Sẵn sàng 'trải nghiệm bất tận' với Năm Du lịch Quốc gia Điện Biên 2024
Chiều 21/2, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phối hợp với UBND tỉnh Điện Biên thông tin về Năm Du lịch quốc gia Điện Biên 2024. Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy và Phó Chủ tịch UBND Điện Biên Vừ A Bằng đồng chủ trì buổi họp báo.
Tại buổi họp báo, Giám đốc Sở VHTTDL Điện Biên Nguyễn Minh Phú đã giới thiệu tổng quan về Năm Du lịch quốc gia 2024; các hoạt động, sự kiện trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia 2024 và du lịch tỉnh Điện Biên; thiết kế bộ nhận diện, biểu trưng, biểu tượng Năm Du lịch quốc gia 2024.
Theo đó, điểm nhấn của Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 là Lễ Khai mạc, gắn với tổ chức Lễ hội Hoa Ban năm 2024, với chủ đề: “Về miền Hoa Ban” vào 19h30 ngày 16/3 và Chương trình nghệ thuật đặc biệt và bắn pháo hoa tầm cao được tổ chức vào tối ngày 6/5 tại Quảng trường 7-5 TP. Điện Biên Phủ; Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ vào sáng ngày 7/5 tại Sân vận động tỉnh Điện Biên.
Bên cạnh đó là Hội chợ Du lịch Tây Bắc - Điện Biên, Liên hoan Ẩm thực toàn quốc năm 2024 tổ chức vào tháng 8 tại Quảng trường 7-5 TP. Điện Biên Phủ; Hội chợ Công Thương vùng Tây Bắc - Điện Biên năm 2024 vào Quý 2/2024; Lễ Tổng kết, Bế mạc “Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024” tổ chức vào tháng 12 tại TP. Điện Biên Phủ.
Giám đốc Sở VHTTDL Điện Biên cho biết, biểu trưng và khẩu hiệu Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 được xây dựng trên âm hưởng hào hùng của chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” cùng sự hội tụ, kết tinh văn hóa đặc sắc, thiên nhiên hùng vĩ của vùng đất biên cương. Hình ảnh trung tâm là Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ với mong muốn thể hiện lịch sử hào hùng, khát vọng hòa bình, hướng tới tương lai phát triển. Cùng với đó là hình ảnh Hoa Ban được cách điệu đầy màu sắc thể hiện vẻ đẹp đặc trưng của Điện Biên.
Biểu trưng và khẩu hiệu được thiết kế dựa trên màu sắc đặc trưng của du lịch Điện Biên. Trong đó, màu vàng tượng trưng cho du lịch lịch sử - tâm linh, đức tin và khát vọng. Các màu chàm, xanh lá, tím nhạt biểu trưng cho du lịch văn hóa, khám phá cảnh quan thiên nhiên. Màu xanh da trời tượng trưng cho du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe, giúp cân bằng năng lượng và mang đến cảm xúc tích cực…
Theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, Điện Biên được biết đến là mảnh đất lịch sử gắn với chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Những di tích như: Đồi A1, Hầm Đờ-cát-tơ-ri, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Sở Chỉ huy chiến dịch Mường Phăng hay Đền thờ các anh hùng liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ... được đầu tư xây dựng, tôn tạo đã đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu lịch sử của đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại họp báo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Vừ A Bằng đánh giá, ngoài thế mạnh du lịch lịch sử, tâm linh, Điện Biên còn giàu tiềm năng về du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, du lịch sinh thái, khám phá cảnh quan thiên nhiên và trải nghiệm bản sắc văn hóa của 19 dân tộc.
Du lịch Điện Biên được định hướng phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế dựa trên ba trụ cột chính là: Du lịch lịch sử - tâm linh; Du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên; Du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe. Năm Du lịch quốc gia 2024 sẽ góp phần tiếp tục phát huy vai trò của du lịch Điện Biên trong liên kết, tạo động lực phát triển du lịch khu vực Tây Bắc.
