Sẵn sàng tăng tốc xuất khẩu nông sản
Nông nghiệp đang có sự bứt tốc mạnh mẽ trong xuất khẩu ngay từ đầu năm với mức tăng quý I/2024 gần 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Các đơn vị đẩy mạnh xúc tiến thương mại thì ngành sẽ có 1 năm xuất khẩu nông lâm thủy sản thuận lợi, đạt được mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành từ 54-55 tỷ USD.
Ngành nông nghiệp đã có 4 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD và đều là những mặt hàng có sự tăng trưởng khá mạnh. Đó là gỗ đạt 2,32 tỷ USD, tăng 26,8%; rau quả 1,23 tỷ USD, tăng 25,8%; gạo 1,37 tỷ USD, tăng 40%; cà phê 1,9 tỷ USD, tăng 54,2%.
Đặc biệt, gạo, rau quả, cà phê… đã có sự tiếp nối tăng trưởng mạnh mẽ từ năm 2023.
Quý I, Việt Nam đã xuất khẩu được 2,07 triệu tấn gạo, tăng 12% về lượng nhưng giá trị tăng 40% và đạt 1,37 tỷ USD. Giá xuất khẩu gạo những tháng đầu năm có giảm so với cuối năm 2023, song vẫn tăng 25% so với cùng kỳ quý I/2023; giá xuất khẩu trung bình quý I/2024 đạt 661 USD/tấn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo 2024 sẽ tiếp tục năm có nhiều cơ hội trong xuất khẩu gạo và đạt trên 8 triệu tấn.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thị phần gạo thơm các loại tiếp tục tăng mạnh so với những năm trước do sản lượng tăng, giá cạnh tranh và nhất là có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ đa dạng của các thị trường, điển hình: OM5451, Jasmine, tấm thơm…
Xuất khẩu gạo dự báo tiếp tục sôi động khi nhu cầu của các thị trường tiêu thụ lớn khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Philippines, Malaysia, Trung Quốc và châu Phi tăng cao do lo ngại thời tiết nắng nóng El Nino sẽ kéo dài đến giữa năm 2024. Giá lúa gạo nội địa theo đó cũng dự báo tiếp tục ổn định ở mức cao.
Hiệp hội sẽ tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ phổ biến chính sách xuất nhập khẩu cho cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam và tiếp tục thời kỳ chuyển tiếp để thích ứng với nhu cầu đổi mới, tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết.
Năm nay, xuất khẩu rau qua được kỳ vọng tiếp tục vượt mốc lịch sử năm 2023. Trước mắt, quý I, rau quả xuất khẩu đã đạt 1,23 tỷ USD, tăng 25,8%. Đây là lần đầu tiên rau quả vượt 1 tỷ USD ngay trong quý đầu của năm.
Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu các địa phương, cơ quan chuyên môn địa phương rà soát, tổng hợp vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi và sầu riêng đông lạnh xuất sang Trung Quốc. Điều này nhằm đẩy nhanh quá trình mở cửa thị trường cho mặt hàng quả dừa tươi và sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc và chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện phục vụ đăng ký mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sau khi Nghị định thư được ký kết.
“Nếu sầu riêng đông lạnh và dừa tươi Việt Nam được mở cửa sang Trung Quốc sớm thì xuất khẩu rau quả sẽ tiếp tục có sự bứt phá mạnh”, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau Quả Việt Nam chia sẻ.
Tuy nhiên, vừa qua Việt Nam có 30 lô hàng sầu riêng bị Trung Quốc cảnh báo do bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của thị trường này. Đây là số liệu được tổng hợp từ khi Việt Nam được phép xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc. Tuy chưa ảnh hưởng đến xuất khẩu song cũng cho thấy thị trường này không chỉ quan tâm đến các đối tượng dịch hại mà cả chất lượng sản phẩm bên trong.
Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo các đơn vị sản xuất cần có sự chú ý về sử dụng vật tư nông nghiệp đầu vào, điều chỉnh biện pháp canh tác để giảm việc hấp thụ cadimi, như sử dụng phân hữu cơ, phân chuồng với tỷ lệ hợp lý.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trước khi xuất khẩu cũng nên chủ động kiểm tra chất lượng sản phẩm, trong đó có hàm lượng cadimi để tránh rủi ro nếu Trung Quốc tiếp tục phát hiện và áp dụng biện pháp mạnh hơn. Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục hướng dẫn các vùng trồng, cơ sở đóng gói tuân thủ nghiêm chỉnh các yêu cầu kiểm dịch thực vật. Địa phương, cơ quan chức năng đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói nhằm kiểm soát chất lượng nông sản xuất khẩu ngay từ khâu đầu vào, canh tác; phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp các trường hợp vi phạm, gian lận trong xuất khẩu.
