San sẻ yêu thương, gieo mầm nhân ái

Trong những tháng qua, nhân loại đã chứng kiến nhiều hình ảnh rơi nước mắt. Một cụ bà 90 tuổi ở Bỉ đã nhường ống thở cho những người trẻ tuổi vì bản thân đã từng có một cuộc đời tươi đẹp; những y-bác sĩ ở tuyến đầu đã nhiều tháng không về với gia đình, ngày đêm tận tâm tận lực cứu chữa bệnh nhân; những chiến sĩ bộ đội biên phòng hoãn cưới; lập bàn thờ bái vọng mẹ cha vừa qua đời vì đang thực thi nhiệm vụ, bảo đảm cách ly...

Lòng nhân ái như một dòng sông, tắm tưới và làm mát cuộc đời. Dẫu có lúc, ở đâu đó, lòng nhân ái tưởng chừng không còn nữa, bởi cuộc sống khốc liệt, bởi sự cạnh tranh đến tận cùng. Nhưng, lòng nhân ái như mạch ngầm không bao giờ khô cạn, bởi con người không thể thiếu sự yêu thương và mãi mãi cần sự thương yêu!

ATM gạo, ATM thực phẩm miễn phí, Siêu thị 0 đồng... là những mô hình được sáng tạo không chỉ bởi trí tuệ mà còn từ lòng nhân ái, sự yêu thương. Trong lịch sử hình thành và phát triển của mình, nhân loại đã có quá nhiều thành quả sáng tạo trí tuệ không có lòng nhân ái, đó là những loại vũ khí hủy diệt, những mưu mô xảo trá, những hành động cướp của, giết người, xâm lược. Nhưng cũng có không ít những sáng tạo mang lại cho con người cuộc sống tốt đẹp, sức khỏe và tình yêu thương.

"Một miếng khi đói bằng một gói khi no" - câu thành ngữ ấy vang vọng và thôi thúc trong bối cảnh có rất nhiều người bị mất việc, tạm dừng việc để phòng chống dịch Covid-19. Đặc biệt, những người bán vé số, bán báo dạo, người tàn tật, cơ nhỡ... vốn chạy ăn từng bữa, giờ phải ra sao khi không còn thu nhập hằng ngày và tiền hỗ trợ chưa đến kịp.

Những dòng gạo đầu tiên chảy ra từ chiếc máy đầu tiên ở Tân Phú (TP HCM) mang lại niềm vui cho bà con nghèo. Đồng thời, cũng làm bật lên một ý tưởng mới: "Có gạo rồi, nhưng nhiều người nghèo không có tiền đi chợ, lấy gì mua thức ăn. Nếu bên cạnh phần gạo mà có thêm phần thực phẩm nữa thì bà con sẽ có bữa cơm ấm áp, đủ năng lượng, bảo đảm sức khỏe để vượt qua dịch bệnh"!

Chiếc máy đầu tiên với nhiều bỡ ngỡ được lắp đặt ngay trước trụ sở Báo Người Lao Động. Bà con nghèo, tàn tật, cơ nhỡ nghe tin lần đầu tiên có máy cung cấp thực phẩm miễn phí đã đến rất đông. Từng dòng người thực hiện giãn cách xã hội một cách tự nguyện và nhận thực phẩm với niềm vui trong ánh mắt, nụ cười và cả những giọt nước mắt vì xúc động. Một ông cụ 76 tuổi xúc động nói: "Nhà tui nghèo quá, ngừng bán vé số bữa giờ, hết sạch tiền nên mấy hôm nay chỉ ăn cơm với nước tương, có bữa chỉ nấu cháo trắng mà húp. Hôm nay, được Báo Người Lao Động tặng gạo và 6 quả trứng, lại thêm mì gói nữa, thiệt vui quá".

Lòng nhân ái đã được gieo mầm, sức sống và sự lan tỏa thật mạnh mẽ. Ngay trong buổi sáng và cả nhiều ngày sau đó, nhiều chuyến xe chở gạo, trứng, xúc xích, mì ăn liền, thịt hộp, cá hộp, nước tương, nước mắm... được bà con, cô bác, các mạnh thường quân chở đến. Tầng trệt và tầng hầm Báo Người Lao Động được biến thành "tổng kho" lương thực, thực phẩm lớn chưa từng có. Ngoài tiền mặt hơn 500 triệu đồng, Báo Người Lao Động đã nhận được hơn 52 tấn gạo, 29.000 quả trứng, 1.000 thùng mì gói, gần 3.000 hộp thực phẩm, 157 thùng xúc xích... từ các nhà tài trợ, mạnh thường quân. Trong đó, nhiều anh chị, cô bác chở gạo, trứng, xúc xích đến rồi đi ngay, không cần nêu danh tính, địa chỉ. Đối với họ, việc gieo mầm nhân ái như một lẽ đương nhiên.

Đặc biệt, bà Caz White - một người Úc - khi biết chương trình Báo Người Lao Động chung tay cùng cộng đồng phòng chống dịch Covid-19 đã vận động bạn bè đóng góp thực phẩm. Bà cho biết ban đầu bà chỉ mong vận động được 200 kg nhưng thật không ngờ, bà đã vận động được gấp...10 lần. Hôm sau, bà Caz White thuê xe chở 2 tấn gạo đặc sản đến Báo Người Lao Động. Không giấu được xúc động khi trực tiếp chứng kiến những người lao động thất nghiệp, người tàn tật, trẻ em, người già đều được tặng quà, bà Caz White đã thốt lên: "Việt Nam là quê hương thứ 2 của tôi!".

Với một lượng thực phẩm khổng lồ mà các nhà hảo tâm đóng góp, nếu không có sự chung tay, đồng lòng của anh chị em Báo Người Lao Động và các tình nguyện viên, thật khó có thể vận chuyển, phân chia và gửi đến bà con có hoàn cảnh khó khăn. Những nữ phóng viên "liễu yếu đào tơ" cũng xắn tay áo khênh thực phẩm; những chú bảo vệ, anh lái xe, chị lao công hay các cán bộ quản lý đều đẫm mồ hôi suốt những ngày phục vụ người lao động thất nghiệp, bà con nghèo, tàn tật, cơ nhỡ. Nhưng ai cũng vui, nụ cười chưa bao giờ tắt trên môi họ!

3 máy cung cấp thực phẩm miễn phí của Báo Người Lao Động - trong đó gồm 2 máy tại TP HCM và 1 máy tại Hà Nội - đã hoàn thành sứ mệnh vào trưa 29-4. Công việc của hầu hết người lao động đã được phục hồi, cuộc sống đang dần trở lại nhịp điệu bình thường. Tiếp nối chương trình, những phần lương thực - thực phẩm còn lại sẽ được tập thể Báo Người Lao Động và các tình nguyện viên mang trực tiếp đến các mái ấm, nhà mở, viện dưỡng lão, cơ sở chăm nuôi trẻ mồ côi, cơ nhỡ... Những hạt mầm nhân ái sẽ còn tiếp tục được gieo trên mảnh đất cuộc đời, để cuộc sống mãi mãi xanh tươi, đơm hoa, kết trái!

Tô Nguyễn

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/san-se-yeu-thuong-gieo-mam-nhan-ai-20200503223720303.htm