Sẵn sàng triển khai đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị

Từ ngày 1-7-2021, TP Hà Nội sẽ tổ chức triển khai 'Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị' tại 177 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây. Đây là một nội dung trọng tâm được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ 17 nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp gắn với thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, hướng tới xây dựng chính quyền đô thị hiệu quả, tự chủ, năng động, hiện đại, phục vụ người dân và doanh nghiệp nhanh hơn, tốt hơn.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan hành chính nhà nước cần tiếp tục phát huy khi thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị. Ảnh: ĐĂNG ANH

Ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan hành chính nhà nước cần tiếp tục phát huy khi thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị. Ảnh: ĐĂNG ANH

Từ ngày 1-7-2021, TP Hà Nội sẽ tổ chức triển khai “Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị” tại 177 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây. Đây là một nội dung trọng tâm được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ 17 nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp gắn với thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, hướng tới xây dựng chính quyền đô thị hiệu quả, tự chủ, năng động, hiện đại, phục vụ người dân và doanh nghiệp nhanh hơn, tốt hơn.

Bài 1: Yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn

Với mô hình tổ chức chính quyền hai cấp ở khu vực nội thành, nội thị (bỏ HĐND cấp phường); đổi mới và đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền giữa TP Hà Nội với các cơ quan chuyên môn và UBND quận, thị xã, nhiều ý kiến cho rằng việc thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị chính là cơ hội để Hà Nội giải quyết những bất cập trong công tác quản lý đô thị, giúp Thủ đô phát triển nhanh, bền vững.

Gỡ “nút thắt” trong quản lý đô thị

Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở tại Hà Nội, tính đến ngày 1-4-2019, dân số Hà Nội là hơn tám triệu người, tăng thêm 1,6 triệu người so với năm 2009. Dù thành phố đặt mục tiêu quy mô dân số khoảng chín triệu người vào năm 2030, nhưng với thực tế trung bình mỗi năm dân số tăng thêm khoảng 160 nghìn người, tương đương số dân của một huyện lớn đã và đang tạo áp lực lên hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, y tế, giáo dục, môi trường, văn minh đô thị và nhà ở của Thủ đô. Việc xử lý các vấn đề lớn như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải, thiếu điểm sinh hoạt cộng đồng, quá tải trường lớp, phát sinh trong quản lý đất đai… luôn là những vấn đề thường trực mà các cấp chính quyền từ cơ sở đến thành phố phải giải quyết.

Trên thế giới, mô hình chính quyền đô thị đã được nhiều nước xây dựng theo hướng tinh gọn, giảm bớt các tầng, nấc trung gian, bảo đảm tính nhanh nhạy trong công tác quản lý. Tuy nhiên, tại Hà Nội, chính quyền ở các quận cũng được tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn tương tự như chính quyền ở địa bàn nông thôn cùng cấp. Cách thức tổ chức thiếu cơ động, cho nên dù đã có sự phân cấp nhưng nhiều vấn đề “nóng” từ cơ sở vẫn phải chờ xin ý kiến từ cấp trên, trong khi việc quản lý lại qua rất nhiều cấp, nhiều tầng. Điều này đòi hỏi Thủ đô phải có một cơ chế chính sách hợp lý, cũng như mô hình quản lý phù hợp với đặc điểm của đô thị lớn. Trước thực tiễn đó, thành phố đã bắt tay vào nghiên cứu việc thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị.

Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ: Yêu cầu xây dựng đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội bắt nguồn từ nhu cầu thực tiễn, tạo tiền đề cho một chính quyền hiệu lực, hiệu quả phù hợp với thực tế phát triển. Thủ đô Hà Nội có vai trò đặc biệt quan trọng, là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, có quy mô dân số đứng thứ hai trong cả nước. Bộ máy chính quyền của thành phố hiện nay đang thực hiện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương với đầy đủ ba cấp, trong khi đặc điểm khu vực đô thị là dân cư sống tập trung, mật độ dân cư cao, cho nên hoàn toàn có thể giảm bớt một cấp chính quyền để giảm tầng nấc, làm gọn nhẹ hệ thống hành chính và giúp cho các quyết định, điều hành của UBND thành phố, các quận, huyện, thị xã đối với cơ quan hành chính cấp dưới nhanh hơn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn.

Những tiền đề quan trọng

Ngày 7-11-2017, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 22-KL/TW về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020. Kết luận nêu rõ: “Đồng ý để thành phố Hà Nội được triển khai thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận; tiếp tục củng cố chính quyền nông thôn theo quy định của pháp luật”. Từ đó đến nay, thành phố đã nghiêm túc, khẩn trương xây dựng “Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị” với nhận thức đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đáp ứng nhu cầu bức thiết đặt ra từ thực tiễn. Với tinh thần cầu thị, thành phố đã tổ chức tám cuộc hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý, nhiều lần xin ý kiến các bộ, cơ quan Trung ương, đồng thời rà soát, thu thập số liệu, khảo sát thực tế phục vụ xây dựng đề án.

Những nỗ lực đã được ghi nhận khi ngày 19-4-2019, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 46-KL/TW về đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội. Tiếp đó, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để Hà Nội triển khai đề án.

Việc xây dựng đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội là một trọng tâm của Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015 - 2020. Ngay tại nhiệm kỳ này, Đảng bộ TP Hà Nội đã chọn khâu đột phá là “Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức; cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thủ đô”. Đáng chú ý, một trong những định hướng trọng tâm phát triển Thủ đô là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của hệ thống chính quyền các cấp, từng bước để đội ngũ cán bộ công chức, viên chức từ thành phố tới cơ sở tiếp cận, làm quen với việc quản lý theo mô hình chính quyền đô thị. Sau 5 năm thực hiện, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp được tăng cường, phương pháp chỉ đạo, điều hành có sự đổi mới mạnh mẽ theo hướng “một việc, một đầu mối xuyên suốt” và "5 rõ" (rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả). Thành phố đã tích cực rà soát, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết đối với 261 thủ tục hành chính, ba năm liên tiếp ( từ 2017 đến 2019), chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của Hà Nội xếp thứ hai của cả nước.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà, thời gian tới, thành phố tiếp tục tập trung nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp gắn với thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị nhằm mục tiêu xuyên suốt là phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Hà Nội cũng tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

(Còn nữa)

QUỐC TOẢN và AN TRÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tranghanoi-tin-chung/san-sang-trien-khai-de-an-thi-diem-quan-ly-theo-mo-hinh-chinh-quyen-do-thi-628128/