Sẵn sàng mùa lễ hội an toàn, văn minh
Chỉ còn ít ngày nữa, mùa lễ hội xuân Ất Tỵ sẽ diễn ra trên khắp cả nước. Đa phần các lễ hội được tổ chức trang nghiêm, trọng thể cả về phần lễ và phần hội, tôn vinh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn hiện tượng thương mại hóa, trục lợi tâm linh, một số hành động chưa đẹp cần tiếp tục khắc phục...
Hạn chế những biểu hiện thiếu văn minh
Năm 2024 đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội truyền thống với sự ra đời của "Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội". Tại lễ hội đền Trần (Nam Định), Ban Tổ chức đã có phương án phân luồng giao thông và kiểm soát lượng người vào dâng hương, hạn chế tình trạng chen lấn. Việc phát ấn cũng được sắp xếp khoa học, không có tình trạng chen lấn, xô đẩy. Những điểm mới trong lễ hội được du khách đánh giá rất cao.
Lễ hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) cũng đã siết chặt quy trình phát lộc, giúp giảm thiểu những hình ảnh phản cảm như tranh cướp lộc. Lễ hội chùa Hương cũng có thêm nhiều bảng hướng dẫn du khách không xả rác bừa bãi và áp dụng hình thức bán vé điện tử tạo sự văn minh, minh bạch, công khai về giá, tránh thất thu ngân sách, vé giả, vé lậu trong việc kiểm soát vé.
Các Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội, công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại một số lễ hội lớn...
TS Phạm Việt Long - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu văn hóa và phát triển cho rằng, những tiêu chí của "Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội" không chỉ tạo ra khung pháp lý giúp nâng cao chất lượng lễ hội, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống mà còn góp phần hạn chế những biểu hiện thiếu văn minh. Qua mùa lễ hội năm 2024, có thể thấy một số chuyển biến tích cực, như các lễ hội được tổ chức bài bản hơn, tình trạng chen lấn, xô đẩy giảm đáng kể, và ý thức của người dân trong việc tham gia lễ hội cũng được nâng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị tích cực, việc tổ chức lễ hội có lúc, có nơi còn những hạn chế nhất định. Tại một số lễ hội vẫn còn tồn tại tình trạng đặt tiền lẻ tại các bệ thờ, tượng Phật; người ăn xin; thu tiền khi phát ấn; đổi tiền lẻ không đúng quy định của pháp luật; mời chào, chèo kéo… Việc đặt hòm công đức, đặt bát hương không đúng với điểm thờ tự gốc của di tích; tình trạng hàng quán kinh doanh lấn chiếm khuôn viên di tích vẫn tồn tại tại một số địa phương.
Theo đại diện Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL), công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động lễ hội của các cấp chính quyền địa phương được tăng cường, tuy nhiên có nơi chưa thường xuyên nên có những thời điểm chưa kịp thời chấn chỉnh các biểu hiện thương mại hóa, hiện tượng biến tướng trong hoạt động lễ hội tại một số cơ sở tín ngưỡng, di tích…
Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến những hình ảnh xấu xí vẫn còn tái diễn ở một số lễ hội, TS Phạm Việt Long cho rằng, nguyên nhân đầu tiên là ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, dẫn đến các hành vi như chen lấn, tranh cướp lộc hoặc xả rác bừa bãi. Cùng với đó là công tác quản lý và giám sát chưa thực sự chặt chẽ ở một số nơi. Công tác tuyên truyền về văn hóa lễ hội chưa thực sự sâu rộng, khiến nhiều người tham gia nhưng chưa hiểu rõ ý nghĩa và giá trị truyền thống của lễ hội đó. Nếu không có những biện pháp giáo dục cộng đồng tốt hơn, tình trạng này có thể vẫn tiếp diễn trong những mùa lễ hội sau.
Còn GS.TS Từ Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến cho những hình ảnh xấu xí ở một số lễ hội vẫn tồn tại. Trong đó, một phần là do thói quen và nhận thức của người dân. Một số người vẫn giữ những hành vi như tranh giành lộc, chen lấn, mê tín dị đoan. Cùng với đó là công tác quản lý và giám sát chưa đồng bộ, còn thiếu sự nhất quán ở các địa phương. Không phải địa phương nào cũng quan tâm đúng mức đến việc chấn chỉnh lễ hội. Do lợi ích kinh tế, một số lễ hội bị "biến tướng" thành cơ hội kiếm lời, với các hoạt động bán hàng, dịch vụ tràn lan, không kiểm soát…
Để có một mùa lễ hội văn minh, an toàn
Cả nước hiện có hơn 8.000 lễ hội, với bình quân khoảng 20 lễ hội lớn nhỏ diễn ra trong ngày, đáp ứng đời sống tinh thần vô cùng phong phú của nhân dân, đồng thời tôn vinh những nét văn hóa đa dạng, độc đáo của dân tộc. Trong đó, Hà Nội hiện có khoảng 1.500 lễ hội, phần lớn diễn ra vào đầu xuân. Vì thế, ngay từ đầu năm mới, thành phố đã yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội bảo đảm cho người dân và du khách du xuân, tham dự lễ hội an toàn, văn minh.
Hay như Bắc Giang, vùng đất giàu truyền thống văn hóa với nhiều lễ hội đặc sắc mỗi dịp đầu xuân. Nổi bật là lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm; lễ hội Yên Thế; lễ hội chùa Bổ Đà… Những lễ hội này không chỉ bảo tồn giá trị truyền thống mà còn quảng bá hình ảnh Bắc Giang đến với du khách trong và ngoài nước.
Sở VHTTDL Bắc Giang đã có công văn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo quy định, đảm bảo thiết thực, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương…
Theo TS Phạm Việt Long, để mùa lễ hội năm 2025 diễn ra văn minh hơn, cần nâng cao ý thức cộng đồng bằng cách tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, trường học và các tổ chức xã hội để giúp người dân hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa và ý nghĩa của lễ hội.
Bên cạnh đó, công tác quản lý cũng cần được siết chặt hơn. Các địa phương nên xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội cụ thể, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động dễ gây phản cảm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời, cần có biện pháp ngăn chặn tình trạng thương mại hóa quá mức, đảm bảo các lễ hội diễn ra đúng với truyền thống, tránh việc biến không gian tâm linh thành nơi buôn bán, trục lợi.
GS.TS Từ Thị Loan cho rằng, để có được mùa lễ hội năm 2025 văn minh, an toàn, không còn những tồn tại bất cập rất cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, các nhà nghiên cứu, cộng đồng dân cư và người tham gia. Quan trọng nhất là việc thay đổi nhận thức và thói quen của người dân kết hợp với các biện pháp quản lý chặt chẽ sẽ giúp lễ hội trở thành một không gian văn hóa lành mạnh, giàu ý nghĩa và mang đậm bản sắc truyền thống.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/san-sang-mua-le-hoi-an-toan-van-minh-10298814.html