Sản vật tiến Vua trên sông Loan

Sông Loan nhìn từ núi Phượng tựa như một con rồng uốn lượn khắp dải phù sa, cảnh sắc sông núi đẹp như một bức tranh thủy mặc. Dòng sông mang lại bao nhiêu của ngon vật lạ, trong đó có món sò huyết trứ danh từng là sản vật tiến Vua.

Sông Loan hay còn được gọi là sông Roòn nằm ngút ngọn ở phía Bắc huyện Quảng Trạch là một trong 5 hệ thống sông lớn nhất của tỉnh Quảng Bình. Sông có chiều dài hơn 30km - được bắt nguồn từ núi Động Mưa ở dãy Hoành Sơn chảy xuống cửa Di Luân rồi chảy ra biển lớn.

Ngược dòng sông Loan mới thấy được cảnh quan nơi đây sông núi hòa quyện một màu xanh biếc và vẻ đẹp của những làng quê trú phú ven sông nhưng yên bình và ấp áp tình người nơi đây.

Địa thế "rồng cuộn, hồ ngồi"

Nếu như nhánh lũy ở thượng nguồn dòng Loan là vùng đất ví như "địa linh nhân kiệt" - nơi có dãy Hoành Sơn kì vĩ bao bọc ngăn cách giữa địa bàn 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình thì tả ngạn con sông là nơi cư ngụ của những làng quê trù phú yên tỉnh ven xứ Roòn. Suốt dọc hành trình qua sông Loan với những làng quê có cái tên lạ tai này, nhiều người từng trầm trồ khen ngợi: "Chưa thấy con sông nào ở cái xứ Bọ này bình yên và đẹp thế".

Sông Loan quanh năm một màu xanh biếc

Sông Loan quanh năm một màu xanh biếc

Người Xứ Roòn thường nhắc đến cụm từ sông Loan - núi Phượng để tự hào về quê hương của mình. Núi Phượng nằm trên dãy Hoành Sơn hùng vĩ án ngữ trên hành trình thiên lý Bắc – Nam, núi chạy dài từ núi Tổ, thế "rồng cuốn hổ ngồi", trùng trùng điệp điệp kéo mãi ra đến tận biển. Vách đứng cao nom như bức tường thành, án ngữ cả một vùng đất bên Hoành Sơn.

Từ ngọn núi này, phóng tầm mắt nhìn xuống, sông Loan tựa như một con rồng uốn lượn khắp dải phù sa, cảnh sắc sông núi đẹp như một bức tranh thủy mặc.

Cư dân đôi bờ lặn mò sò huyết trên sông Loan

Cư dân đôi bờ lặn mò sò huyết trên sông Loan

Theo các cụ cao niên, từng nhánh sông Loan đều mang trong mình một hình thể riêng của con rồng uốn lượn. Đầu rồng là hạ nguồn con sông, ngăn cách giữa 2 xã Quảng Phú và Cảnh Dương - nơi có miệng là cửa Roòn mà ngư dân thường ra vào neo đậu. Còn cánh và chân Rồng nằm thoải lạc hướng về vùng quê nơi dọc ven bờ sông, 2 xã Quảng Kim và Quảng Châu nằm úp mặt vào nhau với hai dòng chảy, mỗi địa thế ôm trọn một chân rồng. Càng lên thượng nguồn dòng sông bên xã Quảng Hợp thì đuôi Rồng ngày càng nhỏ dần lại rồi lẫn khuất trong màn mây giăng mờ ảo của dãy Hoành Sơn.

Bởi vậy, sông Loan quanh năm nước đủ đầy, quyện một màu xanh ngắt, nhẹ nhàng đổ ra biển. Người dân địa phương ví von rằng, sông Loan như một con rồng uốn lượn, ôm ấp, chở che những làng quê khắp xứ Roòn, mà đã là Rồng sao thiếu nước được...

Sản vật sông Loan

Địa thế sông Loan ví như "rồng cuốn, hổ ngồi" cũng như sự hợp lưu ngẫu nhiên của 2 dòng nước mặn – ngọt đã mang đến cho dòng sông những sản vật trứ danh, đã đi vào kinh ca, thi sử. Nhiều loại sản vật nước lợ như hàu, sò, ốc, tôm, cua thuộc hàng "thượng hạng". Trong đó sò huyết là loại sản vật trứ danh trên khúc sông này và được người dân xem như là của quý và nổi tiếng khắp nơi.

Dòng sông mang lại bao nhiêu của ngon vật lạ, trong đó có món sò huyết trứ danh từng là sản vật tiến Vua

Dòng sông mang lại bao nhiêu của ngon vật lạ, trong đó có món sò huyết trứ danh từng là sản vật tiến Vua

Trong cuốn Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, có đoạn: "Cửa biển châu Bắc Bồ Chính (tên gọi của Quảng Bình – PV) xưa không có sò. Từ thời Hiền quận công Nguyễn Khắc Liệt trấn thủ, sai ba chiếc thuyền ra Quảng Yên, giáp với Khâm Châu lấy về bỏ ở cửa biển Di Luân, đến nay xứ ấy mới có sò".

Cư dân đôi bờ sông Loan từ bao đời này vẫn mưu sinh bằng nghề chài lưới trên sông để kiếm sống. Những sản vật được thiên nhiên ban tặng như con tôm, con ốc, cá...và đặc biệt là sò huyết đã nuôi sống bao thế hệ người dân xứ Roòn, nhắc đến dòng sông này người ta lại nhớ chất chứa hương vị của món sò huyết là sản vật lưu danh đến ngày nay.

Làng quê trù phú, yên bình bên dòng sông Loan

Làng quê trù phú, yên bình bên dòng sông Loan

Tình cờ ghé thuyền vào bến Hùng Sơn, chúng tôi gặp chị Từ Thị Hoa (43 tuổi, xã Quảng Kim) vừa đi cào sò huyết về. Theo chị Hoa, mỗi ngày chị khai thác từ 10-20kg, thu đều đặn 400 ngàn đồng mỗi ngày từ việc cào sò huyết.

"Tui làm nghề cào sò huyết trên sông Loan đến ni đã được gần 20 năm rồi, cứ vào mùa hè từ tháng 4 đến tháng 6 là cào được nhiều sò nhất, vì rứa sông Loan quanh năm đem lại nguồn thu chính cho gia đình tui" - chị Hoa, tâm sự.

Tiết canh sò huyết - một trong những sản vật nức tiếng sông Loan

Tiết canh sò huyết - một trong những sản vật nức tiếng sông Loan

Theo những dân chài ven sông, loại sò huyết tự nhiên này khi đánh bắt về không phải làm đơn giản mà đòi hỏi chế biến phải cực kỳ công phu. Sò huyết nơi đây được người dân luộc qua nước sôi, sau đó lấy phần thịt và huyết sò còn đỏ tươi bỏ vào bát rồi thêm gia vị vào để thưởng thức. Miếng thịt sò huyết ngọt lịm, béo bùi như "ngậm" cả sự ngọt ngào của nước sông Loan lẫn vị đậm đà của nước biển.

Tích xưa kể lại rằng, vào những năm được mùa sò huyết, các thuyền buôn thường ghé cửa Roòn thu mua để tiến cống vua chúa, quan lại triều đình. Dân vùng Roòn vì thế vẫn thường gọi đây là loại "sò huyết tiến Vua"...

HOÀNG PHÚC

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/san-vat-tien-vua-tren-song-loan-20230127101338111.htm