Sản xuất cà phê chất lượng cao là xu thế tất yếu

Niên vụ cà phê 2019 - 2020, người trồng cà phê các địa phương kém vui vì cà phê mất mùa, rớt giá. Tuy nhiên, tại những vùng trồng cà phê chất lượng cao, năng suất, giá bán vẫn cao, bảo đảm nguồn thu nhập cho người dân.

Sản xuất cà phê ngày càng khó

Gia đình ông Phạm Văn Lâm, ở xã Thuận Hà (Đắk Song), có 1 ha cà phê. Nếu như mọi năm, gia đình ông Lâm phải thuê thêm 2 người cộng với vợ chồng ông thu hoạch 20 ngày mới xong vụ. Mất mùa như năm ngoái, nhưng ông vẫn thu được 3 tấn cà phê nhân.

 Ông Phạm Văn Lâm ở xã Thuận Hà, huyện Đắk Song (người đứng bên trái) năm nay chỉ thu hoạch được 1 tấn nhân

Ông Phạm Văn Lâm ở xã Thuận Hà, huyện Đắk Song (người đứng bên trái) năm nay chỉ thu hoạch được 1 tấn nhân

Ông Lâm cho biết: “Cà phê mất mùa chủ yếu là do thời tiết. Thời điểm đầu vụ, cà phê gặp mưa đang lúc ra hoa, nên không thụ phấn được, nên đậu trái kém và không đều”.

Còn gia đình ông Nguyễn Văn Đức, ở xã Đắk Sắk, cũng có 3 ha cà phê. Năm 2019, ông thu hoạch được 12 tấn, nhưng năm nay dự kiến chỉ được 9 tấn. Theo ông Đức, trong điều kiện thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu như hiện nay, nếu nông dân vẫn giữ thói quen canh tác như những năm qua thì năng suất cà phê sẽ không sụt giảm.

Hiện nay, để giữ cho vườn cà phê xanh tốt như cách đây mười năm, chu kỳ tưới phải tăng lên 2 đợt, lượng phân bón nhiều hơn khoảng 0,5 kg/cây, thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng lên… Tuy nhiên, đầu tư bảo đảm cho vườn cà phê xanh tốt, nhưng tuổi thọ và chất lượng vườn cây lại giảm đi nhiều.

 Vườn cà phê của hộ thành viên HTX Nông Lâm nghiệp Đắk Mil vụ này vẫn đạt năng suất ổn định

Vườn cà phê của hộ thành viên HTX Nông Lâm nghiệp Đắk Mil vụ này vẫn đạt năng suất ổn định

Theo một lãnh đạo của Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện Đắk Mil, cùng với thời tiết bất thuận, tình trạng sâu bệnh hại cây trồng xuất hiện thường xuyên, nhiều diện tích cà phê già cỗi, nhân cà phê không đạt như năm trước, làm cho năng suất giảm.

Bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT cho biết, qua thông tin từ cơ sở, năng suất cà phê năm nay không đạt so với mọi năm. Bên cạnh nguyên nhân thời tiết, còn do cà phê mất giá, nên người dân chỉ đầu tư cơ bản, không bổ sung dinh dưỡng cho cây. Điều này khiến cho sức chống chịu của cây kém, không đủ sức nuôi một lượng quả lớn trên cây.

Đòi hỏi sản xuất bền vững

Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng tại một số đơn vị, hợp tác xã (HTX) sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn chất lượng cao thì năng suất, giá bán vẫn ổn định. Nhiều hộ thành viên tuân thủ quy trình sản xuất, thu hái cà phê với tỷ lệ chín cao, các đơn vị thu mua cao hơn giá thị trường 3.000 đồng, nên người bán có lãi.

Gia đình bà Lại Thị Mùi, ở xã Đắk Sắk (Đắk Mil), canh tác gần 1 ha cà phê và thực hiện liên kết với HTX Nông Lâm nghiệp Đắk Mil. Cà phê sau khi thu hoạch về, HTX luôn thu mua theo giá cam kết.

Theo bà Mùi, nếu bán cà phê cho đại lý bên ngoài, giá chỉ có 7.000 đồng/kg tươi, nhưng bán cho HTX thì được 10.000 đồng/kg tươi. Muốn được giá như vậy, người dân cần có sự kiên nhẫn đầu tư. Cà phê phải được thu hái đúng độ chín và bảo quản đúng kỹ thuật.

 Công nhân thực hiện công đoạn phơi cà phê tại HTX Nông Lâm nghiệp Đắk Mil

Công nhân thực hiện công đoạn phơi cà phê tại HTX Nông Lâm nghiệp Đắk Mil

Theo ông Võ Đình Danh, Giám đốc HTX Nông Lâm nghiệp Đắk Mil, hiện tại vùng nguyên liệu của đơn vị có trên 50 ha, sản lượng đạt khoảng trên 200 tấn. Thời gian qua, HTX đã áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững, thực hiện chế biến, rang xay để bán ra các tỉnh thành như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hà Nội, Sơn La…

Ông Danh cho hay: “Hiện nay, HTX đang sản xuất cà phê chất lượng cao. Đây cũng là hướng đi phù hợp xu thế phát triển của xã hội. Qua đó cũng là động lực để HTX nâng cao giá trị hạt cà phê của mình. Khi giá trị cà phê hàng hóa tăng cao, đồng nghĩa với việc người trồng cà phê cũng hưởng lợi”.

Theo bà Nguyễn Thị Tình, trong thời gian tới, tỉnh sẽ khuyến khích, hỗ trợ các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp xây dựng các mô hình cà phê đặc sản, chất lượng cao. Bởi vì khi thực hiện được quy trình sản xuất cà phê đặc sản thì sẽ nâng cao giá trị lên gấp nhiều lần.

Hiện nay, một số hộ cá thể, HTX thực hiện sản xuất, áp dụng công nghệ chế biến cà phê đặc sản, sản phẩm bán được với giá gấp 3 lần cà phê thông thường. Cà phê đặc sản rang xay giá bán gấp từ 5 – 7 lần.

Bài, ảnh: Văn Tâm

1,416

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/kinh-te/san-xuat-ca-phe-chat-luong-cao-la-xu-the-tat-yeu-83851.html