Sẵn sàng mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014

Đã hoàn tất công tác chuẩn bị

Đã hoàn tất công tác chuẩn bị

Tính đến thời điểm này, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) đã hoàn tất công tác chuẩn bị để đón thí sinh (TS) từ các nơi trong cả nước về dự thi tuyển sinh năm 2014 vào các trường thành viên thuộc ĐHĐN. So với các mùa tuyển sinh trước, số lượng TS đăng ký dự thi vào các trường ĐH, CĐ thành viên ĐHĐN năm 2014 giảm đáng kể. Cụ thể, đợt 1, có 26.879 TS đăng ký dự thi, giảm 7.092 TS so với mùa tuyển sinh năm 2013; đợt II có 17.327 TS, giảm 4.545 TS; đợt 3 có 1.924 TS, giảm 899 TS.

Như vậy, tổng số TS đăng ký dự thi của cả 3 đợt vào các trường ĐH, CĐ thành viên thuộc ĐHĐN năm 2014 là 46.130 TS, giảm 12.536 TS (21,36%) so với mùa tuyển sinh 2013. Số lượng TS đăng ký dự thi giảm, nên số lượng điểm thi, phòng thi được bố trí để phục vụ cho 3 đợt tuyển sinh cũng giảm theo.

Cả 3 đợt thi, ĐHĐN bố trí 48 điểm thi với 1.241 phòng thi, giảm 351 phòng thi và 16 điểm thi so với năm 2013. Hầu hết các điểm thi năm nay đều là trường THCS, THPT, các trường ĐH, CĐ thuộc ĐHĐN, không có điểm thi là trường tiểu học nên tạo điều kiện thuận lợi, thoải mái cho các TS trong quá trình làm bài thi.

ĐHĐN cũng đã bố trí 3.409 cán bộ tham gia công tác thi bao gồm trưởng, phó điểm thi, thư ký, cán bộ coi thi và phục vụ thi. Cụ thể, đợt 1 có 1.974 người, đợt II có 1.261 người, đợt 3 có 174 người. Trong đó, đợt I, chỉ có khoảng 25% cán bộ coi thi là SV năm cuối, nên không xảy ra trường hợp cả hai cán bộ coi thi đều là SV.

TS trao đổi sau khi kết thúc kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013. Ảnh: P.T

TS trao đổi sau khi kết thúc kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013. Ảnh: P.T

Một số điểm mới trong tuyển sinh

Như Báo Công an TP Đà Nẵng đã thông tin, ngoài việc tổ chức thi 3 chung như các năm trước, mùa tuyển sinh năm nay, có một số ngành được ĐHĐN tổ chức thi riêng. Cụ thể: ngành Quản lý Nhà nước (Trường ĐHKT) vừa tổ chức thi 3 chung và tổ chức xét tuyển riêng. Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum vừa tổ chức thi theo 3 chung vừa xét tuyển riêng một số ngành bậc ĐH.

Trường ĐH Sư phạm tuyển sinh riêng đối với ngành GD Mầm non, cụ thể là vẫn tuyển sinh như những năm trước, nhưng môn năng khiếu do ĐHĐN tự ra đề. Trường ĐHBK tổ chức tuyển sinh riêng ngành Kiến trúc (trong đó môn Toán thi theo đề chung của Bộ GD-ĐT), Vẽ mỹ thuật theo đề của ĐHĐN và môn Văn lấy điểm trung bình năm lớp 10, 11, học kỳ I lớp 12 (5 học kỳ) đạt từ 5,5 điểm trở lên). Tổng điểm xét tuyển: Toán 1,5, +Vẽ mỹ thuật 2+Văn trung bình.

Một điểm mới đáng lưu ý là những năm trước đây, các trường gồm: ĐHBK, ĐHKT, CĐ Công nghệ, CĐ CNTT phương thức xét tuyển được xác định bằng điểm chuẩn vào trường, sau đó là điểm chuẩn vào ngành, thì năm nay, có một số thay đổi.

