Sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra
Chiều 31/1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Đặng Minh Hưng đã ký kế hoạch số 373/ KH-UBND về việc phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, tính đến thời điểm này, tỉnh Bình Dương chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh. Tuy nhiên, Bình Dương là tỉnh có lượng người Trung Quốc đang sinh sống và làm việc tại các khu công nghiệp rất lớn. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán những người này sẽ quay trở lại Bình Dương làm việc và nguy cơ bệnh xâm nhập vào Bình Dương là rất cao.
Mục tiêu chung của Bình Dương là phát hiện sớm trường hợp viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong. Mục tiêu cụ thể là tỉnh xây dựng, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra trên địa bàn tỉnh Bình Dương; xây dựng các tình huống đáp ứng kịp thời tùy tình hình thực tế theo diễn tiến của dịch bệnh.
Tỉnh Bình Dương xác định, công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra là nhiệm vụ hết sức quan trọng, cần huy động cả hệ thống chính trị của tỉnh tham gia nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Tỉnh tăng cường các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra; các biện pháp phòng, chống theo khuyến cáo của Bộ Y tế đến người dân, cộng đồng, đặc biệt là người lao động làm việc tại các khu công nghiệp.
Tùy vào tình hình thực tế theo diễn tiến của dịch, tỉnh giao ngành Y tế chủ động xây dựng các phương án đáp ứng cụ thể theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 156/QĐ-BYT ngày 20/01/2020 ban hành Kế hoạch đáp ứng với bệnh viêm phổi cấp do chủng mới virus Corona.
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương giao Sở Y tế hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tổ chức thực hiện công tác truyền thông nguy cơ dịch bệnh trên địa bàn; cung cấp tài liệu truyền thông phòng chống dịch bệnh cho các cơ quan, đơn vị.
Ngành y tế Bình Dương chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh tăng cường giám sát, phát hiện sớm, sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân, tăng cường tuyên truyền về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống cho người dân; thực hiện lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngành y tế tỉnh Bình Dương tổ chức các lớp tập huấn về giám sát, phát hiện, báo cáo các trường hợp bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch, công tác thu dung, điều trị, cấp cứu, chăm sóc bệnh nhân và phòng ngừa lây nhiễm cho các đơn vị y tế; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác giám sát trường hợp bệnh tại cộng đồng, đặc biệt là tại các khu công nghiệp có người Trung Quốc (người đến từ các vùng có dịch) đang làm việc, nhằm phát hiện sớm và cách ly kịp thời.
Ngành y tế tỉnh Bình Dương xây dựng kế hoạch và thực hiện nghiêm việc tổ chức thu dung, cấp cứu, phân luồng, phân tuyến điều trị bệnh nhân, duy trì hoạt động thường xuyên của bệnh viện khi có dịch; thực hiện nghiêm việc cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo và thực hiện các biện pháp phòng hộ cho cán bộ y tế. Chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị hồi sức cấp cứu và các phương tiện cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị bệnh nhân; củng cố các đội chống dịch cơ động, chuẩn bị đầy đủ hóa chất khử trùng, trang thiết bị phòng, chống dịch, hỗ trợ các địa phương khi cần thiết. Phối hợp với các bệnh viện tuyến cuối (Bệnh viện Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện Chợ Rẫy…) thiết lập bệnh viện vệ tinh khi cần thiết.
UBND tỉnh Bình Dương giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Ngoại vụ; Sở Kế hoạch - Đầu tư; Liên đoàn Lao động tỉnh; Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Ban Quản lý khu công nghiệp Việt Nam – Singapore; quản lý chặt chẽ danh sách các kỹ sư, chuyên gia, người lao động nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc đang làm việc tại các công ty, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh hoặc đi, đến các vùng có dịch, thông báo cho cơ quan y tế để thực hiện theo dõi, cách ly khi có biểu hiện bệnh...
Tỉnh chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, chỉ đạo các công ty du lịch hủy các tua, tuyến du lịch, không tổ chức các đoàn khách du lịch tới các tỉnh, thành phố đang có dịch, có người mắc bệnh và không đón khách du lịch từ vùng có dịch đến Việt Nam; quản lý, theo dõi chặt chẽ lịch trình, tình hình sức khỏe và khuyến nghị các đơn vị du lịch hạn chế di chuyển du khách Trung Quốc đang ở Việt Nam; tổ chức cách ly, quản lý du khách khi phát hiện trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh.
Tỉnh giao Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự đảm bảo an ninh, trật tự, an ninh thông tin trong công tác phòng, chống dịch bệnh; tăng cường công tác quản lý về xuất nhập cảnh, đăng ký tạm trú, tạm vắng đối với người nước ngoài, đặc biệt đối với người đến từ vùng có dịch.
