Chính phủ Anh: Nỗ lực lấp 'lỗ hổng' ngân sách
Với khoản thâm hụt ngân sách lên tới 120 tỷ bảng cho năm tài chính 2023-2024, tương đương với 4,4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), Chính phủ Anh đang chật vật tìm các biện pháp lấp 'lỗ hổng' ngân sách để vừa có thể thu hẹp chênh lệch thu chi, vừa không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Hiện việc hoàn thành dự thảo kế hoạch ngân sách cho năm 2025 để công bố vào ngày 30-10 tới là nhiệm vụ vô cùng khó khăn đối với Chính phủ Anh.
Theo thống kê của Hạ viện Anh, trong năm tài chính 2023-2024, doanh thu của Chính phủ - từ thuế và các khoản thu khác là 1,1 nghìn tỷ bảng Anh, trong khi chi tiêu là 1,2 nghìn tỷ bảng Anh. Nợ quốc gia của Anh hiện ở mức gần 100% GDP và đang trên đà tăng gấp 3 lần trong nửa thế kỷ tới do một số áp lực bao gồm dân số già hóa, biến đổi khí hậu và căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Theo Tổng Thư ký Bộ Tài chính Darren Jones, Anh đang phải đối mặt với mức nợ cao nhất kể từ những năm 1960, mức thuế cao nhất kể từ những năm 1940. Ngoài ra, nước này cũng đang chịu áp lực phải chi nhiều hơn cho quốc phòng để ứng phó với những biến động địa chính trị mạnh mẽ từ cuộc xung đột Nga - Ukraine. London cũng cần nguồn tài chính lớn để đẩy mạnh chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch. Những yêu cầu bức thiết ấy, kết hợp cùng tăng trưởng yếu và giá năng lượng cao, đang trở thành “một hỗn hợp độc hại” đối với tài chính công.
Điều đó có nghĩa là Chính phủ của đảng Lao động sẽ phải cắt giảm hàng chục tỷ bảng dành cho dịch vụ công mỗi năm, một động thái làm gia tăng những lo ngại trong giới tài chính. Chiến lược gia đầu tư tại Tập đoàn Quilter Investors Lindsay James cho biết, viễn cảnh tăng thuế có thể khiến người tiêu dùng thận trọng hơn trong chi tiêu ở những tháng tới. Thủ tướng Anh Keir Starmer đã cảnh báo rằng, gói ngân sách mùa thu sẽ rất khó khăn, đồng thời đề cập đến khả năng tăng thuế đối với một bộ phận người dân nhằm bù đắp cho tình trạng thâm hụt ngân sách của nước này.
Nói về dự thảo ngân sách đang được xây dựng, ngày 18-9, Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết, Chính phủ sẽ không có những bước đi làm suy yếu mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, nhưng cảnh báo rằng, các cam kết chi tiêu không được tài trợ có thể gây tổn hại đến nền kinh tế. Nhấn mạnh việc phải kế thừa một “di sản khủng khiếp” do chính quyền trước để lại, Thủ tướng Keir Starmer đề cập tới khả năng tăng thuế để lấp vào “lỗ hổng” ngân sách. Tuy nhiên, Chính phủ đã loại trừ khả năng tăng thuế thu nhập, bảo hiểm xã hội và các loại thuế giá trị gia tăng đối với người lao động. Những biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế được các nhà lãnh đạo mới coi là nhiệm vụ hàng đầu, chứ không chỉ tập trung vào việc tăng thuế.
Theo số liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS), nền kinh tế nước này vẫn tăng trưởng ở mức hết sức khiêm tốn. Quá trình phục hồi của nền kinh tế sau khi rơi vào trạng thái suy thoái nhẹ vào cuối năm 2023 đã chững lại. Chỉ có dịch vụ, một trong 3 lĩnh vực được xem là động lực chính của nền kinh tế, ghi nhận mức tăng trưởng 0,1%; trong khi sản xuất đã giảm 0,8%; sản lượng xây dựng giảm 0,4%. Trong quý II-2024, mặc dù nền kinh tế Anh tăng trưởng 0,5% và GDP cao hơn 1,1% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng hiệu suất của nền kinh tế trong 2 tháng gần nhất đang ở mức thấp, phản ánh sự suy yếu trên diện rộng. Dự báo, tăng trưởng kinh tế của Anh dừng ở mức 0,2% trong quý cuối của năm 2024.
Trước triển vọng kinh tế không mấy sáng sủa, Bộ trưởng Bộ Tài chính Rachel Reeves cho biết, bà không hề ảo tưởng về quy mô thách thức mà nước Anh phải đối mặt và cho biết, sự thay đổi sẽ không diễn ra trong một sớm một chiều. Theo Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves, trong 5 năm tới Amazon Web Services có kế hoạch chi 8 tỷ bảng tại Anh để xây dựng các trung tâm dữ liệu. Đây là một yếu tố lạc quan trong bức tranh kinh tế ảm đạm của nước này. Bên cạnh đó, động thái tiếp theo về lãi suất từ Ngân hàng Trung ương có thể giúp giảm bớt áp lực về tăng trưởng.
Trong đánh giá hằng năm về tình hình kinh tế và tài chính của Anh, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, thách thức chính của London trong trung hạn là giải quyết nhu cầu chi tiêu công, cũng như bảo đảm nợ công ổn định. IMF nhấn mạnh tính cấp thiết của việc kiểm soát nợ công - vốn đã chạm mức tương đương 100% GDP của Anh.
Dư luận nước này hy vọng, những chính sách sắp tới của Thủ tướng Keir Starmer sẽ đi đúng hướng để hoàn thành mục tiêu đưa nền kinh tế đạt được mức tăng trưởng hằng năm là 2,5% như ông đã cam kết khi tranh cử.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chinh-phu-anh-no-luc-lap-lo-hong-ngan-sach-678647.html