Cụ thể, đối với Trường ĐHBK, bỏ điểm chuẩn vào trường, thay vào đó là điểm trúng tuyển theo 2 nhóm ngành. Nhóm I gồm các ngành: CN Sinh học, CN Thông tin, CN chế tạo máy, Quản lý công nghiệp, Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật cơ - điện tử, Kỹ thuật điện, điện tử, Kỹ thuật điện tử truyền thông, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Kỹ thuật môi trường, Kỹ thuật dầu khí, CN thực phẩm, Kỹ thuật công trình xây dựng, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, Kỹ thuật xây dựng, Kinh tế xây dựng, Quản ký tài nguyên và môi trường. Nhóm II gồm các ngành: Sư phạm kỹ thuật công nghiệp, CN kỹ thuật vật liệu xây dựng, Kỹ thuật nhiệt, Kỹ thuật tàu thủy, Kỹ thuật hóa học, Kỹ thuật tài nguyên nước.

Trong đó, điểm xét trúng tuyển chung cho nhóm II, chênh lệch (thấp hơn) so với nhóm I là 1 điểm. Đặc biệt lưu ý, TS trúng tuyển ngành không được phép chuyển ngành, trừ các trường hợp đăng ký học theo các chương trình hợp tác quốc tế. Đối với các TS không trúng tuyển ngành được đăng ký và bố trí lại ngành trong cùng nhóm theo nguyện vọng và kết quả thi.

Đối với trường ĐH Kinh tế, điểm trúng tuyển được chia theo 3 nhóm ngành sau: Quản lý - Kinh doanh gồm 11 ngành: QTKD, QT Khách sạn, QT dịch vụ du lịch và lữ hành, Marketing, Kinh doanh quốc tế, Kinh doanh thương mại, Tài chính - Ngân hàng, Kế toán, Kiểm toán, Quản trị nguồn nhân lực, Hệ thống thông tin quản lý.

Nhóm KT - Luật - Thống kê gồm 4 ngành: Kinh tế, Luật, Luật KT và Thống kê. Nhóm Quản lý Nhà nước gồm 2 ngành: Kinh tế chính trị và Hành chính công. Đối với các trường ĐHSP, ĐH Ngoại ngữ, Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum, Khoa Y Dược, những năm trước xác định điểm trúng tuyển theo ngành.

Theo đó, các TS đủ điểm vào ngành thì trúng tuyển và không được đăng ký xét chuyển ngành. Chỉ có thể đăng ký xét vào các đợt bổ sung đối với những ngành còn chỉ tiêu. Năm 2014, riêng với trường ĐHSP có điểm mới đó là, điểm xét trúng tuyển sẽ theo khối thi. Theo đó, TS trúng tuyển vào khối nhưng không trúng tuyển vào ngành theo đăng ký trước đó sẽ được HĐTS xét tuyển sang ngành khác của cùng khối thi, căn cứ vào kết quả thi và nguyện vọng mới của TS.

Song song với phương thức xét tuyển, năm 2014, ĐHĐN cũng tuyển sinh thêm khối thi vào các trường thành viên. Cụ thể, trường ĐHBK tuyển thêm khối A1, (nhưng trừ các ngành: CN Sinh học, CN Thực phẩm, Kỹ thuật vật liệu, Kỹ thuật dầu khí, Kỹ thuật môi trường và Quản lý tài nguyên và môi trường).

Trường ĐH Ngoại ngữ tuyển thêm khối A1 cho các ngành: Ngôn ngữ Nga, Quốc tế học, Đông phương học. Trong đó, riêng ngành Ngôn ngữ Nga năm nay có đến 333 TS đăng ký dự thi gồm A1: 146, D1: 181, D2: 6. Trường ĐHKT tuyển thêm khối C cho chuyên ngành Hành chính công và KTCT thuộc nhóm ngành Quản lý Nhà nước với 70 chỉ tiêu (45 cho thi và 25 cho xét tuyển). Trong khi đó, số lượng TS đăng ký dự thi vào ngành này là 194 em và 570 em đăng ký xét tuyển.

P.Nết

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/138_116583_san-sang-mua-tuyen-sinh-dai-hoc-cao-dang-nam-2014.aspx