Tỉnh chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện nghiêm các ý kiến chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Công điện số 43/CĐ-BGDĐT ngày 28/01/2020; phổ biến thông tin về tình hình dịch, các biện pháp phòng, chống dịch tới học sinh, sinh viên; tự áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch và có trách nhiệm tham gia các hoạt động phòng, chống dịch khi có yêu cầu của ngành y tế.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác kiểm dịch động vật, phòng chống việc mua bán động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Sở Công thương và Sở Y tế đảm bảo ổn định, an toàn thực phẩm khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Sở Công Thương tăng cường quản lý hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa có nguồn gốc từ động vật hoang dã trên thị trường; thực hiện công tác bình ổn giá trên địa bàn tỉnh, không để xảy ra tình trạng tăng giá bất hợp lý các hàng hóa liên quan đến phòng, chống dịch bệnh. Sở phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường công tác quản lý các Trung tâm Thương mại trên địa bàn tỉnh nhằm quản lý tốt công tác phòng, chống dịch bệnh; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế đảm bảo ổn định hàng hóa và an toàn thực phẩm khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.
Sở Giao thông Vận tải quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn; tuyên truyền cho hành khách biết về tình hình dịch bệnh do nCoV và các biện pháp phòng tránh theo khuyến cáo của Bộ Y tế; thông báo ngay cho cơ sở y tế khi có trường hợp hành khách có các biểu hiện sốt, ho và đi, đến từ vùng có dịch để thực hiện giám sát, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm và điều trị kịp thời.
Tỉnh Bình Dương đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể và các tổ chức thành viên phối hợp ngành Y tế tăng cường công tác tuyên truyền về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng tránh, góp phần ổn định dư luận xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp ngay với Sở Y tế và các đơn vị có liên quan khẩn trương đề ra phương án cụ thể phòng, chống dịch bệnh tại Trung tâm Hành chính tỉnh cho phù hợp, hiệu quả nhằm đảm bảo duy trì hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị; tạm thời không thực hiện các giao dịch không cần thiết liên quan đến tập trung đông người dễ dẫn đến lây lan dịch bệnh.
* Thanh Hóa triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khẩn cấp cho các doanh nghiệp sử dụng lao động người nước ngoài
Chiều 31/1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên người, ông Phạm Đăng Quyền đã chủ trì cuộc họp triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra tới các doanh nghiệp có sử dụng lao động người nước ngoài hoạt động tại địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Phạm Đăng Quyền nhấn mạnh, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV đã được Tổ chức Y tế thế giới công bố mức độ khẩn cấp toàn cầu. Tại Việt Nam đã có 5 trường hợp dương tính với nCoV, trong đó có 1 trường hợp người Thanh Hóa đang điều trị, cách ly tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Như vậy Thanh Hóa đã có nguồn bệnh, đối với bệnh nhân dương tính với nCoV cần giám sát chặt chẽ, theo dõi điều trị cách ly đến khi xét nghiệm lại âm tính với nCoV mới cho xuất viện.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập huấn chuyên môn, hỗ trợ các doanh nghiệp giám sát, phát hiện các ca bệnh, khi có ca bệnh nghi ngờ cần báo cáo với cơ quan y tế gần nhất để điều trị cách ly kịp thời theo quy định. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức tuyên truyền cho người lao động hiểu và đồng thuận khi triển khai công tác phòng chống dịch.
Tỉnh sẽ thành lập tổ phản ứng nhanh để tiếp cận, xử lý nhanh nhất khi có ca bệnh. Các doanh nghiệp cần có biện pháp và cách làm phù hợp trong tuyên truyền để người lao động và người dân nhận thức đúng về bệnh và có biện pháp phòng chống dịch, bảo vệ bản thân, tránh gây hoang mang cho người lao động và trong nhân dân; đồng thời yêu cầu số công nhân hoạt động tại nhà máy trong thời gian có dịch hạn chế tiếp xúc rộng rãi trong cộng đồng.
Là tỉnh có số lao động đến từ vùng dịch tương đối lớn nên nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất cao. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 422 trường hợp người nước ngoài đang lao động, làm việc tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, trong đó quốc tịch Trung Quốc là 177 người. Hầu hết số người nước ngoài về nghỉ Tết Nguyên đán chưa quay lại Việt Nam để làm việc. Đến sáng 31/1 đã có 43 người quay trở lại Thanh Hóa làm việc. Dự kiến trong sáng 1/2, các lao động nước ngoài sẽ tiếp tục quay trở lại làm việc. Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Phòng quản lý Xuất nhập cảnh Công an tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu Công nghiệp tỉnh, số lao động người nước ngoài quay trở lại làm việc sẽ tiếp tục tăng trong những ngày sau Tết Nguyên đán.
Tại hội nghị, đại diện các công ty nước ngoài đã báo cáo các giải pháp triển khai ứng phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra, trước mắt là kiểm tra đối với người nước ngoài về nghỉ Tết mới quay trở lại Thanh Hóa bằng cách đo thân nhiệt; bố trí làm việc, ăn riêng; đeo khẩu trang y tế. Đồng thời, các doanh nghiệp sẽ thành lập các tổ y tế để quản lý theo dõi tình hình sức khỏe cán bộ, nhân viên công ty; đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn cách tự bảo vệ trước dịch bệnh.