"Trong Tuần lễ văn hóa - du lịch Điện Biên tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP.HCM, chúng tôi thấy người dân Đông Nam Bộ, TP.HCM rất quan tâm đến việc khám phá văn hóa, du lịch Điện Biên. Đây chính là cơ hội để Điện Biên xây dựng chính sách, kích cầu tốt hơn để du khách đến Điện Biên nhiều hơn", ông Bằng nói thêm.
Liên quan đến công tác chuẩn bị cho Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia Điện Biên 2024 vào ngày 16/3, ông Nguyễn Minh Phú, Giám đốc Sở VHTTDL Điện Biên, cho biết, về cơ sở vật chất, đến nay, toàn tỉnh có 205 cơ sở lưu trú du lịch (2.765 phòng, với trên 5.000 giường), trong đó khu vực TP. Điện Biên Phủ và phụ cận có trên 120 cơ sở lưu trú (1.850 phòng, với 3.400 giường). Là địa phương duy nhất tại Tây Bắc có cảng hàng không kết nối với Hà Nội và TP.HCM, Điện Biên vừa qua đã nâng cấp sân bay đủ điều kiện đón máy bay A321, tăng tần suất chuyến bay để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao; nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ; cơ sở dịch vụ lưu trú, ăn uống,...
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên thừa nhận, khoảng 60% số phòng là trên địa bàn thành phố, còn lại nằm rải rác ở các huyện, thị xã nên điều kiện cơ sở vật chất hết sức khó khăn. Bên cạnh đó, Điện Biên cũng chưa thực sự có sản phẩm du lịch đặc trưng như các địa phương khác.
Chia sẻ tại họp báo, với vai trò quản lý nhà nước về du lịch, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Hà Văn Siêu cho hay, cơ quan này cùng địa phương đưa ra những giải pháp, như kéo dài và giãn khách trước, sau các sự kiện, cũng như hướng dẫn nhà dân, cộng đồng tham gia mạng lưới lưu trú để khi cao điểm đông khách có thể phân chia ra địa bàn lân cận và hệ thống homestay. Cục Du lịch quốc gia cũng hỗ trợ Điện Biên công nhận điểm du lịch, cơ sở lưu trú đạt chuẩn, chuẩn bị sẵn sàng cho các dự kiện và phục vụ du khách đến với Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024.
Theo thông tin từ lãnh đạo Sở VH-TT&DL Điện Biên, 2023 là năm bứt phá của du lịch địa phương khi tỉnh đón gần 1,1 triệu khách so với mục tiêu 900.000 khách đề ra, doanh thu đạt 1.700 tỷ đồng. Vì thế, tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu năm nay đạt 1,3 triệu khách, nâng doanh thu từ du lịch lên 2.200 tỷ đồng.
Với những quyết tâm và nỗ lực, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Vừ A Bằng tin tưởng mục tiêu 1,3 triệu lượt khách sẽ đạt được khi Điện Biên có nhiều sản phẩm du lịch hướng về 3 trụ cột chính là du lịch lịch sử - tâm linh; du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên như lòng hồ Bá Khoang, cực Tây tổ quốc A Pa Chải; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe.
Tỉnh Điện Biên là vùng đất biên cương, nằm ở phía Tây Bắc Việt Nam, với diện tích tự nhiên 9.562,9km2, có đường biên giới dài 455,572km, tiếp giáp với nước Trung Quốc và Lào.
Tỉnh Điện Biên hiện có 33 di tích lịch sử được xếp hạng, trong đó 1 di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, 14 di tích cấp quốc gia, 18 di tích cấp tỉnh; 18 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó nghệ thuật xòe Thái và thực hành then của người Tày, Nùng, Thái được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Điện Biên còn là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, người dân thân thiện, hiếu khách, bản sắc văn hóa đa dạng.