Sẵn sàng phương án hộ đê, chống lũ theo phương châm '4 tại chỗ'
Tỉnh Ninh Bình có hệ thống đê với tổng chiều dài 1.241,847km; có 46 hồ với tổng dung tích 44,34 triệu m3, trong đó có các hồ lớn với dung tích từ 1 triệu m3 đến 5 triệu m3 như các hồ Thác La, Yên Quang, Đồng Chương, Thường Sung, Đập Trời, Đá Lải, Yên Thắng, Yên Đồng, Núi Vá.

Kè Thịnh Long (Hải Thịnh) đang được Bộ Nông nghiệp và Môi trường đầu tư củng cố, xử lý sạt lở.
Hệ thống đê sông, đê biển, kè, cống, các tuyến kênh, hồ chứa trên địa bàn tỉnh trong nhiều năm qua được Trung ương và tỉnh quan tâm đầu tư, nâng cấp, tu bổ, duy tu, bảo dưỡng. Thực hiện tuần tra, canh gác hệ thống đê điều, xử lý kịp thời các sự cố theo phương châm “4 tại chỗ”, cơ bản đủ khả năng chống lũ, chống tràn, tích nước theo mực nước thiết kế; cơ bản đảm bảo an toàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.
Tuy nhiên, nếu bão đổ bộ cấp 9 vào địa bàn tỉnh Ninh Bình, đồng thời lũ các sông trên địa bàn tỉnh ở mức trên báo động 3, có nguy cơ gây mất an toàn cho tuyến đê và có những ảnh hưởng rất lớn khi xảy ra, nhất là một số tuyến đê trọng điểm như đê hữu Đáy, đê sông Hoàng Long, đê sông Vạc, đê biển Bình Minh III, đê tả Đáy, đê hữu Ninh và đê biển Hải Hậu…
Thực hiện Công văn số 4136/BNNMT-ĐĐ ngày 10/7/2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường về việc bảo đảm an toàn hệ thống đê điều trong mùa mưa lũ năm 2025, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các xã, phường và các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát, triển khai thực hiện các nội dung theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Theo đó, kiểm tra, rà soát lại toàn bộ công trình đê điều, phương án hộ đê trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị để chủ động triển khai khi có sự cố, tình huống xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”. Đặc biệt lưu ý phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, cá nhân để chuẩn bị và triển khai thực hiện, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ, không để xảy ra gián đoạn trong quá trình sắp xếp, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và sắp xếp, tổ chức lại Sở Nông nghiệp và Môi trường sau khi sáp nhập.
Ngày 19/7, UBND tỉnh đã ban hành Phương án số 02/PA-UBND về hộ đê toàn tuyến và ứng phó với trường hợp lũ lớn vượt tần suất thiết kế nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt là người, tài sản và các công trình trọng yếu. Kịp thời di dời, sơ tán dân ở khu vực xung yếu, có nguy cơ cao đến nơi tạm trú an toàn.
Nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ huy, điều hành của các cấp, các ngành trong việc xử lý tình huống, sự cố tại chỗ được kịp thời, đạt hiệu quả cao nhất. Tăng cường công tác cập nhật thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh, ứng phó thiên tai kịp thời đến các tầng lớp nhân dân.
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, thực hiện nghiêm Công điện số 112/CĐ-TTg ngày 19/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Ninh Bình ban hành các Công điện về việc tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ, trong đó yêu cầu các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể, thành viên Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh và UBND các xã, phường khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó.
Từ 7 giờ ngày 21/7, nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi; đến 12 giờ cùng ngày phải hoàn tất việc neo đậu, trú tránh an toàn. Từ 17 giờ ngày 21/7, tạm dừng hoạt động các tuyến đò ngang, đò dọc trên toàn tỉnh. Các địa phương cần bố trí lực lượng kiểm soát tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, kiên quyết không để người và phương tiện qua lại khi không đảm bảo an toàn.
Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các xã, phường, các thành viên Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về công tác chỉ đạo, ứng phó với cơn bão số 3.