Hiện Nhà thầu Sinoma (đóng trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn) đã có thông báo yêu cầu số lao động Trung Quốc không được phép xuất nhập cảnh cho đến thời điểm an toàn.
*Nghệ An lên phương án sẵn sàng ứng phó
Trước diễn biến bất thường của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra, chiều 31/1, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức cuộc họp khẩn về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, đồng thời lên phương án, sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh này.
Nghệ An là tỉnh có diện tích rộng và mật độ dân số đông, có hệ thống giao thông đường biển, đường bộ, đường hàng không phát triển; có cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn. Hiện nay với điều kiện khí hậu mùa đông xuân lạnh ẩm rất thuận lợi cho tác nhân gây bệnh phát sinh và phát triển. Trong khi, các biện pháp phòng bệnh hiện nay chủ yếu dựa vào vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, ngăn ngừa xâm nhập trường hợp bệnh, phòng chống lây truyền tại cộng đồng.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Công an tỉnh cho biết, trên địa bàn Nghệ An có 340 người nước ngoài, trong đó có hơn 100 người Trung Quốc. Công an tỉnh đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương yêu cầu các doanh nghiệp có người Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) giám sát chặt chẽ lao động; đồng thời yêu cầu Trung Quốc trở lại làm việc phải khai báo, kiểm tra sức khỏe.
Trước thực tế trên, tỉnh Nghệ An đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch với các phương án cụ thể. Theo kế hoạch, căn cứ vào phân loại mức độ dịch bệnh ở phạm vi toàn quốc của Bộ Y tế và tình hình thực tế trong tỉnh cũng như khả năng thu dung, điều trị của các bệnh viện trên địa bàn, Sở Y tế đã phân loại tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh theo 4 tình huống. Tình huống 1: Chưa ghi nhận trường hợp bệnh tại Nghệ An. Tình huống 2: Xuất hiện các trường hợp bệnh xâm nhập vào Nghệ An. Tình huống 3: Dịch bệnh lây lan trên 5 trường hợp mắc trong tỉnh hoặc có từ 02 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh có dịch lây lan. Tình huống 4: Dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng với trên 30 trường hợp mắc bệnh (vượt khả năng thu dung của Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh) hoặc có trên 5 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh có dịch lây lan.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long, Nghệ An hiện ở tình huống 1. Lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng đề nghị Sở Y tế hoàn thiện ngay kế hoạch phòng, chống dịch; tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh, tổ chức cách ly kịp thời; xây dựng nội dung tuyên truyền để người dân biết cách phòng bệnh; phối hợp các ngành liên quan nắm lại danh sách doanh nghiệp có người Trung Quốc để giám sát chặt chẽ. Các cơ quan báo đài, đưa tin về cách phòng bệnh, về sự sẵn sàng ứng phó dịch bệnh của tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ để phòng chống dịch. Cụ thể, Công an tỉnh phối hợp với ngành Y tế thực hiện nghiêm việc giám sát, kiểm soát chặt chẽ dịch ngay tại cửa khẩu; bảo đảm an ninh cho việc cách ly y tế bắt buộc các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh; chia sẻ các thông tin về hành khách nhập cảnh với ngành y tế. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh phối hợp với ngành y tế thực hiện nghiêm việc giám sát, kiểm soát chặt chẽ dịch tại cửa khẩu, chia sẻ các thông tin về hành khách nhập cảnh với ngành y tế; chỉ đạo việc cấm người qua lại tại các đường mòn, lối mở dọc biên giới và kiểm soát chặt chẽ khách qua lại tại các cửa khẩu khác; chuẩn bị sẵn sàng triển khai bệnh viện dã chiến trong trường hợp dịch lan rộng; chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trong các đơn vị quân đội.
Trước đó, lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng tiến hành kiểm tra thực tế Khu cách ly của Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An. Hiện đơn vị này đang điều trị cách ly một phụ nữ 42 tuổi có một số triệu chứng nghi nhiễm dịch bệnh này. Bệnh nhân trú tại xã Châu Kim, huyện Quế Phong vừa trở về từ Trung Quốc ăn Tết ngày 17/1. Đến ngày 28/1, chị được người nhà đưa đến bệnh viện sau các triệu chứng như sốt, ho... Hiện tại, Bệnh viện đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm. Sau ba ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân này có chiều hướng tốt hơn như giảm sốt, đi lại được, bác sĩ và y tá tiếp xúc bình thường. “Đây là đối tượng giám sát chứ không phải đối tượng trực tiếp nghi ngờ có nguy cơ cao về dịch do nCoV. Nếu tình trạng sức khỏe của bệnh nhân này duy trì được như hiện tại trong hai ngày tới thì có khả năng thứ 2 tuần sau sẽ được xuất viện về nhà”, ông Nguyễn Văn Định, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An khẳng định.