Sẵn sàng phòng, chống dịch bệnh
Với tinh thần phòng bệnh từ sớm, từ xa, Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh (27-12) có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng đối với việc phòng, chống dịch bệnh.
Sôi nổi hoạt động truyền thông
Thời gian qua, các bệnh truyền nhiễm và dịch bệnh lớn có tác động tàn khốc đến cuộc sống con người, tàn phá sự phát triển kinh tế và xã hội lâu dài, đặc biệt đại dịch Covid-19. Qua đó cho thấy tầm quan trọng của việc đầu tư vào các hệ thống ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm.
Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh, Bình Dương tập trung tổ chức các hoạt động truyền thông từ tuyến tỉnh đến các xã, phường, thị trấn. Thời gian triển khai từ ngày 1 đến 31-12, tập trung vào tuần trước, trong và sau Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh. Các đơn vị, cơ sở y tế phối hợp với các cơ quan báo, đài địa phương đẩy mạnh truyền thông; treo panô, banner khẩu hiệu về phòng, chống dịch bệnh tại các cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế và các địa điểm công cộng; lồng ghép các hoạt động thông điệp vào kế hoạch của cơ quan, đơn vị. Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh làm đầu mối triển khai thực hiện. Trung tâm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện các nội dung tại các địa phương, cơ quan và tổng hợp báo cáo kết quả về Sở Y tế để báo cáo Bộ Y tế.
Ghi nhận tại tuyến tỉnh, ngành y tế cung cấp thông tin, xây dựng bộ tài liệu truyền thông, video clip truyền thông hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh; đăng tải trên các kênh truyền thông của Sở Y tế và phổ biến đến các đơn vị, địa phương sử dụng chung trong toàn tỉnh. Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trong ngành phối hợp với các cơ quan truyền thông cung cấp thông tin về Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh và các hoạt động phòng, chống dịch bệnh; treo panô, banner, khẩu hiệu về phòng, chống dịch bệnh tại các đơn vị y tế và các địa điểm công cộng; ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông.
Tại huyện, thị, thành phố và 91 xã, phường, thị trấn, ngành y tế chỉ đạo các Trung tâm Y tế và Trạm Y tế xã cung cấp thông tin các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh năm 2023; tăng cường tuyên truyền các thông điệp, tài liệu truyền thông phòng, chống dịch trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương, trên mạng xã hội và các kênh truyền thông do ngành y tế địa phương quản lý. Bên cạnh đó, các địa phương tiến hành treo panô, banner, khẩu hiệu về phòng, chống dịch bệnh tại các điểm công cộng và tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
Toàn dân, toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch bệnh
Chủ đề của Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh năm nay là “Toàn dân, toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch bệnh”. Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng phát triển, tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, đô thị hóa, di dân gia tăng là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh xuất hiện, lây lan và bùng phát. Tình hình dịch bệnh luôn diễn biến phức tạp, chủ động phòng bệnh từ sớm, từ xa để hạn chế dịch bệnh bùng phát là vấn đề luôn được ưu tiên đặt lên hàng đầu.
Bà Nguyễn Thị Giang Nhung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Những năm gần đây, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm diễn biến khó lường, khó dự báo. Tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão, đô thị hóa... tạo thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện, lây lan và bùng phát. Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh năm nay, tỉnh tập trung vào việc nâng cao nhận thức của từng cá nhân, cộng đồng và tăng cường sự tham gia của chính quyền, xã hội trong việc chủ động, sẵn sàng phòng, chống dịch bệnh”.
Cũng theo bà Nhung, sự chung tay của cộng đồng là yếu tố quyết định sự thành công của công tác phòng, chống dịch bệnh. Thực tế đã chứng minh, để phòng, chống dịch bệnh tốt rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể và sự chung tay của toàn thể nhân dân. Người dân, cộng đồng cần tiếp tục nâng cao tinh thần chủ động phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế.
Đối với các bệnh đã có vắc xin, đặc biệt các bệnh có vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng như sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván… người dân cần theo dõi lịch tiêm và đưa trẻ đi tiêm đầy đủ. Với các bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng… người dân cần tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế thực hiện các biện pháp dự phòng để phòng, chống dịch bệnh.
Ngày 7-12-2020, tại phiên họp toàn thể, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua, đồng thuận Nghị quyết A/ RES/75/27- Nghị quyết do Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy thành lập Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh vào ngày 27-12 hàng năm. Ngày 27-12 được chọn làm Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh xuất phát từ ngày sinh của nhà bác học Louis Pasteur, một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho y tế dự phòng.
Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/s-n-sang-phong-chong-dich-benh-a313012.html