Về thủy sản, kim ngạch xuất khẩu quý I/2024 đạt 1,86 tỷ USD, tăng nhẹ 1,9% so với cùng kỳ năm 2024.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc là Top 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam; trong đó, xuất khẩu sang Mỹ bứt phá mạnh hơn hẳn, với mức tăng trưởng 16% đạt 330 triệu USD; xuất khẩu sang Nhật Bản tương đương cùng kỳ, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 15%.
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) mới đây đã công bố kết quả cuối cùng cho đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 19 (POR19) đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ trong giai đoạn từ 1/8/2021 đến 31/7/2022. Mức thuế cuối cùng cho POR 19 đã được ấn định ở mức 0,18 USD/kg đối với 5 công ty. Kết quả này thấp hơn đáng kể so với những lần rà soát trước đó. Mới đây, DOC đã công bố thuế chống trợ cấp sơ bộ với tôm Việt Nam, Ấn Độ và Ecuador, theo đó mức thuế chung của Việt Nam thấp hơn đáng kể so với 2 nước còn lại.
Các chuyên gia cho rằng, thị trường xuất khẩu thủy sản chưa hẳn hồi phục, vẫn còn những thách thức, rào cản và sức ép cạnh tranh với các nước khác, vấn đề thẻ vàng IUU của thị trường EU, thuế chống trợ cấp tại Mỹ, căng thẳng Biển Đỏ và xung đột thương mại dẫn đến cạnh tranh nhiều hơn tại Mỹ, Trung Quốc…
Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần sẵn sàng tâm thế đối diện với thách thức, vượt qua những rào cản, song cũng rất cần chủ động tìm kiếm khách hàng từ các hội chợ, triển lãm thủy sản quốc tế tại Mỹ, tại châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc để có thể hồi phục và bứt phá sớm hơn.
Một lĩnh vực luôn có kim ngạch xuất khẩu chưa cao như chăn nuôi nhưng cũng đang có những bước tiến nhất định. Quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ước đạt 113 triệu USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2023. Sắp tới, chăn nuôi sẽ có sản phẩm thịt gà đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Halal.
Trong khi đó, chăn nuôi luôn phát triển ổn định nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, để tạo ra cú hích lớn, thúc đẩy xuất khẩu, ngành chăn nuôi cần tăng cường cơ hội hợp tác trong bối cảnh triển khai quy định của Hiệp định CPTPP, EVFTA; khảo sát đánh giá thị trường, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam đến một số nước trong khối ASEAN, khu vực châu Á, châu Mỹ, EU. Bên cạnh đó, tháo gỡ tồn tại, vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, người chăn nuôi trong bối cảnh tình hình dịch bệnh (đối với người và cả trên đàn vật nuôi) diễn biến phức tạp, áp lực lớn của thị trường đối với sản phẩm chăn nuôi.
Đánh giá về thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Trung Quốc và Mỹ là 2 thị trường tiêu thụ nông sản lớn của Việt Nam. Đặc biệt, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất của Việt Nam. Đây cũng là thị trường có chi phí logistic thấp. Hai bên đã ký kết nhiều nghị định thư để thúc đẩy thương mại nông sản. Hai bên đang thúc đẩy để sớm ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, dừa, tôm. Nếu được ký kết thì xuất khẩu nông sản sang thị trường này sẽ có tăng trưởng vượt bậc.
Riêng với thị trường này, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS Việt Nam) cho biết, văn phòng tiếp tục tích cực phối hợp với các đơn vị phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp, địa phương đáp ứng Quy định 248 và Quy định 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Qua đó, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi đưa các mặt hàng nông sản sang thị trường này.
Đến nay, GACC đã phê duyệt 3.140 mã sản phẩm nông sản làm thực phẩm các doanh nghiệp của Việt Nam được phép nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc, tăng 180 mã so với số liệu năm 2023, ông Ngô Xuân Nam cho biết thêm.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, tái cơ cấu ngành vẫn phải tôn trọng 3 trục sản phẩm: quốc gia, vùng và địa phương. Qua đây, giúp tạo vùng nguyên liệu gắn với chế biến, thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng.
Ngành nông nghiệp phải dự báo thị trường, thời tiết, dịch bệnh… nhằm ứng phó kịp thời trước mọi biến động để tăng tốc thực sự và sẽ về đích vào năm 2025.