Sàn thương mại điện tử EVFTA 'make in Việt Nam' sẽ hoạt động như thế nào?

Sàn EVFTA sẽ kết nối doanh nghiệp Việt với các đối tác thương mại quốc tế, đặc biệt các đối tác đến từ châu Âu, qua đó giúp các doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp EU, cũng như các đối tác quốc tế khác có thể dễ dàng kết nối và thực hiện các hoạt động thương mại.

Ngay sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực (từ 1/8/2020), cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã khai thác khá tốt các cơ hội từ Hiệp định này. Trong bối cảnh tác động không nhỏ bởi đại dịch Covid-19, tranh thủ lợi thế của cuộc CMCN 4.0, Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam triển khai Chương trình hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp khai thác Hiệp định EVFTA bằng nền tảng thương mại điện tử.

Trên cơ sở đó, Viện Khoa học Quản trị Doanh nghiệp và Kinh tế số Việt Nam (VIDEM) đang xây dựng “sàn” thương mại điện tử dành cho doanh nghiệp “make in Việt Nam” giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường EU thuận lợi hơn khi nền tảng này được hoàn thiện và đi vào hoạt động từ cuối năm nay. Phóng viên VOV có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Kim Hùng, Viện trưởng Viện VIDEM về nội dung này:

Ông Nguyễn Kim Hùng - Viện trưởng VIDEM chia sẻ với phóng viên về sàn thương mại điện tử Việt Nam - EU (VEFTA).

Ông Nguyễn Kim Hùng - Viện trưởng VIDEM chia sẻ với phóng viên về sàn thương mại điện tử Việt Nam - EU (VEFTA).

PV:Thưa ông, ông nhìn nhận như thế nào về vai trò của thương mại điện tử đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng như lý do về việc xây dựng sàn thương mại điện tử EVFTA?

Ông Nguyễn Kim Hùng: Thương mại điện tử (TMĐT) đang đóng vai trò rất lớn đối với thương mại toàn cầu. Tổng giá trị giao dịch đã vào khoảng 1.700 tỷ USD của năm 2020, trong đó chủ yếu trên thế giới, có cả B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) và B2C (mô hình cung cấp từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng). Tuy nhiên, ở Việt Nam chúng ta mới nhìn thấy gửi một bức tranh chưa tới 16 tỷ USD và tập trung cơ bản là B2C. Đang rất thiếu và chưa có nhiều nền tảng về B2B - tức là giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp của Việt Nam để giao dịch ra khỏi lãnh thổ quốc gia Việt Nam.

Chính vì thế ý tưởng hình thành một sàn thương mại điện tử xuyên biên giới B2B được trăn trở từ lâu và rất may là chúng ta có Hiệp định EVFTA. Và với tất cả những nỗ lực dày công đàm phán trong suốt 10 năm qua, thì hiện nay chúng tôi hợp tác với Bộ Công Thương để triển khai sàn thương mại điện tử giữa các doanh nghiệp (B2B marketplace) để nhằm hiện thực hóa và triển khai một giải pháp tương đối đồng bộ căn cơ cho cộng đồng doanh nghiệp.

Trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh cá thể, các làng nghề… đều có thể hướng đến thực hiện giao dịch thông minh giữa doanh nghiệp ngành nghề ở Việt Nam với một doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh hay chủ thể kinh doanh tại các quốc gia châu Âu.

Đây chính là lý do vì sao ra đời sàn thương mại điện tử này. Và đặc biệt hơn nữa là nó được khởi tạo bởi người Việt theo Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số. Thì đây chính là điểm kỳ vọng rằng người Việt của chúng ta có thể xây dựng ra được một cái sàn để hình thành cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu về các hàng hóa - thị trường của riêng doanh nghiệp, để trên cơ sở đó có thể đóng góp được nhiều hơn nữa vào thương mại không chỉ nội địa và EU mà còn cả thương mại toàn cầu cho Việt Nam.

PV: Ông vừa nói “sàn” TMĐT này do người Việt khởi tạo nên, vậy điểm khác biệt của sàn này so với các sàn TMĐT khác là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Kim Hùng: Điểm khác biệt của sàn TMĐT này là nó được triển khai đồng loạt ở tại trung ương, hiểu nôm na là mình xây dựng một sàn giống như con đường cao tốc thì các nhánh cao tốc là các sàn thương mại nhỏ của các tỉnh.

Hiện tại các tỉnh đều có các Nghị quyết về chuyển đổi số và một trong những điều quan trọng của chuyển đổi số đó là giúp cho các thành phần kinh tế tiêu thụ được hàng hóa, thì thương mại điện tử chính là chìa khóa rất quan trọng.

