San ủi rừng tự nhiên thi công cao tốc Bắc- Nam, chủ đầu tư cũng không biết sự việc?
Để tiếp cận vị trí thi công hầm số 2 và 3 dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2), nhà thầu là Tập đoàn Đèo Cả đã tự thỏa thuận với người dân thuê đất và san gạt một phần diện tích rừng tự nhiên để làm đường công vụ mà chủ đầu tư dự án cũng không nắm được.
Báo chí thông tin chủ đầu tư cũng mới biết
Theo cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ngãi, phần rừng tự nhiên bị phá thuộc tiểu khu 334, xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi), đây là nơi mới được khôi phục theo dự án phục hồi và quản lý rừng bền vững (dự án KfW6) do Đức tài trợ vốn.
Trước vi phạm trên của nhà thầu, Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) đã có văn bản yêu cầu Ban QLDA 2 (đại diện chủ đầu tư cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn) kiểm tra, xử lý và báo cáo vụ việc trên. Chủ đầu tư cũng nhận được yêu cầu chỉ đạo các nhà thầu thi công cao tốc nghiêm túc thực hiện các quy định liên quan về bảo vệ rừng.
Trong văn bản báo cáo Cục Quản lý đầu tư xây dựng do ông Cao Việt Hùng, Giám đốc Ban QLDA 2 ký gửi, cho biết, Ban QLDA 2 cũng chưa có thông tin chính xác về loại rừng, diện tích rừng bị ảnh hưởng nên sẽ tìm hiểu, xác minh và báo cáo về Cục khi có đủ cơ sở?
Cũng theo báo cáo của Ban QLDA 2, theo hợp đồng được ký kết giữa Ban QLDA và liên danh Công ty CP Tập đoàn Đèo cả- Công ty CP xây dựng Đèo Cả- Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả- Công ty CP Trường Long về việc thực hiện gói thầu XL3- dự án cao tốc Quảng Ngãi- Hoài Nhơn thì tuyến đường công vụ ngoại tuyến 1 dài 4,5km mới được nghiên cứu trên bình đồ tỷ lệ 1/10.000 nên thuyết minh đã chỉ dẫn trong bước tiếp theo cần nghiên cứu, đo đạc trên bình đồ tỷ lệ chi tiết hơn, lấy cơ sở thiết kế phục vụ thi công.
Nhưng trong quá trình thi công, nhà thầu đã đề xuất phương án đường công vụ mới, phương án này được tư vấn giám sát, ban điều hành dự án đồng ý về nguyên tắc.
Theo quy định của hợp đồng, nhà thầu thi công phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật, các quy định về thiết kế, bảo vệ môi trường và phải có sự được sự chấp thuận của chủ sở hữu đất, chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý trước khi triển khai thực hiện.
Đường công vụ mới, theo báo cáo của Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, đã mở qua khu rừng tự nhiên nghèo kiệt thuộc Dự án KFW6 tại tiểu khu 334, xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ.
“Các khu vực đất lâm nghiệp, đất rừng tự nhiên lân cận do các đơn vị chuyên ngành và chính quyền địa phương quản lý, Ban QLDA 2 chưa có thông tin chính xác về loại rừng, diện tích rừng bị ảnh hưởng nên sẽ tìm hiểu, xác minh và báo cáo cung cấp thông tin chính xác khi có đủ cơ sở”- báo cáo của Ban QLDA 2 nêu.
Như vậy có thể nói, việc Tập đoàn Đèo Cả tự san ủi rừng tự nhiên, mở đường công vụ thi công cao tốc Quảng Ngãi- Hoài Nhơn khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cho phép.
Rừng phục hồi rồi lại bị phá
Tại cuộc họp diễn ra ngày 7/6, Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ Đỗ Tâm Hiển đã nhấn mạnh, thị xã Đức Phổ sẽ điều tra và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có liên quan đến vụ việc phá rừng này nhằm đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.
Theo đó, yêu cầu Hạt Kiểm lâm thị xã khẩn trương phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xác minh, điều tra vụ việc theo đúng quy định; cung cấp các cơ sở pháp lý có liên quan để xác định đúng hành vi phá rừng này. Từ đó làm cơ sở đưa ra giải pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Trong báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi ngày 5/6, lãnh đạo UBND thị xã Đức Phổ cho biết, phần diện tích rừng tự nhiên bị phá làm đường thi công cao tốc thuộc Dự án KfW6, được phát hiện ngày 30/3/2023. Tổng diện tích bị phá hơn 7.500m2, tại thời điểm kiểm tra không phát hiện đối tượng vi phạm.
Toàn bộ số gỗ bị chặt hạ được tịch thu và chuyển về Hạt Kiểm lâm thị xã Phổ Cường bảo quản, tạm giữ chờ điều tra.
Sau đó, UBND xã Phổ Cường phát thông báo tìm đối tượng phá rừng trái pháp luật, giao Công an xã phối hợp cơ quan liên quan xác minh đối tượng phá rừng, củng cố hồ sơ để xử lý.
Dự án KfW6 tại Quảng Ngãi có tổng vốn đầu tư hơn 53 tỷ đồng, trong đó vốn ODA của Đức hơn 33 tỷ đồng, vốn đối ứng ngân sách tỉnh hơn 20 tỷ đồng. Tổng diện tích rừng thuộc dự án hơn 3.800ha, tại các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Đức Phổ. Thời gian thực hiện giai đoạn 2005 - 2014.
Tại Đức Phổ, dự án KfW6 đã hỗ trợ khôi phục hơn 1.377ha rừng tự nhiên. Khi tham gia dự án, người dân được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để trồng, bảo vệ và khai thác lợi tức từ rừng mang lại với các cam kết đi kèm, nếu vi phạm cam kết sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Thực tế, thời gian qua, diện tích rừng phục hồi thuộc dự án KfW6 liên tục bị chặt phá. UBND thị xã Đức Phổ thừa nhận, sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hết thời gian thực hiện dự án KfW6, một số hộ dân đã chuyển nhượng, mua bán đất, dẫn tới tình trạng phá rừng thuộc diện tích do dự án KfW6 hỗ trợ bảo vệ.
Tính tới cuối năm 2022, đã có hơn 312ha rừng tham gia dự án KfW6 trên địa bàn sụt giảm, trong đó có 144ha rừng bị phá.