Sẵn sàng kết nối, sử dụng hồ sơ sức khỏe cá nhân
Đến thời điểm này, đã có gần 85% người dân trong tỉnh đã được tạo lập hồ sơ sức khỏe cá nhân dựa trên thông tin từ cơ quan bảo hiểm xã hội.
Dự kiến, đến quý I-2020, Sở Y tế sẽ mời Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) vào nghiệm thu hồ sơ sức khỏe cá nhân cùng với bệnh án điện tử tại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh.
* Cơ bản hoàn thành mục tiêu
TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở y tế cho biết, thực hiện mục tiêu đến cuối năm 2019 sẽ có khoảng 85% dân số trong tỉnh được lập hồ sơ sức khỏe cá nhân, từng bước hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân tại Trung tâm dữ liệu y tế quốc gia, Sở Y tế đã phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị liên quan thực hiện xong các gói thầu gồm: in ấn mẫu hồ sơ sức khỏe cá nhân, phát cho 170 trạm y tế xã, phường, thị trấn trong tỉnh để thu thập thông tin sức khỏe của những người chưa tham gia bảo hiểm y tế; mua sắm thiết bị quét mã vạch; liên kết dữ liệu; thuê phần mềm.
Theo đó, sau khi lập hồ sơ sức khỏe cá nhân, mỗi người dân sẽ được cơ quan chức năng cấp một mã ID. Mã ID này sẽ tích hợp đầy đủ mọi thông tin liên quan đến sức khỏe của người dân từ khi được sinh ra, quá trình tiêm chủng, khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế (nếu có).
Phát biểu tại các hội nghị của ngành Y tế thời gian qua, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo ngành Y tế cần quyết tâm chủ động, phối hợp với các đơn vị liên quan để thực hiện cho được hồ sơ sức khỏe cá nhân nhằm quản lý chặt chẽ sức khỏe của người dân. Từ đó có những biện pháp để dự phòng bệnh tật hay đưa ra phương pháp điều trị bệnh đạt hiệu quả cao.
Chị Vũ Thị Kiều Oanh (ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) khi biết mình là một trong số 85% dân số của tỉnh được lập hồ sơ sức khỏe cá nhân đã rất phấn khởi. Chị Oanh chia sẻ: “Từ nhỏ đến nay, tôi không nhớ rõ là mình đã từng tiêm những vaccine phòng bệnh gì vì cha mẹ tôi không nhớ, sổ tiêm chủng thì bị thất lạc, cơ sở y tế thực hiện tiêm chủng cũng không lưu trên hệ thống. Nay, nếu có mã ID, con tôi đi tiêm vaccine sẽ được lưu trên hệ thống, khi nào cần biết con đã tiêm, chưa tiêm vaccine gì, tôi chỉ cần nhập mã ID là nắm rõ thông tin. Như vậy sẽ rất thuận tiện cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình tôi”.
* Bệnh viện sẵn sàng kết nối
Là bệnh viện đầu tiên trong tỉnh đưa vào sử dụng bệnh án điện tử tại tất cả các khoa, phòng, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh đang là đơn vị tiên phong trong ứng dụng tiến bộ công nghệ thông tin hỗ trợ hoạt động khám, chữa bệnh.
Bác sĩ Bảo Phi, Trưởng phòng Công nghệ thông tin Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh cho biết, bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng công nghệ thông tin để sử dụng đồng bộ cả bệnh án điện tử lẫn hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử.
Giám đốc Trung tâm y tế huyện Long Thành Nguyễn Thi Văn Văn cho biết, hiện nay tất cả các xét nghiệm tại trung tâm đều được quản lý trên phần mềm. Do đó, nếu đưa vào sử dụng và khai thác những thông tin được tích hợp trên hồ sơ sức khỏe cá nhân sẽ giúp khối điều trị cũng như khối dự phòng của ngành Y tế thuận tiện hơn rất nhiều trong thực hiện công việc. Người dân khi đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế có mã ID, bệnh án điện tử sẽ không còn phải thực hiện lại các xét nghiệm cận lâm sàng đã thực hiện trước đó. Qua đó giúp bác sĩ điều trị nắm rõ tình hình diễn tiến bệnh tật của bệnh nhân, căn cứ quá trình điều trị trước đó để đưa ra liệu trình điều trị phù hợp. Người dân cũng tiết kiệm được nhiều chi phí vì không phải thực hiện lại các xét nghiệm.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh, Giám đốc Bệnh viện phổi Đồng Nai cho hay: “Trong năm 2020, bệnh viện sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, các phần mềm để sẵn sàng kết nối, khai thác dữ liệu trên hồ sơ sức khỏe cá nhân cũng như chuẩn bị thực hiện bệnh án điện tử. Mục đích cuối cùng nhằm giúp người dân phát hiện sớm các bệnh liên quan đến lao, phổi, điều trị sớm để đạt được hiệu quả điều trị cao”.
Quyết định số 5349/QĐ-BYT ngày 12-11-2019 của Bộ Y tế về phê duyệt kế hoạch triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử đề ra mục tiêu đến năm 2020, tối thiểu 80% người dân trong cả nước được lập hồ sơ sức khỏe điện tử, hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân tại Sở Y tế và Trung tâm dữ liệu y tế quốc gia. Đến năm 2025, sẽ có 95% người dân trên toàn quốc có hồ sơ sức khỏe điện tử, được cập nhật thông tin sức khỏe thường xuyên và được kết nối với tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước.