Sẵn sàng ứng phó phòng, chống thiên tai trong mọi tình huống

Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo về sự hình thành của những cơn bão và áp thấp nhiệt đới có nguy cơ ảnh hưởng đến vùng biển và đất liền nước ta. Để chủ động giúp dân trong mùa mưa bão và khắc phục hậu quả thiên tai, cán bộ, chiến sĩ BĐBP thành phố (TP) Hồ Chí Minh luôn sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Đây là nhiệm vụ trọng tâm luôn được cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm và được quán triệt đến từng cán bộ, chiến sĩ, nhất là các đồn, hải đội Biên phòng đóng quân ở khu vực ven biển.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP TP Hồ Chí Minh giúp dân chằng chống, neo đậu tàu thuyền tránh trú bão. Ảnh: Lương Kiểm

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP TP Hồ Chí Minh giúp dân chằng chống, neo đậu tàu thuyền tránh trú bão. Ảnh: Lương Kiểm

BĐBP TP Hồ Chí Minh có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển huyện Cần Giờ với chiều dài 23,5km, vùng biển rộng gần 5.000km2 và các cảng bố trí chạy dọc theo hạ lưu sông Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè, Lòng Tàu, Soài Rạp với chiều dài khoảng 150km, tiếp giáp các quận 1, 4, 7, TP Thủ Đức, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ và huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai)... Trên địa bàn có 59 cảng, 116 cầu cảng, 82 cặp phao và 3 vùng neo đậu; hằng ngày có từ 70-80 lượt tàu ra vào neo đậu, hàng trăm lượt phương tiện thủy loại nhỏ và vừa, hàng ngàn lượt phương tiện vận tải đường bộ ra vào cảng.

Riêng huyện Cần Giờ hiện có 368 phương tiện của ngư dân địa phương và trên 100 phương tiện của các tỉnh lân cận đến cư trú hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản trên địa bàn ven biển TP.

Đại tá Đoàn Duy Phước, Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng BĐBP TP Hồ Chí Minh cho biết: Hằng năm, BĐBP TP Hồ Chí Minh đều đánh giá, dự báo tình hình, bổ sung kế hoạch, tổ chức luyện tập các phương án và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, các địa phương sẵn sàng cơ động ứng cứu khi có tình huống xảy ra trên khu vực sông và vùng biển thuộc phạm vi quản lý của BĐBP TP Hồ Chí Minh, cũng như các vụ việc xảy ra trên địa bàn đóng quân. Đơn vị cũng đã ký kết quy chế phối hợp với BĐBP các tỉnh, TP ven biển từ Bình Thuận đến Kiên Giang, Hải đoàn Biên phòng 18, Hải đoàn Biên phòng 28 và Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III để cùng thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.

Theo báo cáo của BĐBP TP, trong năm 2023 và 7 tháng đầu năm 2024, các đơn vị đóng quân trên địa bàn huyện Cần Giờ đã làm thủ tục, hướng dẫn vào nơi tránh, trú bão an toàn cho hơn 400 phương tiện và 1.630 người; có tin áp thấp nhiệt đới hay bão gần, thì đài canh duyên hải và máy thông tin liên lạc của các đơn vị hoạt động liên tục 24/24 giờ để kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh trú.

Trung tá Lê Việt Hải, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thạnh An, BĐBP TP Hồ Chí Minh cho biết: Do chủ động, xử lý kịp thời mọi tình huống nên khi xảy ra các vụ việc do thiên tai, hỏa hoạn, nhân dân trên địa bàn và ngư dân đi biển đều tin tưởng, phối hợp, chấp hành tốt hiệu lệnh của BĐBP. Khi tiếp nhận thông tin có tàu thuyền của ngư dân hư hỏng, gặp nạn, hoặc thuyền viên trên tàu bị tai nạn do bất cẩn trong lao động..., đơn vị luôn khẩn trương tổ chức lực lượng và phương tiện ứng cứu kịp thời.

Điển hình, vào ngày 12/1/2024, tại khu vực ngã ba sông Gò Gia - Thị Vải, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, tổ công tác của Trạm kiểm tra giám sát trên sông, Biên phòng cửa khẩu cảng TP Hồ Chí Minh đã phát hiện phương tiện vỏ lãi của anh Nguyễn Văn Khánh (32 tuổi, ngụ tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) đang chở con gái là Nguyễn Trần Kiều Khanh, 9 tuổi đi ra bè cá, do sóng to, phương tiện bị lật úp. Tổ công tác đã kịp thời phát hiện và cứu được cả hai cha con anh Khánh đưa vào bờ an toàn, sau đó tiếp tục giúp gia đình anh trục vớt phương tiện.

Cán bộ, chiến sĩ Trạm Biên phòng cửa khẩu cảng Nhà Rồng (Biên phòng cửa khẩu cảng TP Hồ Chí Minh) tham gia trục vớt container rơi trôi dạt trên sông và phân luồng giao thông đường thủy. Ảnh: Lương Kiểm

Cán bộ, chiến sĩ Trạm Biên phòng cửa khẩu cảng Nhà Rồng (Biên phòng cửa khẩu cảng TP Hồ Chí Minh) tham gia trục vớt container rơi trôi dạt trên sông và phân luồng giao thông đường thủy. Ảnh: Lương Kiểm

Tiếp đến, vào cuối tháng 5/2024, tại khu vực ngã ba Đèn Đỏ, phường Cát Lái, TP Thủ Đức đã xảy ra một vụ va chạm hàng hải. Theo đó, tàu Interasia Pursuit (quốc tịch Singapore) khi đang di chuyển từ Phú Mỹ về cảng SP-ITC đã va chạm với sà lan SG 8259 (quốc tịch Việt Nam). Vụ va chạm không gây thiệt hại về người, nhưng đã làm nhiều container bị rơi, trôi dạt trên sông.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, Trạm Biên phòng cửa khẩu cảng Nhà Rồng, Biên phòng cửa khẩu cảng TP Hồ Chí Minh đã cử 7 cán bộ và sử dụng 2 ca nô tham gia phối hợp với các lực lượng chức năng trục vớt các container bị rơi, trôi dạt trên sông đưa vào khu vực cảng SP-ITC. Đồng thời, phối hợp với Cảng vụ hàng hải TP Hồ Chí Minh, Cảnh sát giao thông đường thủy Cát Lái và Cảng vụ Tân Cảng - Sài Gòn điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc.

Đại tá Đoàn Duy Phước cho biết thêm: Năm 2024, Bộ Chỉ huy BĐBP TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiệm vụ phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống cháy nổ, cháy rừng đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị; chỉ đạo các đồn, hải đội Biên phòng tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện hoạt động trên biển, trên sông, nhất là đảm bảo trang thiết bị an toàn trước khi ra biển hoạt động. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện tổ chức tìm kiếm, cứu nạn và tiếp nhận hỗ trợ nhân đạo đối với người, phương tiện nước ngoài bị nạn trên vùng biển TP Hồ Chí Minh.

Trong 7 tháng của năm 2024, trên địa bàn cửa khẩu cảng và khu vực biên giới biển của TP Hồ Chí Minh đã xảy ra 27 vụ tai nạn, trong đó có 6 vụ tai nạn lao động, 10 vụ tai nạn đường thủy, 2 vụ cháy nổ, 1 vụ sét đánh, 6 vụ người chết trôi trên sông... Đơn vị đã huy động 18 lượt phương tiện và 70 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia tìm kiếm cứu nạn, giải quyết vụ việc, phân luồng giao thông và bảo vệ hiện trường.

Lê Khoa

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/san-sang-ung-pho-phong-chong-thien-tai-trong-moi-tinh-huong-post479561.html