổ yến của Malaysia khi nhập khẩu vào Trung Quốc đã bị đình chỉ, xử lý vì nhiễm boxit nhôm, điều này càng khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu tổ yến của Việt Nam thêm bất an.

Theo Công ty CP Việt Nam Quốc Yến (tỉnh An Giang), mỗi lô tổ yến xuất khẩu thường có giá trị từ 4-40 tỉ đồng. Trong khi đó, hiện nay, kết quả xét nghiệm tổ yến tại các trung tâm/viện xét nghiệm của Việt Nam có chỉ định của Bộ NN&PTNT không được Trung Quốc chấp nhận, nên chưa thể kiểm soát chắc được các chỉ tiêu yêu cầu của lô hàng trước khi xuất khẩu.

Các doanh nghiệp xuất khẩu tổ yến rất mong muốn cơ quan chức năng sớm làm việc, thỏa thuận với Trung Quốc để công nhận kết quả xét nghiệm tương đương của trung tâm/viện xét nghiệm giữa hai nước trong thời gian tới.

Mới đây, tại hội nghị phổ biến các quy định và cam kết về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động vật, thực vật do Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam tổ chức, đại diện Hội Yến sào Việt Nam đã có ý kiến về vấn đề xét nghiệm tương đương mà hai nước sẽ chấp nhận với nhau. Có như vậy thì doanh nghiệp xuất khẩu sẽ an tâm hơn khi tham gia vào chuỗi xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc.

Ngoài ra, để hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp tiếp cận với xu hướng thị trường tiêu thụ tổ yến của Trung Quốc, Hội Yến sào Phú Yên vừa tổ chức tập huấn sơ chế tổ yến nâng cao phục vụ xuất khẩu với sự tham gia của các doanh nghiệp 7 tỉnh, thành.

Chị Phan Thị Thúy Hồng, chủ nhà yến Hồng Châu (huyện Sông Hinh) cho biết: Trong 3 ngày tham gia lớp tập huấn, chúng tôi đã thực hành sơ chế tổ yến trong quy trình khép kín, đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hành làm các mẫu tổ yến theo yêu cầu của đối tác Trung Quốc. Các mẫu tổ yến thành phẩm được hướng dẫn tại lớp có mẫu mã rất đẹp. Tôi sẽ triển khai cho thợ của cơ sở làm theo mẫu mới để đưa ra thị trường.

Ông Phạm Duy Khiêm cho hay: Thời gian tới, Hội Yến sào Việt Nam, Hội Yến sào Phú Yên sẽ tiếp tục tổ chức những đợt tập huấn về an toàn vệ sinh thú y cho nhà yến, an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất cho các chủ nhà yến, cơ sở sản xuất trong toàn tỉnh; tăng cường phối hợp hướng dẫn các doanh nghiệp về quy trình đăng ký tham gia xuất khẩu tổ yến.

Theo Hội Yến sào Phú Yên, tỉnh hiện có hơn 900 nhà yến với sản lượng khoảng 2 tấn/năm. Đàn yến của tỉnh đang dần phục hồi, với tỉ lệ tăng đàn khoảng 30% so với năm ngoái. Nguyên nhân là nhờ vùng thức ăn của chim yến được phục hồi, ban bảo vệ chim yến và các địa phương tích cực ngăn chặn tình trạng bẫy bắt chim yến…

THỦY TIÊN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/318031/san-sang-dua-to-yen-xuat-ngoai.html