Sẵn sàng vào vụ ép mía

Theo kế hoạch, giữa tháng 12 tới, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương sẽ vào vụ ép mới. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song công ty dự kiến vụ ép năm nay sẽ có kết quả tốt.

Chúng tôi về xã Trung Yên (Sơn Dương) vùng nguyên liệu của Nhà máy đường Sơn Dương vào những ngày giữa tháng 11, những cánh đồng mía ngút ngàn chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch. Người dân đang thu dọn lá khô, đây là phần việc cuối cùng của chu kỳ sản xuất, để chuẩn bị đón thành quả sau một năm vất vả vun trồng.

Anh Đào Văn Đồng, thôn Hoàng Lâu, một trong những hộ trồng nhiều mía nhất xã Trung Yên cho biết, gia đình anh có 3,4 ha mía trồng trên đất đồi, 4 năm liên kết trồng mía với công ty năm nào gia đình cũng thu được 350 tấn mía cây. Để có năng suất cao, anh bón phân theo đúng định mức hỗ trợ của công ty, đồng thời chăm sóc, phòng trừ dịch hại theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây mía. Anh Đồng ước tính niên vụ năm nay, sản lượng mía của gia đình có phần nhích hơn những năm trước và giá mía ổn định 800 nghìn đồng/tấn, sẽ được khoảng 90 - 100 triệu đồng/ha, trừ chi phí lợi nhuận ước đạt 40 - 50 triệu đồng/ha.

Đường vào cánh đồng mía thôn Cây Vải, xã Thái Hòa (Hàm Yên)đã được san gạt để chuẩn bị cho vụ đốn chặt sắp tới.

Ông Nguyễn Ngọc Sỹ, cán bộ nông vụ Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương cho biết, Trung Yên trong những xã đứng đầu về “3 nhất” trồng mía nguyên liệu, diện tích mía lớn nhất, tập trung nhất và năng suất cao nhất. Với 140 ha mía trồng trên đất đồi dốc, song người dân Trung Yên chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh theo đúng kỹ thuật nên năng suất mía rất cao, bình quân đạt trên 80 tấn/ha, cao hơn mức bình quân chung của tỉnh trên 10 tấn/ha.

Đường vào cánh đồng mía các thôn Cây Vải, Thái Hòa, Ba Luồng đã được xã Thái Hòa (Hàm Yên) gia cố lại, xe ô tô có thể dễ dàng đến tận nơi để vận chuyển mía. Anh Phạm Hồng Thái, thôn Cây Vải cho biết, đường vào cánh đồng mía của thôn chưa được đổ bê tông, vì vậy để thuận lợi cho việc vận chuyển mía nguyên liệu sắp tới, mỗi hộ gia đình bố trí 1 nhân lực san gạt lại đường. Anh Thái cho rằng, đường bằng phẳng, ô tô đi vào từng thửa vận chuyển, người trồng mía không còn phải tăng bo vận chuyển qua nhiều phương tiện sẽ giảm được chi phí, gia tăng giá trị kinh tế.

Anh Đỗ Khánh Toàn, Phó trưởng phòng Nguyên liệu, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương cho biết, ngoài các giống mía truyền thống ROC 10, ROC11, ROC 22, từ năm 2018 đến nay công ty đưa các giống mới NK1, NS9211, KK3... vào canh tác đã chứng tỏ ưu điểm vượt trội: Ít sâu bệnh, chịu hạn tốt, cây cao, mập, độ đường cao, năng suất, sản lượng cao nên người trồng mía hết sức phấn khởi. Dự kiến từ ngày 10 đến ngày 15-12 sẽ chính thức bước vào vụ ép, hiện tại công ty đã triển khai lịch thu hoạch mía chặt để cán bộ nông vụ thông báo đến các hộ dân. Công ty cũng đã hợp đồng với 120 xe tải để vận chuyển mía cho người dân. Hiện tại toàn tỉnh có 4.546 ha mía, năng suất ước đạt 69,7 tấn/ha. Dự tính, sản lượng ước đạt 317.000 tấn mía nguyên liệu. Chuẩn bị cho vụ ép, tại 2 nhà máy đã hoàn tất việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, đảm bảo công suất chế biến 2.500 - 3.000 tấn/ngày. Với công suất này, công ty sẽ sử dụng hết nguồn mía nguyên liệu của nông dân, hạn chế tình trạng ứ đọng nguyên liệu vào thời điểm chính vụ, đồng thời nâng cao chất lượng đường thành phẩm.

Ông Nguyễn Tiến Thành, Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương cho biết, giá thu mua mía tại ruộng là 800.000 đồng/tấn mía sạch, bằng giá mía thu mua niên vụ trước. Mới đây, công ty tổ chức trao giải thưởng “Cây mía vàng” đối với các hộ trồng mía đạt năng suất, trữ đường cao. Đây là biện pháp khuyến khích nông dân đầu tư, chăm sóc để nâng cao chất lượng cây mía.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/san-sang-vao-vu-ep-mia-125402.html