Chương trình hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp khai thác Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) bằng nền tảng thương mại điện tử. (Ảnh: VGP/PT)

Chương trình hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp khai thác Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) bằng nền tảng thương mại điện tử. (Ảnh: VGP/PT)

Sàn TMĐT Việt Nam - EU này xây dựng hệ sinh thái để giúp cho các sàn TMĐT nhỏ đứng vào nên có đầy đủ các “tune” công cụ cũng như các hình thái để thực hiện giao dịch quốc tế hoàn chỉnh.

Ví dụ như việc đấu vào một hậu cần kinh doanh về hóa đơn điện tử, hay thanh toán xuyên biên giới rất khó khăn… thì cái này sẽ hướng đến là sẽ kiến tạo ra những hệ sinh thái như vậy, để nhằm mục đích có được nơi chính thống và nhanh nhất để đưa các sản phẩm ở các địa phương (như sản phẩm OCOP - thế mạnh của Việt Nam chúng ta). Đây cũng là một điểm quan trọng để có thể khai thác nhanh và hiệu quả hiệp định EVFTA.

PV: Thị trường EU vốn là một thị trường khó tính, vậy làm sao để có thể kiểm soát được các yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn, chất lượng của các sản phẩm khi giao dịch trên sàn TMĐT này, thưa ông?

Ông Nguyễn Kim Hùng: Trong hệ sinh thái của sàn TMĐT B2B này có rất nhiều modul, trong đó có modul truy xuất nguồn gốc hàng hóa, modul chuyên kiểm soát về chất lượng hàng hóa - từ quá trình bắt đầu - tức là từ đơn đặt hàng đã đưa ra các tiêu chuẩn và cách để đồng bộ các tiêu chuẩn, yêu cầu về tiêu chuẩn châu Âu ngay từ lúc đầu tiên khi vào các trang trại về sản xuất, chế biến.

Đồng thời, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến họ phải đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn này, rồi đáp ứng được xuất xứ hàng hóa… và tất cả những thứ đó tích hợp vào hậu cần kinh doanh. Hy vọng rằng, trong khoảng 3 năm tới chúng tôi sẽ làm xong hệ sinh thái này. Khi đó, người mua hàng ở châu Âu có thể nhìn thấy diễn biến của đơn hàng rất chi tiết, từ ngày gieo mầm cho đến vận hành trên đường đi ra sao, và nó đều đạt theo các tiêu chuẩn và họ yêu cầu ngay từ lúc họ đặt hàng.

PV: Thưa ông, vậy khi nào thì “sàn” sẽ đi vào hoạt động chính thức và các lĩnh vực, sản phẩm, ngành hàng nào sẽ được ưu tiên giao dịch trên sàn thương mại điện tử EVFTA?

Ông Nguyễn Kim Hùng: Theo kế hoạch, nếu được sự hỗ trợ tốt của các cơ quan quản lý nhà nước thì cuối năm nay chúng tôi sẽ launching (giới thiệu)/chạy được version-1, với version-1 đó thì các doanh nghiệp đều có thể thực hiện được các giao dịch cơ bản về B2B giữa các doanh nghiệp Việt Nam và EU.

Còn một quá trình dài hơi hơn nữa để xây dựng một hệ sinh thái cơ bản hoàn chỉnh cho B2B. Bởi vì rõ ràng cho đến bây giờ chúng ta đang thấy thời đến thời điểm hiện tại mặc dù công nghệ trên thế giới phát triển rất tốt nhưng một sàn B2B đâu đó vẫn là mới mẻ đối với doanh nghiệp của Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói riêng nói chung. Chắc có lẽ cần phải có một quá trình dài hơi hơn nữa và đây là những bước đầu tiên.

PV: Doanh nghiệp cần những điều kiện gì để có thể tham gia vào sàn thương mại điện tử EVFTA, thưa ông?

Ông Nguyễn Kim Hùng: Về cơ bản thì sàn sinh ra để cho tất cả các thành phần kinh tế, từ hộ kinh doanh cho đến doanh nghiệp, các tổ chức, tức là không giới hạn bất cứ một thành phần nào. Và nó chỉ là một sàn tập trung vào B2B, nghĩa là doanh nghiệp kết nối với doanh nghiệp, đấy là điều vô cùng quan trọng và không có đưa ra bất kỳ một rào cản gì.

Tuy nhiên, để xuất khẩu được, hoặc để thực hiện được một giao dịch trơn tru giữa Việt Nam và EU thì doanh nghiệp cần phải tham gia vào các chương trình, các hiệp hội để đảm bảo rằng các sản phẩm đó được đóng gói theo đúng nhãn mác, mẫu mã rồi truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo các tiêu chuẩn của EU yêu cầu - cả về những yêu cầu về sau, hậu kỳ. Có nghĩa là doanh nghiệp sau khi giao hàng rồi thì cũng vẫn phải tuân thủ đầy đủ các quy định của sàn, thì đó là các vấn đề doanh nghiệp cần phải lưu tâm.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

Nguyên Long/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/san-thuong-mai-dien-tu-evfta-make-in-viet-nam-se-hoat-dong-nhu-the-nao-855017.vov